Phối hợp điều độ, vận hành tối ưu hoá công suất phát năng lượng tái tạo
Ngày 21/2, tại Lâm Đồng đã diễn ra Hội thảo phối hợp điều độ, quản lý vận hành lưới điện truyền tải, nâng cao cung cấp điện tại khu vực miền Trung- Tây Nguyên.
Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các Sở Công Thương 9 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO), Tổng Công ty truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), 98 nhà máy điện trên địa bàn và các đối tác.
![]() |
Toàn cảnh hội thảo |
Tăng cường hợp tác vận hành
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Công Thắng – Giám đốc Công ty truyền tải điện 3 (PTC3) cho biết, trong quá trình vận hành hệ thống điện, khi xảy ra tình trạng quá tải hay đầy tải, trách nhiệm không chỉ thuộc về đội ngũ vận hành của PTC3 mà còn là vai trò trách nhiệm chung của tất cả các bên liên quan. Sau hơn 4 năm phối hợp, lưới điện trên địa bàn miền Trung – Tây Nguyên đã vận hành an toàn, tin cậy, đảm bảo cung cấp đủ điện cho khu vực, góp phần phát triển kinh tế các địa phương cũng như của vùng.
Hội thảo là dịp để PTC3, các cơ quan quản lý và các nhà máy điện năng lượng tái tạo (NLTT) trên địa bàn cùng nhau nhìn lại những khó khăn, chia sẻ bài học kinh nghiệm và tìm ra giải pháp tối ưu nhằm đảm bảo hệ thống truyền tải điện luôn vận hành an toàn, ổn định và hiệu quả. Đồng thời, cam kết góp phần phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ, và vươn xa trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, kỷ nguyên của hội nhập quốc tế và chuyển đổi năng lượng xanh, bền vững.
Với mục đích đó, ông Nguyễn Công Thắng mong muốn các đối tác, doanh nghiệp tiếp tục tăng cường phối hợp giữa các đơn vị điều độ, vận hành và nhà máy điện, nhất là năng lượng tái tạo để đảm bảo hệ thống hoạt động đồng bộ, hạn chế tối đa các sự cố và tối ưu hóa công suất phát; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa trong công tác giám sát, vận hành và điều phối lưới điện nhằm nâng cao hiệu suất và khả năng dự báo; đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và doanh nghiệp để tháo gỡ các khó khăn về cơ chế, chính sách, đặc biệt là vấn đề truyền tải điện từ các nguồn năng lượng tái tạo đến hệ thống điện quốc gia.
![]() |
Ông Nguyễn Công Thắng - Giám đốc PTC3 phát biểu khai mạc |
Báo cáo của PTC 3 cho biết, tính đến tháng 2/2025, PTC3 đang quản lý 2.338 km đường dây 500kV, 3.670 km đường dây 220kV, 6 trạm biến áp 500kV, 21 trạm 220kV với tổng dung lượng máy biến áp là 17.248 MVA. Hiện có 98 nhà máy điện đang đấu nối với lưới điện do PTC3 quản lý vận hành, gồm Khánh Hòa: 3, Phú Yên: 6, Bình Định: 6, Gia Lai: 16, Đắk Lắk: 17, Ninh Thuận: 23, Đắk Nông: 8, Lâm Đồng: 6; Bình Thuận: 13.
Trong đó, có 30 nhà máy đấu nối chuyển tiếp vào lưới truyền tải; 33 nhà máy đấu nối vào thanh cái TBA truyền tải; 30 nhà máy đấu nối vào thanh cái nhà máy NLTT khác; số nhà máy nối lưới 110kV của CPC, SPC nhưng 1 đầu là TBA của PTC3 là 6 nhà máy.
Trong số 98 nhà máy đang đấu nối có nhiều loại hình như điện gió, điện mặt trời, thủy điện, sinh khối và nhiệt điện. Trong số này, chỉ có 14 nhà máy thuộc EVN, còn lại 84 nhà máy thuộc các chủ đầu tư ngoài EVN. Đặc biệt, nhiều nhà máy có hình thức đấu nối đa dạng như đấu nối chuyển tiếp vào lưới truyền tải, vào thanh cái trạm biến áp hoặc nối lưới 110kV của các công ty điện lực khác. Điều này tạo ra những thách thức lớn trong việc đảm bảo ổn định vận hành lưới điện, đồng thời đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị quản lý và chủ đầu tư bên ngoài để duy trì an toàn và hiệu quả truyền tải điện.
Trong năm 2024, PTC3 đã thực hiện cắt điện 887 lần để thực hiện bảo dưỡng lưới điện, có 10 sự cố lưới điện. Tuy nhiên với sự chuẩn bị các phương án từ trước, điều hành linh hoạt, tăng cường các giải pháp, kiểm tra bảo dưỡng, phối hợp chặt chẽ với các nhà máy điện trong khu vực, số lượng sự cố lưới điện trong năm qua được kiểm soát tốt, đáp ứng tốt các chỉ tiêu vận hành và đảm bảo suất sự cố nằm trong giới hạn do EVNNPT giao.
![]() |
Điện gió tại miền Trung - Tây Nguyên |
Cần sự đồng hành của 98 nhà máy điện
Để tiếp tục phối hợp hiệu quả và cùng nhau xây dựng một hệ thống lưới điện ổn định và an toàn hơn, PTC3 mong muốn chủ đầu tư các nhà máy năng lượng tái tạo tăng cường phối hợp trong công tác vận hành, theo đó các chủ đầu tư cần đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hành và phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý vận hành lưới điện, nhằm kịp thời xử lý các sự cố hoặc vấn đề phát sinh trong quá trình truyền tải điện.
Đối với công tác đảm bảo chất lượng thiết bị, PTC3 mong muốn các nhà máy cần ưu tiên sử dụng các thiết bị và công nghệ kết nối có độ tin cậy cao, tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và PTC3 quy định để tránh gây rủi ro cho hệ thống. Tiếp tục thực hiện bảo dưỡng và kiểm tra định kỳ thông qua việc lập kế hoạch và thực hiện việc bảo dưỡng định kỳ cho các thiết bị nhất thứ, nhị thứ nhằm đảm bảo hoạt động ổn định, đặc biệt là các nhà máy đấu nối chuyển tiếp vào hệ thống lưới điện quốc gia. Đồng thời, tăng cường khả năng phản ứng nhanh với các sự cố, cụ thể cần có lực lượng vận hành tiên tiến, có khả năng phản ứng nhanh và hệ thống giám sát tin cậy để có thể phát hiện và xử lý nhanh các sự cố tiềm ẩn, từ đó giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng đến lưới điện truyền tải.
Cuối cùng, cần chú trọng công tác đào tạo và chia sẻ kinh nghiệm bằng cách nâng cao năng lực vận hành cho lực lượng vận hành hành trực tiếp, đồng thời cập nhật các thông tư, quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật mới từ Bộ Công Thương, EVN và EVNNPT.
![]() |
Các đại biểu tham dự Hội thảo phối hợp, quản lý vận hành lưới điện truyền tải |
Tham luận tại Hội thảo, ông Hoàng Văn Chiến - Tổng Giám đốc Công ty điện gió Hà Đô Thuận Nam cho biết, đơn vị đã tuân thủ quy trình an toàn, bước công tác và phải giám sát chặt chẽ thao tác; chỉ thực hiện công tác đúng với đối tượng công tác được đăng ký, không kết hợp công tác tại các đối tượng không đăng ký; chuẩn bị đầy đủ điều kiện công tác để đảm bảo tiến độ thực hiện công tác và trả lưới.
Tuy nhiên, ông Chiến cũng kiến nghị các cấp điều độ cần tính toán phương thức vận hành lưới điện tối ưu, đảm bảo cung cấp điện và khả năng giải tỏa công suất cho các nhà máy điện; Tăng huy động công suất đối với dự án, loại bỏ dự án khỏi nhóm ưu tiên cắt giảm do các công trình giải tỏa lưới theo quy hoạch dự án đã đi vào vận hành. Đối với đơn vị quản lý vận hành lưới điện cần thực hiện bảo trì, bảo dưỡng hạ tầng lưới truyền tải, phân phối đảm bảo an toàn tuyệt đối; thông báo kế hoạch bảo trì lưới truyền tải tới các đơn vị liên quan trực tiếp để có kế hoạch phối hợp công tác phù hợp…
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Đỗ Xuân Trường – Phó trưởng phòng điều độ NSMO đánh giá cao công tác phối hợp quản lý vận hành của PTC3 với các nhà máy điện, đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, huy động được các nguồn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên PTC 3 và các đơn vị NLTT đăng ký công tác theo kế hoạch tháng để NSMO bố trí tối ưu công tác và kết hợp các đơn vị. Hạn chế việc đăng ký công tác ngoài kế hoạch theo tuần, ngày. Đồng thời, đảm bảo việc vận hành an toàn, ổn định của các thiết bị thuộc lưới điện truyền tải, đặc biệt trong giai đoạn mùa khô năm 2025. Lưu ý các Đường dây truyền tải 500kV Vân Phong – Thuận Nam – Vĩnh Tân – Sông Mây đang mang tải cao. |