|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khu lưu niệm Dầu khí - Kỳ 1: Dấu ấn từ lòng đất Tiền Hải

Giữa không gian thấm đẫm dấu ấn thời gian của Khu lưu niệm công trình Dầu khí đầu tiên của Việt Nam, những hiện vật vẫn âm thầm kể lại hành trình khai mở lòng đất bằng ý chí và trí tuệ Việt.

Sáng 12/7/2025, phóng viên PetroTimes đã đến thăm Khu lưu niệm công trình Dầu khí đầu tiên của Việt Nam nằm tại xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình (nay là xã Đồng Châu - tỉnh Hưng Yên) để tìm về ký ức những ngày đầu khai mở lòng đất Tiền Hải.

Cùng chúng tôi lặng ngắm những hiện vật mang đậm hơi thở thời gian là kỹ sư Hoàng Văn Nhuận - người đã gắn bó gần trọn đời với mảnh đất này. Ông chỉ tay vào từng kỷ vật, từng thiết bị cũ kĩ nhưng vẫn vẹn nguyên giá trị, rồi khẽ nói: “Chính từ nơi này, ngành Dầu khí Việt Nam đã thắp lên ngọn lửa đầu tiên…”.

Công cuộc tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở miền võng Hà Nội được khởi động từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ XX. Đó là thời kỳ cả nước còn đang trong khói lửa chiến tranh, điều kiện kỹ thuật vô cùng thiếu thốn. Thế nhưng, với khát vọng tìm ra nguồn tài nguyên quý giá dưới lòng đất để phục vụ phát triển đất nước, những người “đi tìm lửa” vẫn bền bỉ khảo sát, khoan thăm dò từng lớp đất.

Khu lưu niệm Dầu khí - Kỳ 1: Dấu ấn từ lòng đất Tiền Hải
Ông Hoàng Văn Nhuận, kỹ sư chính khoan khai thác dầu khí, Công ty Dầu khí Sông Hồng (PVEP SÔNG HỒNG) giới thiệu về các kỷ vật trong Khu lưu niệm Dầu khí.

Đến năm 1975, mỏ khí Tiền Hải C chính thức được phát hiện với trữ lượng tại chỗ khoảng 1,3 tỷ mét khối. Và đến ngày 3/2/1975, Giếng khoan số 61 được khởi công. Sau nhiều tháng ngày nỗ lực, đến ngày 19/4/1981, dòng khí công nghiệp đầu tiên từ Giếng khoan 61 đã chính thức được đưa vào buồng đốt turbine nhiệt điện 10MW tại huyện Tiền Hải để thử nghiệm phát điện. Đây là dấu mốc lịch sử, mở ra thời kỳ khai thác khí tự nhiên phục vụ kinh tế - xã hội Việt Nam.

Một bảo tàng sống động giữa lòng đồng bằng

Khu lưu niệm công trình Dầu khí đầu tiên tại Việt Nam hiện nằm trên diện tích 11.767m², tọa lạc chính tại nơi Giếng khoan 61 từng hoạt động. Được đầu tư xây dựng từ năm 2011 bởi Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP)/Công ty Dầu khí Sông Hồng (PVEP SÔNG HỒNG), khu lưu niệm là nơi ghi nhớ công lao của các thế hệ tiên phong, những người đã đặt nền móng đầu tiên cho ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam.

Khu lưu niệm Dầu khí - Kỳ 1: Dấu ấn từ lòng đất Tiền Hải

Sổ giao ca vận hành số 35, tháng 9/1984 của cán bộ, nhân viên Xí nghiệp Khai thác khí Tiền Hải.

Khuôn viên khu lưu niệm gồm nhiều hạng mục: di tích Giếng khoan 61 - nơi phát hiện dòng khí đầu tiên, Giếng khoan 106, trạm xử lý khí trung tâm, khu nhà làm việc cũ của Xí nghiệp Khai thác khí Tiền Hải, khu trưng bày xe chuyên dụng và thiết bị đã qua sử dụng. Đây là một “bảo tàng sống động” tái hiện hành trình hình thành và phát triển ngành dầu khí Việt Nam bằng những hiện vật gốc mang tính lịch sử sâu sắc.

Đặc biệt, khu nhà làm việc được xây dựng từ tháng 1/1986 - từng là nơi điều hành, tổ chức khai thác và cung cấp khí đốt cho hàng loạt cơ sở công nghiệp tại Thái Bình - nay được trùng tu để trưng bày hàng loạt tư liệu, hiện vật quý, mô hình khai thác và tái dựng chân thực không gian làm việc của những thập niên 1980-1990.

