A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chứng khoán cuối năm sẽ ra sao?

Các chuyên gia dự báo thị trường chứng khoán sẽ chưa thể bứt phá từ nay tới giáp Tết Nguyên đán. VN-Index có thể sẽ đi trong biên độ từ 1,250 - 1,300.

Chứng khoán chưa thể bứt phá trong các tháng cuối năm

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng phòng Phân tích chiến lược Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) nhận định thị trường sẽ gặp khó trong tháng 12 khi nền thanh khoản thấp đang thể hiện tâm lý thị trường thận trọng.

Mặt khác, trong tháng 12, dòng tiền tập trung vào các hoạt động cuối năm nên thanh khoản chứng khoán không cao. Tuy vậy, thị trường sẽ cải thiện hơn trong tháng 1 nhờ hiệu ứng tháng giêng. Sang năm mới, tháng đầu thì dòng tiền sẽ nhàn rỗi và tập trung vào các kênh thanh khoản như chứng khoán, vàng giúp hiệu suất của các kênh này tốt hơn.

Ông Lê Vương Hùng – Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDS) đánh giá thị trường từ giờ tới giáp Tết Nguyên đán sẽ không thể bứt phá do các áp lực như khối ngoại duy trì bán ròng, tỷ giá USD neo cao, lạm phát Mỹ có chiều hướng tăng tạo ra áp lực điều hành lãi suất ở Mỹ. Trong đó, khối ngoại tập trung bán ròng ở các cổ phiếu bluechip là yếu tố ảnh hưởng nhiều tới thị trường.

Ông Hùng dự báo VN-Index trong kịch bản khả quan sẽ duy trì trong biên độ hẹp 1,250 - 1,300.

Đáng chú ý, tới giáp ngày 31/12, thị trường sẽ chịu ảnh hưởng từ tâm lý bán bớt danh mục để có nguồn tiền chi tiêu và phòng ngừa các thông tin bất ngờ trong kỳ nghỉ dài.

Tuy vậy, thị trường cũng không có rủi ro rớt điểm mạnh. Theo ông Hùng, thường các cú sụt mạnh xảy ra sau khi thị trường tăng mạnh. Từ tháng 3/2024 tới nay, thị trường đi trong biên độ 1,200  - 1,300 nên xác xuất có cú rớt mạnh là không cao.

Vĩ mô năm 2025 có nhiều thuận lợi nhưng tỷ giá và lãi suất vẫn là điểm nóng

Năm 2025, ông Hiếu dự báo là năm có nhiều câu chuyện cho thị trường chứng khoán như nâng hạng thị trường, chính sách tiền tệ nới lỏng, dòng vốn toàn cầu sẽ có xu hướng chuyển dịch sang các thị trường cận biên, mới nổi trong đó có việt nam.

Yếu tố vĩ mô các tháng cuối năm chưa có dấu hiệu rủi ro, tăng trưởng kinh tế năm nay vẫn tốt. Tình hình xuất khẩu vẫn khả quan. Nếu có ảnh hưởng từ chính sách của ông Trump thì phải tới nửa cuối 2025.

Rủi ro có thể là trái phiếu đáo hạn vào cuối năm nhưng sẽ chỉ cục bộ ở một số doanh nghiệp nhất định. Áp lực tới thị trường và nền kinh tế sẽ không lớn khi kinh tế vĩ mô hiện giờ đang tốt hơn trước. Các doanh nghiệp cũng đã khôi phục sản xuất trở lại.

Theo ông Hiếu, tỷ giá cuối năm sẽ không nóng lại. Các năm trước, bối cảnh là Fed duy trì lãi suất cao nhưng năm nay lãi suất đã giảm bớt. Ngoài ra, quý 3 doanh nghiệp tăng nhập nguyên vật liệu dẫn tới tỷ giá tăng. Tới các tháng cuối năm, doanh nghiệp bắt đầu thu dòng tiền xuất khẩu về, mặt khác, dòng ngoại hối năm nay về sớm. Nguồn cung ngoại tế lớn sẽ làm tỷ giá hạ nhiệt.

