|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Luật Điện lực (sửa đổi): Rõ ràng, đơn giản hơn trong thủ tục cấp phép hoạt động điện lực

Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã đề ra nhiều quy định đáng chú ý, phản ánh nỗ lực của cơ quan xây dựng luật trong việc hoàn thiện hệ thống pháp lý.

Hiện nay, việc cấp giấy phép hoạt động điện lực tại Việt Nam đang có nhiều vấn đề cần giải quyết nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và thúc đẩy cải cách hành chính trong lĩnh vực năng lượng.

Từ nguyên tắc cấp phép, quy trình hồ sơ, đến việc bãi bỏ giấy phép trong một số lĩnh vực chuyên ngành điện và tác động của thủ tục hành chính mới, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) do Bộ Công Thương vừa xây dựng đã đề ra nhiều quy định đáng chú ý, phản ánh nỗ lực của cơ quan xây dựng luật trong việc hoàn thiện hệ thống pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức, cá nhân tham gia lĩnh vực điện lực.

Những điểm mới trong nguyên tắc cấp phép hoạt động điện lực

Theo Điều 47 của dự thảo Luật Điện lực, mỗi giấy phép sẽ được cấp cho từng hạng mục công trình hoặc toàn bộ công trình điện, tùy thuộc vào loại hình hoạt động. Đối với hoạt động phát điện, giấy phép được cấp riêng cho từng công trình phát điện cụ thể, thay vì cấp cho nhiều nhà máy điện thuộc cùng tổ chức sở hữu như trước. Trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ điện, mỗi đơn vị được cấp giấy phép dựa trên phạm vi cụ thể mà họ quản lý, từ đó tạo nên tính minh bạch và kiểm soát chặt chẽ hơn trong quá trình vận hành.

Việc cấp giấy phép cho các công trình đã đưa vào vận hành được đơn giản hóa đáng kể, đặc biệt với các giấy phép sắp hết hạn. Theo Điều 53 dự thảo, các tổ chức có thể xin cấp lại hoặc gia hạn giấy phép với quy trình hồ sơ đơn giản hơn so với quy trình cấp mới. Điều này tạo điều kiện cho các công trình đang hoạt động tiếp tục duy trì hoạt động mà không gặp nhiều trở ngại về thủ tục hành chính.

Luật Điện lực (sửa đổi): Rõ ràng, đơn giản hơn trong thủ tục cấp phép hoạt động điện lực

Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã đề ra nhiều quy định đáng chú ý, phản ánh nỗ lực của cơ quan xây dựng luật trong việc hoàn thiện hệ thống pháp lý. - Ảnh: EVN

Bãi bỏ giấy phép tư vấn chuyên ngành điện

Một thay đổi quan trọng trong dự thảo lần này là việc bãi bỏ giấy phép tư vấn chuyên ngành điện, vốn được quy định trong Luật Điện lực hiện hành. Bộ Công Thương lý giải rằng, quy định này nhằm tránh sự chồng chéo với các quy định của Luật Xây dựng 2014, được sửa đổi vào năm 2020, trong đó đã đầy đủ điều kiện năng lực cho các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động tư vấn, thiết kế và giám sát công trình công nghiệp, bao gồm cả các dự án điện. Nghị định 15/2021/NĐ-CP và Thông tư 06/2021/TT-BXD cũng đã đảm bảo yêu cầu quản lý với các công trình điện, giúp giảm bớt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Bổ sung thủ tục hành chính mới nhưng minh bạch

Dự thảo Luật lần này bổ sung 12 thủ tục hành chính cấp địa phương và 17 thủ tục hành chính cấp trung ương, đồng thời bãi bỏ một số thủ tục không còn phù hợp. Bộ Công Thương khẳng định việc bổ sung thủ tục hành chính mới không tạo gánh nặng cho địa phương do việc gia tăng thủ tục hành chính tại Dự thảo Luật là do phân chia cụ thể các hình thức cấp và theo từng lĩnh vực cụ thể. Việc ban hành mới các thủ tục hành chính nhằm mục đích áp dụng các điều kiện thực hiện phù hợp hơn với thực tế hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị điện lực đã từng được cấp giấy phép hoạt động điện lực, nhằm giảm tải công việc thực tế trong xét duyệt hồ sơ và thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực của cơ quan có thẩm quyền, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính.

Việc phát sinh thủ tục hành chính chỉ là sự phát sinh mang tính cơ học đối với cơ quan quản lý nhà nước, nhằm tối ưu hoá kiểm soát thủ tục hành chính, nâng cao cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực. Các thủ tục hành chính dự kiến được ban hành mới không làm tăng số lượng hồ sơ cần giải quyết, do số lượng đối tượng thực hiện thủ tục hành chính không thay đổi mà chỉ được phân loại cụ thể hơn. Một số thủ tục hành chính dự kiến ban hành mới là do việc phân tách lĩnh vực riêng rẽ (các thủ tục cấp giấy phép thuộc lĩnh vực truyền tải điện, phân phối điện và các thủ tục cấp giấy phép thuộc lĩnh vực bán buôn điện, bán lẻ điện) và phân biệt rõ các trường hợp cấp giấy phép hoạt động điện lực (cấp mới, cấp lại, gia hạn giấy phép), điều này làm thay đổi tên gọi, mã thủ tục hành chính theo danh mục đã được Bộ Công Thương công bố trước đây

Các thay đổi trong thủ tục hành chính lần này không làm tăng số lượng hồ sơ cần xử lý mà thay vào đó chỉ giúp phân loại và tối ưu hóa quá trình xét duyệt. Bộ Công Thương cho rằng, sự thay đổi trong danh mục và mã số thủ tục hành chính là một phần của cải cách, nhằm cải thiện hiệu quả công việc và đảm bảo tính minh bạch cho cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý nhà nước.

Một số thủ tục hành chính được sửa đổi tên gọi để phù hợp với quy định mới, bao gồm thủ tục sửa đổi và bổ sung giấy phép hoạt động điện lực ở các cấp. Ngoài ra, một số thủ tục hành chính mới cũng được ban hành, như thủ tục thu hồi giấy phép hoạt động điện lực, hay thủ tục cấp lại giấy phép khi giấy phép bị mất hoặc hỏng, nhằm đáp ứng yêu cầu phát sinh trong quá trình quản lý thực tế.

Hoàn thiện quy định về điều kiện và cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực

Một trong những chính sách chủ chốt của dự thảo lần này là "Hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực". Tuy nhiên, một số ý kiến, như của đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn Đại biểu tỉnh Ninh Bình, đã đặt câu hỏi về phạm vi điều chỉnh của Điều 1, khi chỉ nhắc đến "Giấy phép hoạt động điện lực".

Tiếp thu ý kiến của Đại biểu, Bộ Công Thương đã rà soát nội dung tại Điều 1 Dự thảo Luật, theo đó, việc quy định “Giấy phép hoạt động điện lực” tại Điều 1 phạm vi điều chỉnh đã đầy đủ theo nội dung Chính sách được thông qua, do hoạt động điện lực là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và hình thức của việc xác định đáp ứng điều kiện kinh doanh là thông qua việc cấp Giấy phép. Đồng thời, quy định Chương IV Dự thảo Luật về Giấy phép hoạt động điện lực đã bao gồm các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, sửa đổi, bổ sung, cấp lại, gia hạn, thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực.

Sự phân định rõ ràng về các loại giấy phép cũng là nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho các tổ chức, doanh nghiệp trong hoạt động điện lực, giúp giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà và không cần thiết, đồng thời nâng cao tính hiệu quả và linh hoạt trong việc triển khai chính sách.

Xử lý tình huống thu hồi giấy phép

Vấn đề thu hồi giấy phép hoạt động điện lực cũng là một trong những điểm cần được chú ý. Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh - Đại biểu chuyên trách đoàn Đại biểu TP Hà Nội đã đặt câu hỏi về việc liệu các đơn vị điện lực bị thu hồi giấy phép có được tiếp tục hoạt động hay không và làm thế nào để bảo đảm cung cấp điện cho khách hàng.

Bộ Công Thương cho rằng, khoản 3 Điều 57 của dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã quy định Chính phủ sẽ đưa ra các hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép. Việc duy trì hay dừng hoạt động của các đơn vị bị thu hồi giấy phép sẽ do các văn bản dưới Luật điều chỉnh. Điều này đảm bảo sự ổn định cho hệ thống cung cấp điện và tính linh hoạt trong thực tiễn áp dụng, giúp duy trì nguồn cung cấp điện ổn định và liên tục cho người dân và doanh nghiệp.

Nhìn chung, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã thể hiện rõ nỗ lực của Bộ Công Thương và Chính phủ trong việc tối ưu hóa quy trình cấp giấy phép, bảo đảm tính minh bạch và đơn giản hóa thủ tục hành chính, đồng thời vẫn giữ vững tính kiểm soát cần thiết cho hoạt động điện lực. Những thay đổi này kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển ngành điện lực bền vững, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và hiệu quả trong quản lý nhà nước.

Thế Duy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết