|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thuế giá trị gia tăng mặt hàng phân bón: Tiếp tục đề xuất tăng lên 5%

Sau 9 năm triển khai, Luật Thuế giá trị gia tăng mặt hàng phân bón bộc lộ nhiều bất cập, đòi hỏi sớm sửa đổi Luật Thuế này.

3 bất cập lớn nhất khi mặt hàng phân bón không chịu thuế giá trị gia tăng

Luật 71/2014/QH13 sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) số 13/2008/QH12 ban hành ngày 26/11/2014 có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Căn cứ vào khoản 1 Điều 3 của Luật Thuế số 71/2014/QH13, phân bón, máy móc thiết bị chuyên dùng cho sản xuất nông nghiệp... là những mặt hàng không chịu thuế GTGT.

Doanh nghiệp phân bón trong nước có kết quả sản xuất, kinh doanh khả quan trong năm 2022

Áp dụng phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT dẫn đến sự cạnh tranh không sòng phẳng giữa phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu

Sau 9 năm triển khai thực hiện việc chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng áp dụng thuế GTGT 5% sang đối tượng không chịu thuế GTGT đã nảy sinh một số bất cập ảnh hưởng đến ngành sản xuất phân bón trong nước, sụt giảm dự án đầu tư mới nhằm đổi mới công nghệ sản xuất phân bón và sản xuất các loại phân bón thế hệ mới, phân bón hiệu suất cao.

Điểm tên 3 bất cập lớn nhất khi Luật Thuế GTGT mặt hàng này đi vào thực thi, TS. Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Việt Nam – cho hay, thứ nhất, toàn bộ thuế GTGT đầu vào của nguyên liệu, dịch vụ phục vụ cho sản xuất phân bón không được khấu trừ, phải hạch toán vào chi phí giá thành sản phẩm, làm tăng giá thành và giá bán phân bón. Theo thống kê của Bộ Tài chính, số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ, tính vào chi phí giá thành sản xuất phân bón từ năm 2015 đến năm 2022 đã lên tới gần 10.000 tỷ đồng.

Thứ hai, sụt giảm đầu tư của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón trong nước. Nguyên nhân do, toàn bộ thuế GTGT đầu vào của hoạt động đầu tư đổi mới công nghệ không được khấu trừ, dẫn đến suất đầu tư tăng, giảm hiệu quả đầu tư; việc chuyển mặt hàng phân bón từ diện áp dụng thuế GTGT 5% sang không chịu thuế GTGT dẫn đến toàn bộ thuế GTGT đầu vào phục vụ cho sản xuất và kinh doanh phân bón không được khấu trừ và phải hạch toán vào chi phí, làm cho lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước sụt giảm. Điều này dẫn đến rủi ro cho sự phát triển của ngành phân bón trong nước.

Thứ ba, khi áp dụng phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT dẫn đến sự cạnh tranh không sòng phẳng giữa phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu, khi phân bón nhập khẩu không phải chịu thuế GTGT 5%.

Trước những bất cập này, ngày 18/12/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết với 100% tán thành bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 đối với Dự án Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, thông qua tại kỳ họp thứ 8. Ngày 17/6/2024, Quốc hội đã nghe tờ trình về sửa đổi Luật Thuế GTGT do Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Chính phủ trình bày. Theo nội dung tờ trình Chính phủ đề xuất đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT ở mức 5%.

Đề xuất áp dụng thuế GTGT với mặt hàng phân bón ở mức 5%

Theo TS. Nguyễn Trí Ngọc, nhiều quốc gia trên thế giới (Trung Quốc, Brazil, Nga) đang áp thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón và áp dụng mức thuế suất đối với mặt hàng phân bón thấp hơn mức thuế suất so với các mặt hàng thông thường khác, nhằm giảm chi phí sử dụng phân bón, thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất phân bón nội địa, thúc đẩy đầu tư công nghệ tiên tiến sản xuất phân bón thông minh, thân thiện với môi trường, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững ngành nông nghiệp. Tại các quốc gia này, chính sách thuế GTGT được áp dụng phối hợp với các chính sách thuế xuất nhập khẩu khác để đem lại hiệu quả tổng thể.

Tại Trung Quốc - quốc gia sản xuất, tiêu thụ phân bón lớn nhất thế giới và là nước xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới - phân bón đang áp dụng mức thuế GTGT 11%. Tại Nga - một trong số các quốc gia sản xuất và xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới - phân bón đang áp dụng mức thuế GTGT 20%.

Tại một số quốc gia như Trung Quốc, Brazil, Nga, Đức, nhiều chính sách được thực thi nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành phân bón, đặc biệt là các chính sách thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, đầu tư các sản phẩm áp dụng công nghệ mới. Việc áp dụng thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón cho phép các doanh nghiệp được khấu trừ thuế GTGT đầu vào (thông thường là 10%), có tác dụng nâng cao chất lượng và hiệu quả của dự án đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất phân bón.

Việc điều chỉnh chuyển phân bón từ mặt hàng không chịu thuế giá trị gia tăng sang mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng ở mức 5% (như các Luật Thuế GTGT trước đây) là dựa trên đánh giá tác động tổng hợp đến nền kinh tế, bao gồm: Tác động đến nguồn thu Ngân sách Nhà nước; tác động đến sự phát triển của doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước; tác động đến nông nghiệp - nông dân - nông thôn.

Các chuyên gia trong ngành phân tích, thứ nhất, phần thuế GTGT của chi phí cấu thành nên sản phẩm phân bón sẽ được hạch toán tách ra khỏi giá thành sản phẩm phân bón và được khấu trừ bởi thuế GTGT đầu ra. Do đó, chi phí sản xuất, giá vốn sản xuất phân bón sẽ giảm (giảm tương ứng với số thuế GTGT đầu vào được bóc tách).

Thứ hai, người tiêu dùng sản phẩm phân bón không phải chịu phần thuế GTGT đầu vào (do đã được bóc tách khỏi chi phí đầu vào sản xuất), nhưng sẽ phải chịu phần thuế GTGT đầu ra của phân bón. Tuy nhiên, nếu áp dụng thuế GTGT 5% đối với mặt hàng phân bón thì phần thuế GTGT đầu ra sẽ thấp hơn phần thuế GTGT đầu vào (tỷ lệ thuế GTGT đầu vào tính bình quân ở mức cao hơn 5%), nên giá bán phân bón có dư địa giảm.

Thứ ba, doanh nghiệp có động lực đầu tư vào nghiên cứu, đổi mới công nghệ, sản xuất các loại phân bón tác dụng cao, phân bón thế hệ mới sẽ góp phần làm tăng năng suất cây trồng, cải thiện chất lượng sản phẩm do đó tăng hiệu quả công tác trồng trọt một cách bền vững. Khi doanh nghiệp tăng cường đâu tư sản xuất trong nước sẽ làm giảm dần lượng phân bón nhập khẩu.

Thứ tư, Nhà nước thu được một khoản thuế từ mặt hàng phân bón nên có thêm điều kiện để tăng chi cho các hoạt động nghiên cứu khoa học... sẽ làm cho người nông dân tăng hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích, tăng sự cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp trong nước. Việc điều chỉnh chính sách thuế GTGT, đưa phân bón trở lại là mặt hàng chịu thuế GTGT, để tạo môi trường về thuế và cạnh tranh bình đẳng, tạo tiền đề giảm giá thành và giá bán phân bón.

Chính sách áp dụng thuế GTGT đối với phân bón cần dựa trên tầm nhìn dài hạn, hướng đến sự phát triển bền vững ngành sản xuất phân bón trong nước, và sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp, tạo môi trường thuế bình đẳng giữa nhà sản xuất phân bón trong nước và nhà nhập khẩu phân bón, loại trừ cạnh tranh bất lợi cho sản xuất nội địa; tạo nền tảng giảm giá phân bón, giảm chi phí phân bón cho người sản xuất nông nghiệp.

Các chuyên gia cũng kiến nghị sửa Luật 71/2014/QH13, trong đó, phần liên quan đến mặt hàng phân bón chuyển phân bón từ mặt hàng không chịu thuế GTGT sang mặt hàng chịu thuế GTGT ở mức 5%. Sử dụng các công cụ chính sách để điều tiết, bình ổn giá phân bón; tăng cường các chính sách hỗ trợ người nông dân chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp bền vững, sử dụng phân bón hiệu quả, giảm chi phí phân bón.

Việc đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế GTGT 5% là phù hợp với bản chất của thuế GTGT trên cơ sở kiểm soát chặt chẽ giữa thuế GTGT đầu vào và thuế GTGT đầu ra. Việc này cũng phù hợp với chủ trương chung của Việt Nam khi sửa đổi Luật thuế GTGT (mở rộng phạm vi chịu thuế để đảm bảo tính hệ thống).
Nguyễn Hạnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết