Nhà trọ ở TP HCM "khát vốn"
Trong bối cảnh việc phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân chưa như ý, vấn đề chỗ ở cho công nhân, người người thu nhập thấp thuê tiếp tục trông chờ vào công trình do người dân xây dựng
Dãy trọ 29 phòng của gia đình chị Lê Thị Tuyết Lan (tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP HCM) từ lâu đã trở thành ngôi nhà thứ hai của nhiều gia đình công nhân, người lao động làm việc tại Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc, Công ty PouYuen…
Nan đề "đầu tiên"
Chị Lan kể phòng trọ rộng từ 16-20 m2 và đều có gác, được xây dựng hơn 10 năm trước. Rất lâu rồi, giá cho thuê vẫn duy trì ở mức 1,1 triệu đồng/tháng và được xem là "mềm" so với khu vực. Lý do là chủ trọ thông cảm với thu nhập không cao, chi tiêu tằn tiện của người thuê.
Trẻ em vui chơi trong dãy trọ của anh Nguyễn Thành Tâm - người mong muốn sớm có chính sách hỗ trợ
Nhiều năm trở lại đây, khu phòng trọ thường ngập mỗi khi trời mưa lớn vì thấp hơn mặt đường cả mét. Nước tràn vào rất nhanh, đang ngủ say là ướt cả người lẫn đồ. Vợ chồng chị cùng các khách trọ hối hả ra đường móc rác, thông hố ga rồi tát nước, bơm nước. Tuy vậy, nhiều lúc mưa lớn quá bơm không kịp…
Người phụ nữ này rất muốn cải tạo lại khu trọ để cuộc sống anh chị em công nhân bớt khổ nhưng nan đề đầu tiên là "tiền đâu". Chị rất vui khi được tin cơ quan chức năng thành phố đã đề xuất chính sách hỗ trợ lãi vay để người dân cải tạo, sửa chữa phòng trọ. "Ai cũng chờ đợi vào gói hỗ trợ này vì giúp người thu nhập thấp có ngôi nhà thứ hai tốt hơn, có điều kiện ở lại thành phố làm việc lâu hơn" - nữ chủ trọ nói.
Tại phường Thạnh Lộc, quận 12, khu trọ 152 phòng của gia đình anh Nguyễn Thành Tâm được xem là kiểu mẫu và cũng là tổ ấm của nhiều gia đình từ nhiều miền quê tới TP HCM mưu sinh. Là người miền Trung vào thành phố nên anh hiểu được tâm lý và nhu cầu của những ai xa xứ. "Khách hàng" của anh rất đa dạng, từ công nhân ở khu chế xuất, lao động tự do đến những gia đình trẻ gắn bó từ thời sinh viên tới khi lập gia đình…
Một khu trọ thấp hơn mặt đường ở phường Linh Trung, TP Thủ Đức (TP HCM)
Để không ảnh hưởng cuộc sống của hàng trăm con người mỗi khi ngập nước do mưa lớn hay triều cường, anh tìm cách xoay xở nguồn vốn, gõ cửa những nơi có thể hỗ trợ để nâng cấp khu trọ nhưng bất thành.
Cuối cùng, anh Tâm đành tính chuyện vay ngân hàng gần 10 tỉ đồng để nâng nền, nâng mái, mở rộng thêm không gian sinh hoạt cũng như xử lý những vấn đề về môi trường của khu trọ. Chi phí trả lãi rất lớn và anh Tâm mong muốn chính sách hỗ trợ lãi vay mà mình từng nghe báo chí thông tin cả năm nay sớm được thông qua để tiếp cận. "Hiện nay, việc phát triển nhà ở xã hội cũng khó khăn, việc đầu tư phát triển nhà trọ đạt chuẩn sẽ giúp giải quyết nhu cầu chỗ ở cho công nhân, người lao động" - anh Tâm nêu ý kiến.
Theo khảo sát tại khu vực lân cận Khu Chế xuất Linh Trung I (TP Thủ Đức), nhiều khu trọ thấp hơn mặt đường, trời mưa là dễ ngập. Tuy nhiên, vì hạn chế kinh phí, chủ phòng trọ phải xây bức tường cao để ngăn nước, từ ngoài nhìn khu trọ như một căn hầm và việc đi lại khá khó khăn.
