Chứng khoán Mỹ và châu Á hồi phục sau phiên bán tháo
Chứng khoán châu Á và hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ đã khởi sắc vào sáng ngày 27/10 sau phiên bán tháo trước đó.
Tính tới lúc 10h ngày 27/10, hợp đồng tương lai Nasdaq 100 tăng 0.8%, hợp đồng tương lai S&P 500 tiến 0.5%, còn Dow Jones tương lai cộng 115 điểm (tương đương 0.3%).
Trong giờ giao dịch sau khi khép phiên, cổ phiếu Amazon tăng gần 5% sau khi gã khổng lồ thương mại điện tử công bố doanh thu và lợi nhuận vượt kỳ vọng trong quý 3/2023. Cổ phiếu Ford giảm 3% sau báo cáo tài chính quý 3 đáng thất vọng.
Ở châu Á, các chỉ số chứng khoán cũng quay đầu tăng trở lại, với Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 1.54%, Hang Seng của Hồng Kông tiến 1.38%, Shanghai Composite của Trung Quốc cộng 0.27% và Kospi của Hàn Quốc tăng 0.76%.
Đà hồi phục diễn ra sau khi các thị trường chứng khoán vừa trải qua phiên bán tháo trong ngày trước đó. Ở châu Á, Nikkei 225 và Kospi lao dốc hơn 2%, chỉ có chỉ số chứng khoán của Trung Quốc đi ngược với mức tăng nhẹ.
Trên Phố Wall, Nasdaq Composite rớt sâu hơn vào phạm vi điều chỉnh. Chỉ số Nasdaq Composite mất 1.76%, đóng cửa dưới đường trung bình động 200 ngày và khép phiên tại 12,595.61 điểm.
S&P 500 rớt 1.18% và đóng cửa tại 4,137.23 điểm, trong khi Dow Jones Industrial Average trượt 251.63 điểm, tương ứng 0.76% xuống 32,784.30 điểm.
Tại mức thấp nhất trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, S&P 500 cũng tiến vào phạm vi điều chỉnh và khép phiên với mức giảm gần 10% so với mức đóng cửa cao nhất trong năm nay xác lập vào tháng 7.
Tiếp theo đà giảm 2.4% hôm thứ Tư, hiện Nasdaq Composite đã chính thức rơi vào phạm vi điều chỉnh với mức giảm hơn 10% so với mức đóng cửa cao nhất trong năm nay xác lập vào tháng 7.
Đợt điều chỉnh bắt đầu từ mùa hè được dẫn dắt bởi đà tăng vọt của lợi suất trái phiếu với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có thời điểm vượt ngưỡng 5% trong tháng này. Trong ngày thứ Năm, mức lợi suất này rớt 10 điểm cơ bản còn 4.84% nhưng không thể châm ngòi cho đà bán tháo trên thị trường.
Thị trường không hề nhận được bất kỳ sự hậu thuẫn nào từ báo cáo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 3 khả quan hơn dự báo. Theo đó, GDP của Mỹ trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9 tăng trưởng 4.9%, cao hơn dự báo 4.7% từ các nhà kinh tế trong cuộc thăm dò của Dow Jones.