|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công đoàn Petrovietnam thăm, làm việc tại Vương quốc Na Uy và Thụy Điển

Từ ngày 24/6 – 2/7/2025, đoàn công tác Công đoàn Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Công đoàn Petrovietnam) do Chủ tịch Công đoàn Petrovietnam Nghiêm Thùy Lan làm trưởng đoàn đã thăm, làm việc tại Tổng công đoàn Na Uy và Tổng công đoàn Thụy Điển theo quyết định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Chuyến đi là dấu mốc quan trọng trong hành trình mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tiếp thu kinh nghiệm tiên tiến và thúc đẩy vai trò của tổ chức công đoàn trong bối cảnh chuyển đổi sâu rộng toàn cầu.

Tại Na Uy, đoàn đã có buổi làm việc chính thức tại trụ sở Tổng công đoàn Na Uy (LO Na Uy), gặp gỡ và trao đổi chuyên sâu với bà Nina Mjøberg – Cố vấn cao cấp Ban Đối ngoại, ông Tor Jørgen Mentzoni Lindahl – Trưởng ban Chính sách Công nghiệp và bà Margit Norheim Lindgren – Cố vấn cao cấp về chuyển dịch công bằng.

LO Na Uy là tổ chức công đoàn trung ương lớn nhất và có ảnh hưởng sâu rộng nhất tại Na Uy, đại diện cho hơn 1 triệu đoàn viên thông qua hệ thống 25 công đoàn ngành thành viên. Được thành lập từ năm 1899, LO Na Uy giữ vai trò nòng cốt trong mô hình đối thoại xã hội Bắc Âu, nơi công đoàn là một trong ba trụ cột then chốt cùng với chính phủ và giới chủ, tham gia trực tiếp vào việc kiến tạo và thực thi các chính sách quốc gia.

Bên cạnh chức năng truyền thống như thương lượng tập thể về tiền lương, điều kiện làm việc, an sinh xã hội, LO Na Uy còn là một đối tác tích cực và có vị thế trong việc hoạch định các chính sách về: An ninh năng lượng quốc gia, chuyển đổi số và tự động hóa, đào tạo nghề và nâng cao kỹ năng, chiến lược chuyển đổi xanh và công bằng (Just Transition). LO Na Uy cũng là một trong những công đoàn tiên phong tại châu Âu trong việc tích hợp công nghệ số vào quản trị tổ chức, xây dựng hệ sinh thái số dành cho đoàn viên và thúc đẩy chuyển đổi số trong đối thoại xã hội.

Chủ tịch Công đoàn Petrovietnam Nghiêm Thùy Lan cùng đoàn công tác tặng quà lưu niệm cho bà Nina Mjøberg – Cố vấn cao cấp Ban Đối ngoại LO Na Uy

Các chủ đề trọng tâm thảo luận giữa hai bên bao gồm: Vai trò của công đoàn trong chuyển đổi năng lượng công bằng; Mô hình phối hợp ba bên: Công đoàn – Doanh nghiệp – Nhà nước trong đào tạo kỹ năng số và xanh; Ứng dụng công nghệ trong quản trị tổ chức và tương tác đoàn viên; Cơ chế thương lượng tập thể, đối thoại xã hội và sự tham gia chính sách ở cấp quốc gia và ngành năng lượng.

Một số hình ảnh đoàn công tác làm việc với LO Na Uy

Đặc biệt, tại buổi làm việc với Công đoàn STYRKE – tổ chức thành viên của LO Na Uy chuyên trách lĩnh vực dầu khí và năng lượng, đoàn công tác đã được chia sẻ chi tiết về mô hình tổ chức theo ngành dọc, chiến lược bảo vệ người lao động trong bối cảnh chuyển đổi xanh, cũng như các sáng kiến chuyển đổi kỹ năng, số hóa dữ liệu đoàn viên và hỗ trợ quá trình chuyển nghề bền vững.

Công đoàn STYRKE (Forbundet Styrke) là công đoàn ngành trực thuộc LO Norway, đại diện cho hơn 80.000 người lao động làm việc trong các lĩnh vực năng lượng, dầu khí, công nghiệp kỹ thuật cao, cơ khí và dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật. Đây là một trong những công đoàn mạnh nhất về chuyên môn và tổ chức tại Na Uy, đặc biệt trong ngành công nghiệp khai thác tài nguyên ngoài khơi. STYRKE đảm nhận vai trò: Thương lượng tập thể cấp ngành với các tập đoàn lớn như Equinor, Aker, Transocean…, đại diện người lao động trong các hội đồng chiến lược quốc gia về chuyển dịch năng lượng, đồng kiến tạo các chính sách đào tạo nghề, chuyển đổi kỹ năng xanh, bảo vệ việc làm và điều kiện làm việc cho người lao động trong quá trình tái cấu trúc ngành công nghiệp dầu khí.

STYRKE đồng thời là cầu nối giữa người lao động và các tiến trình hiện đại hóa ngành năng lượng, đóng góp ý kiến vào quy hoạch chính sách công nghiệp, bảo đảm rằng chuyển đổi công bằng thực sự có sự tham gia của người lao động ngay từ đầu.

Đoàn công tác làm việc với Công đoàn STYRKE 

Chủ tịch Công đoàn Petrovietnam Nghiêm Thùy Lan cùng đoàn công tác tặng quà lưu niệm cho Công đoàn STYRKE 

Tại Thụy Điển, đoàn đã làm việc với Tổng công đoàn Thụy Điển (LO Thụy Điển) và Liên đoàn Công nhân ngành kim loại If Metall. Cuộc gặp gỡ với ông Leif Isaksson – Thư ký quốc tế LO Thụy Điển và các đại diện chuyên môn đã mang đến cái nhìn tổng thể về “Mô hình Thụy Điển”, nơi công đoàn đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc kinh tế xã hội thông qua cơ chế thương lượng tập thể, chính sách đào tạo nghề và bảo vệ việc làm trong nền kinh tế xanh – số.

LO Thuỵ Điển là công đoàn trung ương đại diện cho người lao động phổ thông (blue-collar workers) tại Thuỵ Điển. Thành lập từ năm 1898, LO Thuỵ Điển hiện có 14 công đoàn ngành trực thuộc với khoảng 1,5 triệu đoàn viên, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp, xây dựng, giao thông, dịch vụ và y tế.

Với vai trò là một trong ba liên đoàn công đoàn lớn nhất Thụy Điển (cùng với TCO và SACO), LO Thuỵ Điển đóng vai trò trung tâm trong hệ thống quan hệ lao động quốc gia, tham gia thương lượng tập thể ở cấp ngành và quốc gia, đối thoại chính sách với giới chủ và chính phủ, tổ chức đào tạo cán bộ công đoàn và thúc đẩy các giá trị bình đẳng, đoàn kết, công bằng xã hội, hoạt động theo mô hình Thụy Điển – hệ thống quan hệ lao động song phương ít chịu sự can thiệp của nhà nước, được xây dựng trên nền tảng các thỏa ước lao động tập thể (CBA) có hiệu lực bao trùm, với hơn 680 thỏa ước cấp ngành đang có hiệu lực, bao phủ 70% đoàn viên công đoàn và 90% người lao động. CBA cũng được tích hợp chặt chẽ với hệ thống phúc lợi tập thể như bảo hiểm thất nghiệp, quỹ bảo đảm việc làm và lương hưu bổ sung.

Mật độ công đoàn tại Thụy Điển duy trì ở mức cao, nhưng có sự phân hóa theo khu vực: cao nhất ở khu vực công (84%), ngành công nghiệp (80%), xây dựng (74%), trong khi khu vực dịch vụ tư nhân thấp hơn (60%). Tỷ lệ tham gia công đoàn biến động theo quy mô nơi làm việc và loại hình hợp đồng: lao động hợp đồng ổn định chiếm 76%, trong khi lao động tạm thời chỉ 40%; doanh nghiệp nhỏ chỉ đạt 50%, nhưng doanh nghiệp lớn trên 500 người có tỷ lệ lên tới 86%.

Trong bối cảnh chuyển đổi số và tái cơ cấu việc làm, LO Thuỵ Điển đẩy mạnh số hóa hoạt động công đoàn, bao gồm hệ thống quản lý đoàn viên trực tuyến, ứng dụng di động tương tác với người lao động theo thời gian thực, và sử dụng dữ liệu lớn để phân tích nhu cầu đoàn viên, từ đó hỗ trợ thương lượng lương, nâng cao năng lực đại diện và cải thiện chính sách. LO Thuỵ Điển cũng là thành viên tích cực của các tổ chức công đoàn quốc tế như ITUC và IndustriALL, đồng thời tích cực tham gia các chương trình hỗ trợ công đoàn ở các nước đang phát triển, với ưu tiên đặc biệt dành cho lĩnh vực chuyển đổi công bằng, phát triển bền vững và bình đẳng trong chuyển đổi số.

Đoàn công tác làm việc với LO Thuỵ Điển

Chủ tịch Công đoàn Petrovietnam Nghiêm Thùy Lan cùng đoàn công tác tặng quà lưu niệm cho LO Thuỵ Điển

Tại các cuộc làm việc, đoàn công tác đã trình chiếu video giới thiệu về Công đoàn Petrovietnam – khẳng định vị thế, truyền thống, tầm ảnh hưởng và nỗ lực đổi mới của công đoàn trong thời đại chuyển đổi kép. Chuyến công tác đã mở ra một không gian đối thoại giá trị, nơi các mô hình công đoàn hiện đại được tiếp cận không chỉ ở chức năng đại diện quyền lợi, mà còn ở năng lực kiến tạo chính sách và dẫn dắt quá trình chuyển đổi xã hội.

Tại Na Uy và Thụy Điển – những quốc gia đi đầu trong tư duy công đoàn chiến lược, công đoàn không đứng bên lề cuộc cách mạng công nghệ, mà chủ động bước vào trung tâm. Tổ chức công đoàn tham gia hoạch định chính sách về năng lượng, kỹ năng và thị trường lao động, đồng thời kiến thiết mô hình công đoàn số hóa, chuyên nghiệp, gắn kết và minh bạch. Từ hệ thống dữ liệu đoàn viên thời gian thực, nền tảng giám sát hợp đồng lao động điện tử đến các sáng kiến chuyển dịch nghề bền vững. Công đoàn các nước Bắc Âu ngày càng khẳng định vai trò của tổ chức công đoàn hiện đại không chỉ bảo vệ, mà còn dẫn dắt, đồng hành và tạo dựng tương lai.

Công đoàn Petrovietnam trân trọng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Tổng công đoàn Na Uy, Công đoàn STYRKE và Tổng công đoàn Thụy Điển vì sự đón tiếp nồng hậu, sự chia sẻ chân thành và tinh thần hợp tác cởi mở. Nhân dịp này, Công đoàn Petrovietnam đã trân trọng gửi lời mời chính thức đến LO Na Uy, STYRKE và LO Thụy Điển sang thăm Việt Nam trong thời gian tới, đồng thời đề xuất trao đổi và ký kết các Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) nhằm tăng cường kết nối, chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng mối quan hệ đối tác lâu dài trong các lĩnh vực: chuyển đổi số, đào tạo kỹ năng, bảo vệ người lao động và xây dựng tổ chức công đoàn hiện đại, hội nhập.

Trong khuôn khổ chương trình, đoàn công tác Công đoàn Petrovietnam đã đến thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy điển. Đại sứ Trần Văn Tuấn tiếp đoàn, gặp mặt trao đổi về sự hợp tác giữa Việt Nam và Thụy điển trong các lĩnh vực, thế mạnh của Thụy điển gồm khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo, kinh tế, năng lượng xanh điện gió, hạt nhân, công nghệ xử lý rác thải, bảo vệ môi trường…

Đoàn công tác đến thăm và làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Công đoàn Petrovietnam Nghiêm Thùy Lan trao đổi về quy mô, vị thế của Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng quốc gia Việt Nam, các lĩnh vực SXKD chính, định hướng và chiến lược của Tập đoàn, cũng như các lĩnh vực SXKD mới và cơ hội hợp tác với Thụy điển. Đồng chí Nghiêm Thùy Lan cũng thông tin về hoạt động của Công đoàn Petrovietnam, mối quan hệ hợp tác của Công đoàn Petrovietnam với LO Thụy điển và các Công đoàn ngành lớn như Công đoàn Kim khí Thụy điển, định hướng tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác để nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm mô hình Công đoàn Thụy Điển – công đoàn có lịch sử lâu đời, ảnh hưởng lớn trong Công đoàn công nghiệp thế giới và các nước châu Âu.

Công đoàn Petrovietnam


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết