Triển vọng thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2024 là khá sáng
Các chuyên gia cùng bày tỏ quan điểm tích cực về khả năng chinh phục lại mốc 1.300 điểm cũng như kịch bản triển vọng cho VN-Index 6 tháng cuối năm 2024.
Sau cú điều chỉnh khiến VN-Index lùi về sát vùng 1.245 điểm, VN-Index tăng điểm trọn vẹn 5 phiên đầu tháng 7 và lấy lại mốc 1.280 điểm.
Sau kết quả tăng trưởng kinh tế quý II tích cực, cùng với triển vọng kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp sắp được công bố, thị trường đang kỳ vọng về khả năng chinh phục lại vùng 1.300 điểm của VN-Index.
Tạp chí Tài chính tiếp tục ghi nhận ý kiến các chuyên gia chứng khoán về triển vọng thị trường trong 6 tháng còn lại của năm 2024.
Ông Huỳnh Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Đông Á:
Có thể kỳ vọng VN-Index sớm chinh phục lại mốc 1.300 điểm
Chúng ta đang ở giai đoạn hồi phục những lĩnh vực từ công nghiệp đến xuất khẩu, tiêu dùng, đó là một trong những yếu tố sẽ tác động trực tiếp đến kinh tế. Điều quan trọng hơn là vừa rồi, chúng ta cũng đã thông qua hàng loạt các luật như Luật Đất đai, Luật Nhà ở… sẽ là một trong những động lực cho nền kinh tế tăng trưởng 6 tháng cuối năm 2024.
Thị trường chứng khoán đã tăng 14% nhưng là mức tăng tính từ thời điểm thấp nhất chứ không phải tăng từ mức điểm cao nhất. Do đó, mức tăng trưởng này chưa phản ánh hết tất cả những gì mà nền kinh tế đã và đang hồi phục cũng như tiềm năng của nền kinh tế hiện nay.
VN-Index đã chinh phục thành công mốc 1.300 điểm trong tháng 6, tuy nhiên thị trường cũng đã có nhịp điều chỉnh sau khi lập đỉnh. Hiện nay, thị trường đã giao dịch ở trạng thái cân bằng hơn, nhiều cổ phiếu đã có mức chiết khấu giá tương đối hấp dẫn, thu hút lực cầu tham gia. Sau pha điều chỉnh sẽ có tích lũy và diễn biến theo xu hướng mới. Chúng ta có thể kỳ vọng VN-Index sớm chinh phục lại mốc 1.300 điểm.
Về hoạt động bán ròng của khối ngoại, theo tôi chỉ là một yếu tố tác động đến thị trường, bên cạnh nhiều yếu tố khác như tình hình kinh tế vĩ mô, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, tâm lý nhà đầu tư... Do đó, không nên quá lo lắng về việc bán ròng của khối ngoại mà cần có đánh giá tổng thể về thị trường để đưa ra quyết định đầu tư phù hợp. Nếu Fed giảm lãi suất hoặc nới lỏng tiền tệ, tình hình kinh tế - chính trị toàn cầu ổn định hơn, nhà đầu tư có thể trở nên lạc quan hơn và quay lại đầu tư vào các thị trường mới nổi như Việt Nam.
Bên cạnh đó, Chính phủ và các cơ quan quản lý cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao chất lượng thông tin thị trường, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh... để thu hút nhà đầu tư nước ngoài quay lại thị trường.
Ông Nguyễn Thế Hoài - Giám đốc Công ty Chứng khoán Rồng Việt - Chi nhánh Đồng Nai:
Thị trường chứng khoán nửa cuối năm là khá sáng
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển cả về lượng lẫn chất trong 24 năm qua. Ban đầu thị trường chỉ có vài doanh nghiệp niêm yết với thanh khoản chỉ từ vài chục tỷ tới vài trăm tỷ đồng thì giờ đây đã có hơn 1.000 doanh nghiệp (từ nhỏ tới rất lớn) niêm yết với thanh khoản vài chục ngàn tỷ đồng.
Hiện nay, thị trường chứng khoán đã phản ánh thực trạng nền kinh tế chuẩn xác hơn khi vốn hóa thị trường đạt khoảng 70% GDP. Hệ thống giao dịch cũng nhanh, mạnh và an toàn hơn. Thị trường từng bước minh bạch thu hút được nhiều nhà đầu tư lẫn trong và ngoài nước…
Về khối ngoại, trong vài năm gần đây, ảnh hưởng của khối ngoại trên thị trường không còn quá lớn như giai đoạn đầu của thị trường, điển hình như các năm 2016, 2020, 2021 và 2023. Hoạt động bán ròng trong thời gian vừa qua không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn ở Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan... khi lãi suất đồng USD duy trì ở mức cao, các quỹ cơ cấu danh mục, các quỹ duy trì tỷ trọng theo từng thị trường và có quỹ tới thời gian đóng quỹ…
Theo tôi thì khi Fed giảm lãi suất hoạt động bán ròng của khối ngoại sẽ giảm và có thể quay lại mua ròng. Việc Fed giảm lãi suất chỉ còn là vấn đề sớm hay muộn mà thôi.
Sắp tới, khi được nâng hạng thì thị trường sẽ thu hút được nguồn vốn của khối ngoại. Việt Nam là nước có dân số đông và trẻ, chính trị ổn định, nền kinh tế năng động với mức tăng trưởng GDP 6-7%, con số mà không nhiều nước trên thế giới có được. Chính phủ và các cơ quan ban ngành sẽ từng bước thực hiện đầy đủ các tiêu chí để thị trường được nâng hạng. Việc của nhà đầu tư chúng ta là tin tưởng chính phủ và chờ đợi vì mọi việc đều cần có thời gian.
Với số liệu vĩ mô tích cực được công bố, ước lượng lợi nhuận các doanh nghiệp lớn tăng trưởng mạnh trong quý II, tôi cho rằng triển vọng thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2024 là khá sáng.
Có thể thị trường khó tăng mạnh do còn áp lực bán ròng từ khối ngoại nhưng các doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận cao vẫn thu hút được dòng tiền vào. Thị trường hiện giờ cũng như sắp tới sẽ tiếp tục phân hóa. Nhà đầu tư nên ưu tiên lựa chọn doanh nghiệp hơn là quá chú trọng vào chỉ số chung của thị trường.