Kế hoạch đang "yên ắng"
Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Trần Hoàng Quân cho biết qua rà soát vào cuối năm 2021, trên địa bàn thành phố có 60.470 công trình nhà ở do người dân xây dựng cho công nhân, người lao động thuê với khoảng 600.000 phòng. Trong số này có 60% là nhà trọ độc lập (nhà riêng lẻ được làm thành nhà trọ), 40% còn lại là nhà trọ xen cài trong khu dân cư (dãy phòng trọ cho thuê độc lập). Số lượng phòng này đáp ứng nhu cầu thuê ở của hơn 1,4 triệu người. Qua kiểm tra thì 10% tổng số phòng trọ không bảo đảm tiêu chuẩn phòng trọ theo Hướng dẫn 3979 năm 2020 (không nhỏ hơn 5 m2/người). Ngoài ra, có trên 30% tổng số nhà trọ không bảo đảm về phòng cháy chữa cháy.
Đối với nhà riêng lẻ được làm thành nhà trọ, người cho thuê dự kiến sửa chữa chủ yếu là nâng nền, thay tôn, chống thấm, sơn lại nhà hoặc nhiều hơn là cải tạo lại toàn bộ, xây mới. Tổng dự kiến kinh phí sửa chữa, cải tạo khoảng 442 tỉ đồng. Đối với các nhà trọ cho thuê độc lập, chủ yếu người chủ có nhu cầu sửa chữa nhỏ như nâng nền, thay mái, sơn lại nhà với kinh phí khoảng 319 tỉ đồng.
Từ đó, tháng 1-2022, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP HCM nghiên cứu chính sách hỗ trợ, trong đó ban hành gói hỗ trợ lãi suất (100 tỉ đồng) đối với chủ nhà trọ khi vay vốn ngân hàng để nâng cấp, sửa chữa, cải tạo nhà trọ bảo đảm tiêu chí (theo Hướng dẫn 3979), thời gian áp dụng 3 năm.
Đến tháng 4-2022, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) khẩn trương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan có ý kiến về chính sách hỗ trợ lãi vay từ ngân sách nhà nước cho hộ gia đình, cá nhân để cải tạo, xây dựng mới nhà ở cho công nhân, người lao động thuê ở; sau đó tham mưu, báo cáo UBND TP HCM trình HĐND TP HCM thông qua, làm cơ sở triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, đến nay chính sách hỗ trợ tài chính đối với nhà trọ khá "yên ắng". Về vấn đề tham mưu theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP HCM nêu trên, Báo Người Lao Động đã liên hệ với Sở KH-ĐT để rõ hơn về tiến độ cũng như những khó khăn, vướng mắc và đề xuất. Tuy nhiên, sau 10 ngày tiếp nhận thông tin, phía Sở KH-ĐT vẫn chưa có phản hồi.
Rất nhiều lao động mong chỗ ở
TP HCM có khoảng 1.500 doanh nghiệp hoạt động tại các khu công nghệ cao, chế xuất, công nghiệp với trên 300.000 lao động (trong đó 70% là lao động ngoài tỉnh).
Ngoài ra, khoảng 280.000 doanh nghiệp và 460.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể đang hoạt động, sử dụng hơn 4,7 triệu lao động (gồm 2,4 triệu lao động ở khu vực chính thức và hơn 2,3 triệu lao động tự do ở khu vực phi chính thức).
Năm qua, TP HCM tổ chức khởi công, động thổ 4 dự án nhà ở xã hội và một nhà lưu trú công nhân (cho thuê) với quy mô gần 2.700 căn hộ. Tuy nhiên, do gặp nhiều vướng mắc nên các dự án đều chưa nhiều tiến triển. Trong khi đó, thủ tục sửa chữa, nâng cấp hoặc xây mới phòng trọ có phần đơn giản, nhanh hơn, đáp ứng phần lớn nhu cầu chỗ ở cho công nhân, người lao động nhưng lại đang gặp khó khăn.
Căn hộ bình dân "biến mất"
Theo Sở Xây dựng TP HCM, lũy kế từ đầu năm 2022 đến nay, sở này đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm hình thành trong tương lai của 25 dự án. Tổng số hơn 12.000 căn nhà với tổng diện tích hơn 1,3 triệu m2.
Trong đó, căn hộ chung cư là 10.632 căn, nhà thấp tầng hơn 1.500 căn với tổng giá trị huy động vốn là hơn 252.000 tỉ đồng. Trong số này, căn hộ cao cấp chiếm tỉ lệ áp đảo với 9.510 căn (78,3%), phân khúc trung cấp chỉ 2.637 căn (21,7%). Số liệu của Sở Xây dựng cho thấy riêng căn hộ bình dân (giá dưới 20 triệu đồng/m2) hoàn toàn "biến mất" trong năm qua.