Chứng khoán Việt trước làn sóng giảm bớt đòn bẩy
Chỉ số VN-Index giảm 31% so với đầu năm 2022, khi nỗi lo suy thoái toàn cầu và đà tăng của lãi suất châm ngòi cho cú lao dốc của thị trường chứng khoán Việt.
Tuy nhiên, đợt sụt giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng mang âm hưởng từ cuộc khủng hoảng bất động sản và chiến dịch kiểm soát của Trung Quốc. Đây là hai yếu tố khiến tâm lý của nhà đầu tư tại đất nước hình chữ S nhanh chóng xoay chiều sau khi VN-Index tăng ấn tượng 34% trong năm 2021.
Lần điều chỉnh trong năm nay là đợt kiểm tra thực tế lành mạnh cho nhà đầu tư và các công ty nặng nợ, ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên tại Đại học Bristol, nhận định.
Tuy nhiên, điều mà ông không ngờ tới là đợt kiểm soát chống tham nhũng của Chính phủ lại khiến nhà đầu tư hoảng loạn đến thế. Họ đã rút tiền ra khỏi thị trường cổ phiếu lẫn trái phiếu.
“Điều gây ngạc nhiên cho tôi là tốc độ giảm bớt đòn bẩy”, ông Tuấn cho biết trong một cuộc phỏng vấn. “Vì một số sự kiện, mọi người bất chợt phải giảm bớt đòn bẩy nhanh hơn dự báo. Đây thực sự là cú sốc”.
Thậm chí các công ty khỏe mạnh cũng gặp khó khăn trong việc đảo nợ khi nhà đầu tư trong trạng thái hoảng loạn đã rút tiền khỏi thị trường trái phiếu. Trong 10 tháng đầu năm, lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã giảm 56% so với cùng kỳ, theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA).
Sau ngân hàng, bên phát hành trái phiếu nhiều nhất là các công ty bất động sản. Đây là lĩnh vực chiếm gần 20% chỉ số VN-Index và có nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bị điều tra trong năm nay.
Đợt tăng cường kiểm soát của Chính phủ đã khiến các công ty lúng túng trong việc huy động vốn hoặc e dè trong việc thực hiện các động thái gây chú ý. Dù vậy, nhiều chuyên gia trong khu vực tư nhân và khu vực công nói rằng động thái này sẽ làm sạch một số thông lệ trong ngành. Chẳng hạn, sau khi nhà sáng lập Trịnh Văn Quyết bị tạm giữ vì cáo buộc giao dịch không minh bạch, công ty bất động sản FLC đã đệ trình kế hoạch cải thiện chính sách công bố thông tin, tờ Saigon Times đưa tin.
Trong một bài phát biểu vào tuần trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói với các doanh nghiệp rằng Việt Nam sẽ "đảm bảo ổn định chính trị và trật tự xã hội để mọi người có thể sống trong hòa bình, phát triển [nền kinh tế] lành mạnh, phù hợp với pháp luật”.
Cũng giống như Trung Quốc, người mua nhà ở Việt Nam thường đặt cọc để mua các căn hộ hình thành trong tương lai. Về cơ bản, khoản tiền này tương tự như cho các nhà phát triển các khoản vay không lãi suất. Khi kinh tế tăng trưởng chậm lại, những lo ngại về rủi ro thanh khoản càng gây thêm áp lực cho ngành bất động sản.
Lợi nhuận ròng tại các công ty bất động sản niêm yết tăng trong quý trước nhưng giảm 1.4% trong 9 tháng đầu năm 2022. Trong khi đó, các công ty niêm yết trên sàn tăng trưởng lợi nhuận 21.4%, theo VNDIRECT.
Mặt khác, Việt Nam còn phải đối mặt với tình trạng tiêu dùng giảm do suy thoái kinh tế trên toàn cầu. Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam tương đương 208% GDP trong năm 2020, mức cao nhất ở châu Á (trừ các trung tâm Singapore và Hồng Kông), theo Our World in Data.
Hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu, từ quần áo đến nội thất, đang suy giảm và điều này cũng thể hiện qua báo cáo tài chính của các công ty. VNDirect cho biết "thất vọng nhiều hơn là những bất ngờ theo hướng tích cực", với 33% công ty niêm yết có lợi nhuận thấp hơn dự báo của VNDIRECT trong 3 quý đầu năm, 17% vượt dự báo và 50% phù hợp.
“Nhà đầu tư có thể quá lạc quan nếu đẩy thị trường tăng quá xa”, ông Tuấn cho biết. “Tôi nghĩ việc lạc quan quá sẽ là rủi ro cho cả nền kinh tế”.
Nhà đầu tư bắt đầu rút vốn khỏi Việt Nam trong năm nay sau khi các NHTW ở Mỹ và nơi khác nâng mạnh lãi suất. Dòng vốn chảy ra khỏi đất nước hình chữ S hiện đã chậm lại nhưng tổng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài tính tới ngày 20/11vẫn giảm 5% so với cùng kỳ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Nền kinh tế mới nổi này chứng kiến lượng làn sóng đầu tư chứng khoán từ các nhà đầu tư F0 trong bối cảnh phong tỏa dịch bệnh. Ông Hồ Quốc Tuấn dự báo thị trường con gấu hiện tại sẽ thôi thúc các nhà đầu tư F0 tìm hiểu kỹ hơn khi cân nhắc đầu tư trong tương lai.
“Trong ngắn hạn, những người muốn giàu nhanh chóng về cơ bản đã thua lỗ”, ông nói. Tuy nhiên, khi thủy triều “tiền rẻ” rút đi cho cả nhà đầu tư lẫn công ty, “điều này sẽ giúp làm sạch bảng cân đối kế toán doanh nghiệp, ngân hàng và cũng mang lại kỷ lục cho thị trường trái phiếu. Vì vậy, trong dài hạn, việc này giúp thị trường trở nên an toàn hơn”.