Bán sạch 13 triệu cp NKG, Thép SMC thu hơn 300 tỷ đồng, giải tỏa áp lực vốn
CTCP Đầu tư Thương mại SMC (HOSE: SMC) vừa thu hơn 300 tỷ đồng từ thương vụ bán cổ phiếu NKG, qua đó chấm dứt "mối lương duyên" 7 năm giữa hai hãng thép này.
Trong thông tin gửi lên HOSE, SMC cho biết đã bán sạch hơn 13 triệu cp NKG trong giai đoạn từ 05/02-04/03. Tạm tính theo mức giá trung bình 24,000 đồng/cp trong giai đoạn này, SMC đã “bỏ túi” 314 tỷ đồng và lãi khá lớn sau giai đoạn dài nắm giữ.
Hành trình 7 năm giữa SMC và NKG |
Hãng thương mại thép lần đầu mua cổ phiếu NKG thông qua đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược vào tháng 9/2017. Tại thời điểm đó, SMC cho biết động thái này “nhằm tạo quan hệ” với NKG.
Sau đó, khi ông Võ Hoàng Vũ rời SMC để sang NKG trong năm 2019, SMC quyết định tăng tỷ trọng nắm giữ. Ngoài ra, bà Nguyễn Ngọc Ý Nhi - Phó Chủ tịch SMC đang là Thành viên HĐQT Thép Nam Kim.
Giải tỏa áp lực thanh khoản
Đây là một trong những nỗ lực của SMC để huy động thanh khoản trong bối cảnh kinh doanh gặp khó, kẹt vốn ở nợ xấu và còn phải mua lại 200 tỷ đồng trái phiếu trước hạn. Trước đó, Công ty cũng quyết định chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê và tài sản gắn liền với đất tại SMC Tân Tạo 2 và SMC Bình Dương.
Về tình hình kinh doanh, năm 2023, SMC ghi nhận doanh thu thuần gần 13,800 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ; lỗ ròng gần 880 tỷ đồng, phần lớn do trích lập dự phòng nợ xấu (hơn 500 tỷ đồng).
Tình trạng thu hồi công nợ của SMC cũng gặp bế tắc. Cuối tháng 12/2023, nợ xấu của SMC giữ nguyên ở mức gần 1,300 tỷ đồng, trong đó 98% là nợ ngắn hạn. Phần lớn đến từ các công ty bất động sản có liên quan tới Novaland. Đến nay, SMC đã trích lập dự phòng hơn 570 tỷ đồng.
Tính tới cuối năm 2023, SMC còn hơn 1,150 tỷ đồng tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn. Nợ ngắn hạn hơn 4,700 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn gần 2,500 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu chỉ còn 800 tỷ đồng, trong đó lỗ luỹ kế hơn 160 tỷ.
Hoạt động trong mảng cần xoay tiền nhanh như thương mại, việc thiếu vốn sẽ gây áp lực lên hoạt động kinh doanh của SMC.