Nhìn về trung dài hạn, thị trường vẫn đang tích cực. Tuy nhiên, trong ngắn hạn không có yếu tố kích hoạt đà tăng cho thị trường.

Còn theo ông Hùng, áp lực tỷ giá vẫn đang ảnh hưởng nặng lên thị trường, kể từ khi ông Trump thắng cử thì đồng USD tăng mạnh, DXY tăng lên mức 106 - 107. Lãi suất Mỹ dù giảm nhưng vẫn đang neo khá cao tạo ra áp lực cho các đồng tiền trên thế giới. Đó là nguyên nhân khiến khối ngoại bán ròng mạnh.

Dự báo USD sẽ tiếp tục neo cao trong nhiệm kỳ của ông Trump. Tỷ giá và lãi suất vẫn sẽ là hai yếu tố đáng lo ngại.

Về việc khối ngoại bán ròng, mấu chốt nằm ở việc USD tăng giá và lãi suất đang cao. Đà bán ròng sẽ dừng lại khi chênh lệch lãi suất Mỹ và Việt Nam thu hẹp. Trong kịch bản Fed tiếp tục giảm lãi suất từ nay sang năm 2025 thì tới tháng 6/2025, mặt bằng lãi suất sẽ về dưới 4%. Đây là điều kiện để khối ngoại đảo chiều mua ròng.

Cơ hội tốt để đầu tư trung, dài hạn

Ông Hiếu cho rằng đây là thời điểm thích hợp để giải ngân với mục tiêu đầu tư trung dài hạn, chọn cổ phiếu có cơ bản tốt. Nếu đầu cơ thì không phải thời điểm thích hợp.

Năm 2025 có một số nhóm ngành có câu chuyện rõ rệt như bất động sản khu công nghiệp, bất động sản thương mại, chứng khoán và logistics.

Đối với nhóm bất động sản khu công nghiệp, logistic thì các chính sách dưới thời Tổng thống Donald Trumps sẽ làm chuỗi sản xuất chuyển dịch tới Việt Nam và các nước khác. Ngoài ra, nếu có các sắc thuế đánh vào Việt Nam thì sẽ chỉ kéo dài trong nhiệm kỳ của ông Trump vì Việt Nam và Mỹ là đối tác thương mại quan trọng.

Với nhóm bất động sản thương mại, kỳ vọng năm 2025 nhóm này sẽ dần hồi phục khi nhiều rào cản pháp lý dần được gỡ bỏ, trong giai đoạn tới các doanh nghiệp có thể khởi động các dự án mới tạo nguồn cung ra thị trường.

Còn với nhóm chứng khoán, nâng hạng thị trường là câu chuyện hấp dẫn với nhóm này trong dài hạn.

Nói về chiến lược đầu tư, ông Hùng nhận xét diễn biến thị trường gần đây đang thể hiện rằng dòng tiền đang chọn lọc rất kỹ lưỡng các cơ hội đầu tư. Các lựa chọn cổ phiếu đã khác rất nhiều so với giai đoạn trước đây. Nhà đầu tư không còn tập trung vào các cổ phiếu đầu cơ nữa mà thay vào đó là các doanh nghiệp, ngành nghề có nền tảng và có câu chuyện, điển hình như công nghệ thông tin, viễn thông... Họ cũng nhanh nhạy với các ngành hưởng lợi từ thay đổi chính sách.

Các tháng cuối năm, dòng tiền sẽ tiếp tục chọn các ngành với tiêu chí trên. Do đó, nhà đầu tư nên có chiến lược bám theo dòng tiền thông minh này. Thời điểm cuối năm 2024 là cơ hội tốt để đầu tư vào các ngành hưởng lợi như xuất khẩu (thủy sản, dệt may, gỗ), bất động sản khu công nghiệp, cảng biển và các ngành liên quan tới công nghệ bán dẫn.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :