5G nâng cấp tự động hóa thiết bị
Với 5G, người dùng có thể kiểm soát và điều khiển từ xa thông suốt các thiết bị kết nối
Không giới hạn thiết bị kết nối
Theo Ericsson, tốc độ 5G nhanh gấp đến 10 lần so với 4G, độ trễ cực thấp (có thể đạt 1 ms, so với 10-30 ms của 4G) cho phép nhiều thiết bị kết nối cùng một lúc hơn, tích hợp liền mạch với các công nghệ mới.
2024 là năm của những thiết bị di động có khả năng xử lý các tác vụ trí tuệ nhân tạo (AI) ngay tại thiết bị. Chẳng hạn, như các hệ thống camera AI hoạt động dựa trên kho cơ sở dữ liệu khổng lồ trên đám mây, 5G sẽ truyền tải dữ liệu nhanh và phong phú hơn giúp chất lượng hình ảnh chụp cao hơn. Mặt khác, 5G có độ trễ gần như bằng 0 thì việc ứng dụng các công nghệ cho ngôi nhà, thành phố thông minh càng mượt mà, thông suốt. Với kết nối 5G, các thiết bị internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo vạn vật (AIoT), các cảm biến… sẽ phát huy tối đa khả năng của mình. Người dùng hầu như sẽ không còn bị giới hạn về số lượng thiết bị có thể cùng kết nối một lúc hay độ trễ của việc truyền dữ liệu.
Ngoài ra, người dùng sẽ không chỉ được hưởng thụ các tính năng số mà không còn bị ngăn trở, giới hạn về không gian và thời gian. Họ có thể quan sát, kiểm soát và điều khiển từ xa các thiết bị thông minh trong nhà. Chẳng hạn, từ nơi làm việc, người dùng có thể điều khiển máy giặt, máy sấy hoạt động. Trước khi rời văn phòng về nhà, có thể dùng smartphone để bật nồi cơm điện, lò nướng, đèn, mở rèm che cửa sổ… Chiếc tủ lạnh thông minh được kết nối giờ đây không chỉ dùng để lưu trữ đồ ăn thức uống mà còn có thể như một người quản gia điều khiển các thiết bị có kết nối trong nhà. Khi đã vào trong siêu thị, người dùng có thể mở tủ lạnh từ xa qua smartphone để mua đồ dự trữ. Thậm chí, khi sắp hết đồ ăn, tủ lạnh có thể liên lạc với cửa hàng để đặt hàng.
Hãng Thales đưa ra ví dụ về độ trễ cực thấp chỉ 1 ms (1/1.000 giây) của 5G. Khi ô tô chạy với tốc độ 100 km/giờ, với tốc độ phản ứng của người lái trước khi đạp thắng, chiếc xe vẫn chạy thêm khoảng 30 m. Trong khi đó, với tốc độ 1 ms, khoảng cách phản ứng của chiếc xe chỉ chưa tới 3 cm, rất an toàn cho xe thông minh, xe tự hành điều khiển từ xa.
Xe cứu thương 5G
Mạng 5G cũng tăng cường hiệu quả của dịch vụ y tế từ xa được hỗ trợ bởi công nghệ thực tế mở rộng. Các cảm biến theo dõi các chỉ số sinh hiệu và các dấu hiệu hoạt động của các bộ phận cơ thể được kết nối 24/7 qua mạng di động tới bác sĩ hay cơ sở y khoa. Việc theo dõi theo thời gian thực có giá trị sống còn. Và độ trễ của 5G gần như bằng 0 so với mức 30 ms của 4G. Các kết quả hội chẩn từ xa hay sự tư vấn, chỉ đạo của các chuyên gia từ xa cho những cuộc phẫu thuật nguy hiểm sẽ nhanh, chính xác, rõ ràng và thông suốt hơn với mạng 5G.
Nhà cung cấp dịch vụ Comlink ở Việt Nam đã giới thiệu giải pháp xe cứu thương 5G. Đây là hệ thống cấp cứu di động toàn diện, sử dụng 5G kết nối các xe cứu thương với các bệnh viện để theo dõi và xử lý người bệnh trong suốt quá trình vận chuyển đến cơ sở y tế. Xe cứu thương trang bị mạng 5G có thể truyền tải qua lại thông tin và tình trạng bệnh nhân, cũng như các dữ liệu y tế quan trọng nhanh, chính xác, đầy đủ hơn để bệnh viện có thể chuẩn bị sẵn sàng và ê-kíp cấp cứu trên xe có thể xử trí hữu hiệu hơn. Ở Malaysia, vào năm 2022, dịch vụ xe cứu thương First Ambulance Services (FAS) đã hợp tác với Công ty Viễn thông YTL Communications triển khai dịch vụ xe cứu thương thông minh 5G đầu tiên tại nước này. Các nhân viên cấp cứu và bác sĩ chăm sóc khẩn cấp sẽ không còn bị giới hạn ở dữ liệu tĩnh, mà có thể trao đổi dữ liệu video siêu âm và đo từ xa EKG trong thời gian thực. Trong thời gian đại dịch COVID-19, Trung Quốc đã triển khai hệ thống theo dõi, giám sát dịch bệnh dựa trên công nghệ 5G, như giám sát hình ảnh nhiệt 5G+, robot thông minh 5G, máy bay không người lái 5G, xe cứu thương 5G… Vào năm 2023, có hơn 700 bệnh viện ở Trung Quốc đã triển khai 5G phục vụ hoạt động khám chữa bệnh.
Tại Thái Lan, vào cuối năm 2021, Bộ Y tế nước này đã triển khai dự án bệnh viện thông minh 5G mới tại Bệnh viện Siriraj ở Bangkok, là dự án bệnh viện 5G đầu tiên ở ASEAN. Vào năm 2023, khoảng 30 ứng dụng y tế 5G đã được phát triển và đưa vào sử dụng trên toàn Thái Lan. Quá trình phát triển Bệnh viện Siriraj thành một cơ sở thông minh 5G bao gồm một số dự án phụ khác - dịch vụ y tế khẩn cấp, phòng cấp cứu (ER), hệ thống chẩn đoán bệnh lý với 5G và AI, nền tảng AI cho các bệnh không lây nhiễm, quản lý hàng tồn kho thông minh… dựa trên sự cho phép cho hồ sơ sức khỏe cá nhân, hậu cần thông minh với xe tự lái 5G.
Phổ cập 5G, cần giá cước linh hoạt
Viettel là nhà mạng đầu tiên công bố gói cước 5G cho người dùng cuối với 19 gói cước từ 135.000 - 480.000 đồng cho trả trước và từ 200.000 đến 2 triệu đồng cho trả sau. So với gói cước 4G, mức giá này gần như gấp đôi. Theo các chuyên gia, để phổ cập 5G cũng như bảo đảm cho nhà mạng thu hồi vốn đầu tư cần 2 chính sách tính cước. Các gói cước giá cao tương ứng cho các khách hàng là tổ chức và doanh nghiệp vì là những đối tượng trực tiếp thu lợi nhuận từ 5G và gói cước linh hoạt để phổ cập cho người dùng cá nhân.