Cẩn trọng với những chiêu trò lừa đảo chứng khoán trên mạng
Giao dịch trực tuyến ngày càng phổ biến giúp tiếp cận thị trường chứng khoán càng thêm thuận lợi hơn. Tuy nhiên, sự thuận lợi này kéo theo không ít chiêu trò lừa đảo từ các đối tượng xấu.
Cẩn trọng với những chiêu trò lừa đảo chứng khoán trên mạng. Ảnh minh họa |
Trong thời gian qua, trên không gian mạng xuất hiện nhiều trường hợp lừa đảo bằng việc sử dụng công cụ truyền thông, báo chí quảng bá cho các sản phẩm dịch vụ giao dịch chứng khoán không được cấp phép nhằm mục đích huy động vốn, chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.
Các website, một số cá nhân, tổ chức giả mạo là nhân viên của các công ty chứng khoán (CTCK) nhằm huy động vốn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm.
Chẳng hạn như các đối tượng xấu lập những trang web và trang Facebook giả mạo Chứng khoán KIS (kisvni.com, kisvni.com/3, kisvni.com/4…), tự nhận là nhân viên Chứng khoán KIS/ hợp tác với Chứng khoán KIS, sử dụng logo và hình ảnh nhân viên KIS cũng như sao chép nội dung do KIS đăng tải để liên lạc với khách hàng qua nhiều hình thức như: gọi điện trực tiếp, gửi tin nhắn, mời gọi mở tài khoản, tham gia khóa học, trò chơi nhận thưởng...
Gần đây, Chứng khoán ACB (ACBS) phát đi cảnh báo về các trang thông tin giả mạo thương hiệu Công ty TNHH chứng khoán ACB (ACBS) tại 2 địa chỉ Sàn giao dịch ACBS BTC: https://trang3.activcois.com/ACBS30 và website: https://acbs-btc.com
Tương tự, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) thông tin về hành vi của một số đối tượng đã sử dụng tên, thông tin, thương hiệu của Rồng Việt hoặc mạo danh các lãnh đạo cấp cao/ cán bộ nhân viên của Rồng Việt để lập các website, ứng dụng, tổng đài tự động, tài khoản mạng xã hội trên Facebook, Zalo, Telegram… nhằm thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư.
Đặc biệt, một số đối tượng tự xưng là chuyên gia nắm giữ các vị trí cấp cao tại các CTCK, lợi dụng sự tin tưởng của nhà đầu tư để thực hiện các hành vi dụ dỗ tham gia các hội nhóm, khóa học, tư vấn, mời chào giao dịch cổ phiếu, cam kết lợi nhuận cao, hoàn lỗ 100%...
Trước tình trạng này, các công ty chứng khoán có tiếng như SSI, MBS, VNDIRECT đều đã phát đi cảnh báo nhiều lần về hành vi mạo danh thương hiệu và khuyên nhà đầu tư cần cảnh giác.
Trong năm 2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước liên tục phát đi cảnh báo về việc mạo danh quỹ đầu tư lừa đảo. Không chỉ vậy, thậm chí các cơ quan trọng yếu như Tổng Công ty Lưu ký Chứng khoán (VSDC), Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng bị mạo danh không thương tiếc.
Giao dịch chứng khoán trực tuyến ngày càng phổ biến bởi tính tiện lợi đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Tuy nhiên, không gian giao dịch trực tuyến cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các hoạt động lừa đảo, mạo danh diễn ra ngày càng gia tăng, đa dạng và tinh vi.
Nhà đầu tư chứng khoán vẫn nên tìm hiểu kỹ trước khi thực hiện các giao dịch hay nghe theo bất kỳ lời chào mời nào. Để tránh sập bẫy, người dân nên cẩn trọng khi ai đó đề nghị hoặc giới thiệu các hoạt động đầu tư mà bạn không biết gì về nó.
Nếu có nghi ngờ, không chắc chắn về một sàn giao dịch hoặc công ty, hãy tìm sự tư vấn từ chuyên gia tài chính hoặc luật sư để đảm bảo rằng bạn đưa ra quyết định thông minh và an toàn.
Để phòng tránh các hình thức lừa đảo và đảm bảo an toàn khi giao dịch, các công chứng khoán đã khuyến nghị nhiều biện pháp cho khách hàng.
Theo đó, nhà đầu tư nên cảnh giác với các cuộc gọi yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc yêu cầu cài đặt ứng dụng từ các cơ quan chức năng. Liên hệ trực tiếp với cơ quan chức năng có thẩm quyền để xác minh thông tin.
Thường xuyên thay đổi mật khẩu và/hoặc đổi mật khẩu ngay lập tức khi nghi ngờ thông tin tài khoản bị lộ.
Gỡ bỏ ngay ứng dụng và khởi động lại điện thoại nếu nghi ngờ hoặc phát hiện điện thoại bị cài đặt ứng dụng/có hoạt động lạ.
Thường xuyên theo dõi, cập nhật các cảnh báo về an toàn bảo mật từ các đơn vị cung cấp dịch vụ, các phương tiện truyền thông đại chúng.
Mặt khác, không nên tải các ứng dụng lạ, các phần mềm không rõ nguồn gốc. Cung cấp thông tin cá nhân, CCCD, thông tin đăng nhập, mã xác thực/OTP, mã PIN cho bất kỳ ai dưới bất kỳ hình thức nào. Sử dụng tính năng lưu trữ mật khẩu để đăng nhập tự động.
Cuối tháng 3, thị trường chứng khoán xáo động với sự cố hacker quốc tế tấn công hệ thống tại VNDIRECT. Hệ thống giao dịch của Công ty bị tấn công hạ tầng ảo hóa dẫn đến toàn bộ nền tảng giao dịch của Công ty tạm thời không đăng nhập được. Sự cố này làm gián đoạn hoạt động giao dịch nhưng không làm ảnh hưởng đến trạng thái tài sản trên tài khoản chứng khoán của khách hàng tại đây.
Từ sự cố của VNDIRECT, Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã đề nghị các công ty chứng khoán tăng cường đảm bảo an toàn các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý của doanh nghiệp mình.
Sự cố này cũng là lời cảnh báo để nhà đầu tư cẩn trọng hơn để bảo vệ tài sản của mình khỏi những cuộc tấn công có thể diễn ra trong tương lai.