|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đảng bộ Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công: Kiến tạo đột phá tăng trưởng xanh, dẫn dắt phát triển bền vững

Tham luận tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Công Thương, Đảng bộ Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công nêu vai trò lãnh đạo của Đảng trong phát triển bền vững.

Sáng ngày 16/7, Phiên chính thức của Đại hội đã diễn ra với sự tham dự và chỉ đạo của Ủy viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn, cùng dự Đại hội có đại diện Lãnh đạo Đảng ủy Chính phủ; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương. 

Về phía Đảng bộ Bộ Công Thương có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và các ủy viên Ban Thường vụ, ủy viên Ban Chấp hành… cùng 250 đại biểu ưu tú, đại diện cho 2.671 đảng viên của 38 tổ chức đảng trực thuộc Đảng bộ Bộ Công Thương.

Bám sát chỉ đạo của Đảng trong tăng trưởng xanh, giảm phát thải

Trình bày tham luận tại Đại hội, bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công nhấn mạnh: Tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững đã và đang là xu thế tất yếu, là định hướng phát triển được cộng đồng quốc tế đồng thuận và triển khai mạnh mẽ.

Toàn cảnh đại hội. Ảnh: Cấn Dũng

Toàn cảnh đại hội. Ảnh: Cấn Dũng

Với tầm nhìn xa mang tính chiến lược, Đảng ta đã sớm xác định, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững là nhiệm vụ trọng tâm,  thể hiện nhất quán trong các văn kiện Đại hội IX, X, XI của Đảng và được cụ thể hóa mạnh mẽ hơn qua các văn kiện Đại hội XII, XIII.

Tại Đại hội XII, Đảng đề ra chủ trương: “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu”; “Quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm các nguồn tài nguyên”; “Khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo và các vật liệu thân thiện môi trường”.

Đại hội XIII tiếp tục cụ thể hóa mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, đặt ra chỉ tiêu giảm ít nhất 9% lượng phát thải trong giai đoạn 2021 - 2030. Điều đó khẳng định quan điểm lãnh đạo nhất quán, xuyên suốt của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững.

Theo bà Nguyễn Thị Lâm Giang, phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững là nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm, xuyên suốt mà ngành Công Thương đã và đang thực hiện tốt theo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng những năm qua.

"Nghị quyết Đại hội của Đảng bộ Bộ Công Thương luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, chỉ đạo các tổ chức, cơ sở đảng toàn ngành Công Thương trong việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu"- Bí thư Đảng ủy Đảng bộ Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công nhấn mạnh.

Tiên phong trong cụ thể hóa Nghị quyết 55

Để cụ thể hóa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020  của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường và các kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị về việc tiếp tục triển khai Nghị quyết số 24, các cơ quan, đơn vị trong ngành Công Thương đã tham mưu, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền thể chế hóa, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên, giảm phát thải khí nhà kính, tăng trưởng xanh thông qua các cơ chế, chính sách của Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang đóng góp tích cực cho mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh của quốc gia nói chung và của ngành Công Thương nói riêng. 

Bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Bí thư Đảng ủy, Đảng bộ Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến Công. Ảnh: Cấn Dũng

Bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Bí thư Đảng ủy, Đảng bộ Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến Công. Ảnh: Cấn Dũng

Bà Nguyễn Thị Lâm Giang cho biết, về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Bộ Công Thương đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010, tổ chức và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả qua các giai đoạn 2006 - 2015.

Kết quả, đã tiết kiệm được từ 5 - 8% tổng mức tiêu thụ năng lượng của cả nước trong giai đoạn 2011 - 2015, tương đương với việc tiết kiệm từ 11 - 17 triệu tấn dầu quy đổi, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và các nỗ lực giảm phát thải khí kính quốc gia. Kế thừa và phát huy những kết quả quan trọng đó, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030.

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ Công Thương đã tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội khóa XV thông qua Luật sửa đổi một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010, trong đó đã điều chỉnh bổ sung các nội dung theo hướng tăng cường các quy định, chế tài mang tính bắt buộc thay vì khuyến khích thực thi các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tạo hành lang pháp lý mạnh mẽ cho việc thúc đẩy phát triển dịch vụ năng lượng chất lượng cao, phát triển mạnh thị trường trang thiết bị hiệu suất cao, khơi thông nguồn lực tài chính cho đầu tư tiết kiệm năng lượng.

Về thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, Bộ Công Thương đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030, trong đó tập trung đẩy mạnh các nhiệm vụ, giải pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguyên, nhiên vật liệu, năng lượng trong quy trình sản xuất các ngành công nghiệp; tuyên truyền, phổ biến và nhân rộng các mô hình, giải pháp tuần hoàn, tái chế, tái sử dụng, kéo dài vòng đời sản phẩm, thiết kế, lựa chọn các nguyên vật liệu có khả năng tái chế, tái sử dụng theo hướng tuần hoàn để giảm chất thải ra môi trường, phát triển các nguyên vật liệu, sản phẩm thân thiện với môi trường, giảm sử dụng túi nilong, đồ nhựa dùng 1 lần.

"Hoạt động của Chương trình thời gian qua đã góp phần lan tỏa và thúc đẩy sản xuất xanh trong các ngành công nghiệp và lối sống xanh của toàn xã hội"- bà Nguyễn Thị Lâm Giang nhấn mạnh.

Đại hội có sự tham dự và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn. Ảnh: Cấn Dũng

Đại hội có sự tham dự và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn. Ảnh: Cấn Dũng

Về ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh và bền vững, Bộ Công Thương đã chủ động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm kiểm soát, giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, phát thải carbon thấp. Cụ thể: Đã ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, trong đó giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo như cơ chế, chính sách phát triển điện mặt trời áp mái, cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA), Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, Chiến lược quốc gia phát triển Hydrogen…

Thực hiện vai trò Cơ quan thường trực của Ban Thư ký triển khai Tuyên bố chính trị hợp tác đối tác thực hiện Chuyển dịch năng lượng công bằng (thường gọi là Tuyên bố JETP), thúc đẩy thu hút nguồn lực tài chính, công nghệ của cộng đồng quốc tế trong quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam theo hướng phát triển năng lượng sạch, giảm mạnh các nguồn năng lượng có nguồn gốc hóa thạch, đặc biệt là than.

"Ban Thư ký JETP hoạt động trong khuôn khổ Ban Chỉ đạo quốc gia về COP26 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban. Việc triển khai hiệu quả Tuyên bố JETP sẽ góp phần thúc đẩy quá trình thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2025 mà Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị COP26"- bà Lâm Giang cho hay.

Việc cụ thể hóa các đường lối, chủ trương của Đảng về tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ Công Thương thời gian qua đã, đang và sẽ góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu của quốc gia nói chung và của ngành Công Thương nói riêng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết