Nhân lực ngành logistics: Lỗ hổng chất lượng và bài toán “nút thắt cổ chai”
Dù cơ hội rộng mở, song ngành logistics Việt Nam đang bị kìm hãm bởi "nút thắt cổ chai" nhân lực, đe dọa vị thế của một ngành kinh tế xương sống.
Logistics xuyên quốc gia đang mở ra cơ hội việc làm lớn
Theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Ngân hàng Thế giới, ngành logistics Việt Nam đang có những bước tiến vượt bậc. Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics hướng tới phát triển bền vững và hội nhập” do Báo Công Thương vừa tổ chức tại Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại, TP.Hồ Chí Minh, TS. Vũ Minh Tiến, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại (COFER), đã đưa ra những con số ấn tượng: Tốc độ tăng trưởng của ngành Logistics Việt Nam dao động từ 14-16%, với giá trị ước tính gần 50 tỷ USD mỗi năm.
Trên bảng xếp hạng toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 43/155 quốc gia về hiệu quả logistics và đứng thứ 4 tại khu vực ASEAN, chỉ sau Singapore, Thái Lan và Malaysia. Sự đóng góp của ngành vào GDP quốc gia là khoảng 8-10%.
Những con số biết nói này vẽ nên một bức tranh đầy tiềm năng, mở ra một thị trường việc làm khổng lồ. Thế nhưng, thực tế lại cho thấy một “lỗ hổng” đáng báo động về nguồn nhân lực. Hiện nay, nguồn nhân lực được đào tạo bài bản trong lĩnh vực logistics trên thực tế chỉ đáp ứng được 8-10% so với tổng nhu cầu.
Các diễn giả tham dự tọa đàm “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics hướng tới phát triển bền vững và hội nhập” do Báo Công Thương vừa tổ chức. Ảnh: Sỹ Đồng
Trước bối cảnh đó, TS. Vũ Minh Tiến cảnh báo: Với hội nhập kinh tế sâu rộng, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% vào năm 2025, logistics xuyên quốc gia đang mở ra cơ hội việc làm lớn. Dự báo đến năm 2030, nhu cầu nhân lực logistics lên đến hàng triệu, nhưng hiện chỉ đáp ứng được 8-10% tổng nhu cầu. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội, nhân lực cần đáp ứng yêu cầu về chất lượng và kỹ năng thích ứng với xu hướng công nghệ, đặc biệt là logistics xanh và tuần hoàn.
Nhìn nhận vấn đề từ góc độ hiệp hội, ông Trần Chí Dũng, Trưởng Ban Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA), đã chỉ ra, thực trạng này như một “nút thắt cổ chai” đang bóp nghẹt tiềm năng của ngành. “Đây không chỉ là câu chuyện thiếu hụt về số lượng, mà còn là sự thiếu hụt nghiêm trọng về chất lượng” – ông Dũng nêu.
Ở góc độ là đơn vị trực tiếp tuyển dụng và sử dụng lao động, ông Bùi Tấn Trưởng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Karl Gross Logistics Việt Nam đã chỉ ra những điểm yếu cốt lõi của lao động trẻ hiện nay. Thực tế cho thấy, các bạn sinh viên mới ra trường còn yếu một kỹ năng cơ bản nhất, đó là kỹ năng mềm. Đó là kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy phản biện. Các bạn có thể nắm vững lý thuyết, nhưng khi bước vào môi trường doanh nghiệp, sự thiếu hụt này trở thành rào cản lớn.
TS. Vũ Minh Tiến - Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại(bên trái) chia sẻ về những cơ hội và thách thức lớn đang đặt ra với nhân lực ngành Logistics. Ảnh: Sỹ Đồng
"Hiện doanh nghiệp không chỉ cần người làm được việc, mà còn cần người có thể hòa nhập, phối hợp và cùng phát triển. Logistics là một chuỗi liên kết chặt chẽ giữa nhiều phòng ban, từ kinh doanh, chứng từ, hiện trường đến kho bãi. Một cá nhân nếu thiếu kỹ năng làm việc nhóm sẽ rất khó để gắn bó lâu dài và tạo ra hiệu quả. Chúng tôi phỏng vấn rất nhiều bạn, kể cả những bạn đã đi làm 2-3 năm, nhưng vẫn thấy rõ điểm yếu này” - ông Trưởng phân tích.
Gõ “nút thắt cổ chai”, tránh lỡ nhịp cuộc đua logistics toàn cầu
Trong khi cơ hội việc làm rộng mở với mức thu nhập hấp dẫn, các doanh nghiệp vẫn loay hoay tìm kiếm nhân sự phù hợp. Thực trạng "thừa thầy, thiếu thợ" này đang đặt ra một bài toán cấp bách. Nếu không có những giải pháp đột phá, “nút thắt cổ chai” về nhân lực sẽ trở thành lực cản lớn nhất, đe dọa vị thế của một ngành kinh tế xương sống.
Để giải quyết bài toán nhân lực, không thể chỉ trông chờ vào nỗ lực đơn lẻ của bất kỳ bên nào. Đây phải là một chiến lược đồng bộ, đòi hỏi một cuộc "cách mạng" trong tư duy đào tạo và sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường - doanh nghiệp và các hiệp hội ngành nghề.
"Các chương trình đào tạo hiện nay cần phải đi trước một bước, không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại mà phải dự báo và chuẩn bị cho những kỹ năng của tương lai. Chúng ta không thể chỉ đi theo sau. Nếu chương trình đào tạo của chúng ta chậm hơn thực tế 5-10 năm, chúng ta sẽ không bao giờ có cơ hội bắt kịp thế giới" - ông Trần Chí Dũng nêu giải pháp.
Ông Trần Chí Dũng, Trưởng Ban Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA). Ảnh: Sỹ Đồng
Ông Dũng gợi mở, thế giới đang nói về logistics xanh, logistics tuần hoàn, về chuỗi cung ứng số. Chương trình đào tạo phải tích hợp những nội dung này để sinh viên ra trường không bị bỡ ngỡ.
Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành logistics nói chung và nhân lực cho ngành Công Thương nói riêng, ở góc độ cơ sở đào tạo nghề của ngành Công Thương, TS. Vũ Minh Tiến cho biết, "Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại đã bước vào một giai đoạn phát triển mới, tập trung vào ba trụ cột:Con người, công nghệ và phương pháp".
"Chúng tôi xác định không chỉ đào tạo những gì ngành đang cần, mà còn phải định hướng những gì ngành sẽ cần. Việc ứng dụng công nghệ 4.0, chuyển đổi số vào giảng dạy là yêu cầu bắt buộc. Nhà trường đang đầu tư mạnh mẽ vào việc xây dựng hệ sinh thái số trong đào tạo, từ chương trình, công nghệ đến phương pháp luận" - ông Tiến nói.
TS. Vũ Minh Tiến cũng khẳng định: "Nhà trường luôn mở rộng cửa hợp tác. Chúng tôi chủ động liên kết với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, tận dụng sự hỗ trợ từ Bộ Công Thương để tạo ra cầu nối vững chắc, giúp sinh viên tiếp cận sớm với môi trường làm việc chuyên nghiệp".
Các đại biểu tham dự toạ đàm. Ảnh: Sỹ Đồng
Một trong những giải pháp được các chuyên gia đồng thuận cao là tăng cường sự kết nối thực chất giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp. Ông Bùi Tấn Trưởng đề xuất: "Doanh nghiệp có thể phối hợp với nhà trường xây dựng các khóa học ngắn hạn, thực tiễn ngay tại doanh nghiệp. Thay vì chỉ thực tập ngắn ngày, sinh viên có thể tham gia các khóa học 3-6 tháng, được làm quen với quy trình, văn hóa và con người của doanh nghiệp. Qua đó, các bạn không chỉ học được nghề mà còn rèn luyện được kỹ năng mềm".
Bên cạnh đó, việc ký kết các biên bản ghi nhớ, các thỏa thuận hợp tác lâu dài giữa trường và doanh nghiệp sẽ tạo ra một hành lang pháp lý vững chắc cho các hoạt động chung. Doanh nghiệp có thể tham gia vào việc xây dựng, góp ý chương trình đào tạo, cung cấp các chuyên gia để giảng dạy, và tạo điều kiện cho sinh viên thực hành trên các phần mềm, hệ thống thực tế.
"Chúng tôi rất mong muốn có những cơ sở thực hành, phòng lab ngay trong nhà trường, với đầy đủ phần cứng, phần mềm từ thiết kế, vận hành đến bán hàng. Logistics không thể dạy chay được" - ông Dũng bày tỏ.
Ngành logistics Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn với nhu cầu nhân lực ngày càng tăng, nhưng thách thức về chất lượng đào tạo vẫn còn. Các trường cần đổi mới chương trình, đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao năng lực giáo viên để dự đoán và đáp ứng xu hướng tương lai, đặc biệt là logistics xanh và ứng dụng AI. Sự hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp sẽ giúp sinh viên sẵn sàng làm việc, góp phần đưa logistics Việt Nam tiến xa trên bản đồ toàn cầu.