Trạm xử lý khí trung tâm - biểu tượng của ý chí và sáng tạo

Trạm xử lý khí trung tâm được khởi công xây dựng từ tháng 1/1981 và chính thức vận hành ngày 8/7/1981. Tại đây, khí từ mỏ Tiền Hải C được xử lý bằng phương pháp hạ nhiệt - tách lỏng bằng giảm áp, sau đó đưa đến buồng đốt turbine phát điện. Trong năm đầu tiên, trạm xử lý đã cung cấp 16 triệu m³ khí để sản xuất 70 triệu kWh điện và tách được 380m³ condensate.

Công trình này được xem là niềm tự hào của kỹ thuật dầu khí Việt Nam đầu thập niên 1980, được trao Huy chương Vàng tại Hội chợ Triển lãm thành tựu kinh tế kỹ thuật năm 1985. Từ năm 1986, dòng khí mỏ Tiền Hải C tiếp tục được sử dụng cho nhiều ngành công nghiệp như vật liệu xây dựng, gạch men, sứ, thủy tinh, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế Thái Bình.

Khu lưu niệm Dầu khí - Kỳ 1: Dấu ấn từ lòng đất Tiền Hải

Thiết bị cân chỉnh áp suất.

Những hiện vật 50 năm vẫn vẹn nguyên giá trị

Tại khu vực trưng bày của khu lưu niệm, hàng trăm hiện vật vẫn được gìn giữ, bảo tồn. Mỗi hiện vật là một phần ký ức, một câu chuyện về hành trình gian nan của ngành dầu khí Việt Nam.

Nổi bật trong đó là hệ thống xe chuyên dụng của Liên Xô được sử dụng từ năm 1970, vẫn nguyên trạng và có một số xe vẫn hoạt động tốt. Xe khoan A50 từng dùng để khoan đến độ sâu 1.200m tại Miền võng Hà Nội hay xe tời địa vật lý dùng để kéo thiết bị địa vật lý trong giếng khoan vẫn được bảo dưỡng định kỳ như một phần của quá khứ sống động.

Khu lưu niệm Dầu khí - Kỳ 1: Dấu ấn từ lòng đất Tiền Hải

Máy nén khí YKII80 do Liên Xô sản xuất, được đưa về Việt Nam sử dụng từ năm 1970, dùng để bơm nén khí với áp suất 80at, thổi sạch tạp chất trong đường ống dẫn khí có chiều dài <10km.

Các loại mũi khoan như choòng khoan 3 chóp xoay 112mm, 135mm… dùng khoan trong các ống chống kích cỡ khác nhau được đặt trang trọng trong phòng trưng bày, bên cạnh đó là súng bắn mìn mở vỉa, hệ thống ống lắp từ năm 1981 hay các giếng khoan 4 lớp nguyên bản.

Đáng chú ý, nhiều thiết bị đo lường như đồng hồ đo lưu lượng khí, máy đo vi sai DT5, DT50 vẫn đang được bảo quản tốt, cho thấy sự bền bỉ và giá trị lâu dài của công nghệ được sử dụng.

Khu lưu niệm Dầu khí - Kỳ 1: Dấu ấn từ lòng đất Tiền Hải

Súng bắn mìn mở vỉa khí.

Không chỉ có thiết bị, khu lưu niệm còn sở hữu kho tư liệu phong phú từ phương án thiết kế mỏ khí Tiền Hải C, sổ nhật ký vận hành, quyết định điều động cán bộ cho đến những huân chương cao quý như Huân chương Lao động hạng Ba năm 1985 dành cho Xí nghiệp Khai thác khí Tiền Hải.

Tất cả được sắp đặt trong không gian trang trọng, tạo nên một dòng chảy lịch sử liền mạch, sống động, giúp người xem dễ dàng hình dung lại không khí của những ngày đầu dựng xây ngành dầu khí Việt Nam.

Khu lưu niệm Dầu khí - Kỳ 1: Dấu ấn từ lòng đất Tiền Hải

Hệ thống cấu trúc giếng khoan có các lớp ống chống khai thác và ống khai thác khí từ những năm 1980 vừa được đưa về khu lưu niệm sau khi mỏ hết chức năng khai thác.

Giờ đây, Khu lưu niệm công trình Dầu khí đầu tiên không chỉ là nơi để tri ân các thế hệ cán bộ dầu khí đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp “tìm lửa”, mà còn là địa chỉ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, là minh chứng sống cho một thời kỳ anh hùng mà không ít người đã cống hiến mồ hôi, nước mắt và cả tuổi xuân.

Ông Hoàng Văn Nhuận xúc động nói: “Chúng tôi mong rằng, khu lưu niệm sẽ được mở rộng quảng bá hơn nữa, để không chỉ CBCNV trong ngành mà đông đảo người dân sẽ đến đây, hiểu và tự hào về một thời kỳ mà chúng ta đã khai mở lòng đất bằng ý chí và trí tuệ Việt Nam”.

Đình Khương - Trần Trung


Tác giả: Một bảo tàng sống động giữa lòng đồng bằng
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết