Bản tin năng lượng số 10/2023
Tại hội thảo “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng Việt Nam giai đoạn 2016 - 2021: Thực trạng và giải pháp”, các chuyên gia, nhà khoa học đã chia sẻ nhiều đề xuất, kiến nghị nhằm xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả năng lượng tái tạo trong thời gian tới.
Xây dựng các cơ chế đột phá để khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo
Hội thảo do đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Tại hội thảo, TS. Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam đã nêu tiềm năng phát triển năng lượng sạch (năng lượng tái tạo) và chủ trương, chính sách của Việt Nam.
Trong những năm vừa qua, đặc biệt là 4 - 5 năm gần đây, đầu tư cho năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) ở nước ta phát triển vượt bậc. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo và thủy điện vừa và lớn đạt 43.126 MW, chiếm 55,2% tổng công suất hệ thống điện của Việt Nam. Phát triển năng lượng tái tạo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đã được cụ thể hóa tại Nghị quyết của Bộ Chính trị đến các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng và các cơ chế khuyến khích phát triển các dự án năng lượng tái tạo.
Cần ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo
Chủ trương phát triển năng lượng tái tạo cần ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch. Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn…, TS. Mai Duy Thiện chia sẻ.
Để hiện thực hóa chủ trương này, ngoài các giải pháp mà Chính phủ đang triển khai, TS. Mai Duy Thiện kiến nghị sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII, Chiến lược, quy hoạch năng lượng. Cần xây dựng giá mua điện hợp lý trên cơ sở tính toán khoa học, hài hòa giữa bên bán và bên mua điện (bên bán là các nhà đầu tư, bên mua là EVN).
Các quy hoạch liên quan đến điện gió ngoài khơi cần triển khai khẩn trương để có thế hoàn thành phê duyệt sớm. Cơ chế, chính sách cho phát triển năng lượng tái tạo cần được xây dựng có tính liên tục và dài hạn hơn, đủ để các nhà đầu tư định hướng đầu tư phát triển các dự án.
Đồng thời, nghiên cứu quy định về điện mặt trời áp mái tự dùng không nối lưới tại các khu công nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án thủy điện tích năng, nghiên cứu hệ thống lưu trữ điện năng, để tạo cơ hội cho phát triển điện gió và mặt trời, vận hành an toàn ổn định hệ thống điện.
Ứng dụng công nghệ hydrogen trong chuyển đổi năng lượng xanh
Mới đây, tại thành phố Đà Nẵng, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản; Trung tâm ASEAN - Nhật Bản; Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức hội thảo “Ứng dụng và phát triển công nghệ hydrogen trong việc chuyển đổi năng lượng xanh”.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học, các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng xanh từ các đầu cầu tại Việt Nam và Nhật Bản.
Hydrogen là một trong những nguồn nhiên liệu thay thế sạch và được coi là công nghệ hàng đầu trong các nỗ lực giảm khí thải carbon trên phạm vi toàn cầu
Theo ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Việt Nam đang triển khai những bước đầu trong chuyển dịch năng lượng, từ năng lượng truyền thống sang các loại năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, sạch. Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu định hướng về việc phát triển năng lượng hydrogen.
Theo đó, nhiên liệu sinh học, hydrogen sẽ được sử dụng trong sản xuất điện, giao thông vận tải, công nghiệp, tòa nhà dân dụng và thương mại nhằm góp phần đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng và từng bước xây dựng nền kinh tế phi carbon.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đánh giá tổng thể việc sản xuất năng lượng hydrogen từ các nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng gió và các tiềm năng sử dụng hydrogen xanh ở Việt Nam. Qua đó, các cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư, chuyên gia sẽ đóng góp cho quá trình xây dựng và thực thi các cơ chế, chính sách phát huy hiệu quả thực tiễn; hỗ trợ phát triển hydrogen; giảm thải khí nhà kính và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch ở Việt Nam.
Hợp tác Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực năng lượng
Phát biểu tại Hội thảo kinh tế cấp cao Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản với chủ đề "Khả năng mới của mối quan hệ Việt Nam và Nhật Bản hướng tới tương lai" diễn ra tại Hà Nội mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã nêu 8 nội dung hợp tác năng lượng với Nhật Bản trong thời gian tới.
Cụ thể, một số lĩnh vực tiềm năng mà Việt Nam và Nhật Bản thể xem xét trao đổi, tìm cơ hội hợp tác bao gồm: phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh (điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, điện sinh khối), sản xuất và ứng dụng các nguồn năng lượng mới như hydro, amoniac...
Việt Nam và Nhật Bản có nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng
Chuyển đổi nhiên liệu, xử lý môi trường cho các nhà máy nhiệt điện và tuabin khi đang vận hành.
Khai thác tiềm năng thủy điện cỡ vừa và nhỏ gắn với bảo vệ môi trường, mở rộng các dự án thủy điện hiện có, xây dựng các nhà máy thủy điện tích năng.
Triển khai các dự án nhiệt điện chạy khí và LNG.
Các giải pháp nâng cao hiệu suất, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng.
Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ năng lượng mới, lưu trữ năng lượng, lưu trữ carbon…
Phát triển mới hệ thống lưới điện truyền tải, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống lưới điện hiện có, ứng dụng công nghệ lưới điện thông minh (Smart Grid).
Hiện đại hóa hệ thống quản lý, điều độ hệ thống điện, nâng cao năng lực xây dựng thể chế và quản lý năng lượng trong nền kinh tế.
Ngân Hà