Xu hướng chuyển dịch năng lượng sạch hướng tới mục tiêu phát triển bền vững
Để đạt các mục tiêu về phát triển xanh, bền vững, Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách, cam kết mạnh mẽ nhằm thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch, lối sống xanh và phát triển một nền kinh tế thân thiện với môi trường.
Tiềm năng điện gió khá dồi dào
Hiện nay, sự gia tăng của các nguồn điện mới khiến hệ thống phải đối mặt với các thách thức về sự bền vững và ổn định, đòi hỏi sự phối hợp về cả chính sách và công nghệ nhằm đảm bảo nguồn điện tin cậy. Để đạt các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là các cam kết tại COP26, Chính phủ Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi ngành năng lượng.
Không nằm ngoài xu thế đó, Chính phủ Việt Nam cũng đã đưa ra nhiều chính sách, cam kết mạnh mẽ nhằm thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch, lối sống xanh và phát triển một nền kinh tế thân thiện với môi trường ở Việt Nam.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, giai đoạn 2011-2020, điện thương phẩm của Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng bình quân là 9,6%/năm. Dự kiến giai đoạn 2021-2030, mức tăng trưởng điện thương phẩm bình quân sẽ đạt 8,52% ở kịch bản cơ sở và 9,36% ở kịch bản cao. Hệ thống điện Việt Nam có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đủ đáp ứng cho nhu cầu điện phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Trong thời gian gần đây, với các chính sách khuyến khích của Chính phủ, nguồn năng lượng tái tạo có sự phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam với những con số ấn tượng. Tính đến hết năm 2021, tổng công suất đặt các nguồn điện gió, điện mặt trời đạt 20.670 MW, chiếm gần 27% tổng công suất đặt toàn hệ thống. Sản lượng điện từ nguồn điện này đã đạt 31,5 tỷ kWh, chiếm 12,27% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống. Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2045, cả nước có trên 75% là năng lượng tái tạo.
Báo cáo tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2022 cũng cho thấy, Việt Nam là nước nằm trong vùng gió mùa châu Á mạnh và ổn định nên tiềm năng năng lượng gió được đánh giá là rất dồi dào.
Việt Nam có tiềm năng gió trung bình so với các nước trên thế giới nhưng thuộc diện lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng tiềm năng điện gió ước đạt 513.360MW, lớn gấp 200 lần công suất của nhà máy thủy điện Sơn La và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện Việt Nam năm 2020.
Tiến sĩ Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, năng lượng sóng biển Việt Nam trên lý thuyết có thể trong top 10 nước có tiềm năng năng lượng sóng biển tốt nhất thế giới.
“Nếu sử dụng được điện năng từ sóng biển, đặc biệt khi công nghệ sản xuất điện sóng ngày càng tiến bộ thì điện từ sóng biển sẽ có thể đóng góp vai trò quan trọng trong việc sử dụng năng lượng xanh, đa dạng hóa nguồn năng lượng góp phần trong an ninh năng lượng quốc gia thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội,", Tiến sĩ Dư Văn Toán khẳng định.
Các vùng biển có khả năng khai thác tiềm năng năng lượng gió tốt nhất là Bình Định đến Ninh Thuận, Bình Thuận đến Cà Mau và một phần vùng biển trung tâm vịnh Bắc Bộ. Đặc biệt, tiềm năng gió đạt ở mức tốt đến rất tốt ở khu vực biển Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu với tốc độ gió trung bình năm từ 8 đến 10 m/s, mật độ năng lượng trung bình năm phổ biến từ 600 đến trên 700 W/m2.
Để phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi, Báo cáo đã đề xuất các nhiệm vụ cần triển khai trong thời gian tới bao gồm: tổ chức điều tra, khảo sát, quan trắc bổ sung điều kiện tự nhiên các vùng biển; ứng dụng công nghệ mô hình số trị trong việc tái mô phỏng và đánh giá tiềm năng năng lượng gió chi tiết theo không gian; giám sát, dự báo năng lượng gió, sóng thời gian thực, cảnh báo thiên tai, dự báo tác động để phục vụ công tác sản xuất năng lượng tái tạo; nghiên cứu, đánh giá, dự báo chi tiết tác động thiên tai, môi trường biển tới khả năng xây dựng và khai thác của các công trình điện gió, sóng ngoài khơi; nghiên cứu, đánh giá, dự báo các tác động của các công trình điện gió, sóng ngoài khơi đến môi trường và các hoạt động kinh tế - xã hội.
Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng
Việt Nam đang triển khai những bước đầu của quá trình chuyển đổi năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo xanh và và sạch hơn. Đây là xu hướng tất yếu giúp đảm bảo một nền kinh tế bền vững. Phát triển năng lượng xanh, còn gọi là năng lượng tái tạo hay năng lượng sạch đang dần chiếm vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế bền vững ở các nước.
Với cơ chế khuyến khích của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/ 2018, hiện nay đã có 3.980 MW điện gió đang vận hành, được công nhận Ngày vận hành thương mại (COD). Tuy nhiên, còn một số dự án chưa hoàn thành kịp thời hạn quy định trước ngày 1/11/2021 và chưa được công nhận COD (trong tổng 8.171 MW đã ký hợp đồng mua bán điện - PPA với EVN). Tính đến tháng 12/2020 đã có tổng khoảng 13.000 MW điện gió đã được phê duyệt bổ sung trong QHĐVII (điều chỉnh). Tuy nhiên, hiện chúng ta chưa có dự án điện gió ngoài khơi nào được triển khai đầu tư.
"Để đạt các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi ngành năng lượng theo tinh thần phát huy nội lực, đồng thời tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác phát triển. Trong đó, đã giảm dần nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, ưu tiên phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới và sạch", ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Năng lượng và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) nhận định.
Với định hướng tiến tới trung hòa phát thải khí CO2 vào năm 2050, trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII và “Quy hoạch tổng thể năng lượng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2050” đã dự kiến sẽ từng bước chuyển dịch sang các nhiên liệu sạch như: Điện khí dần thay thế điện than; nhiên liệu than được đốt kèm với sinh khối với tỷ lệ tăng dần, trong dài hạn chuyển từ đốt than sang đốt amoniac (HN3) xuất xứ từ điện phân bởi các nguồn điện gió, điện mặt trời; khí đốt sẽ được thay thế dần bằng hydro được điện phân bởi nguồn điện không phát thải…
Để có thể từng bước chuyển dịch nhiên liệu theo hướng nói trên, kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương sớm cho nghiên cứu, khuyến khích sản xuất thử nghiệm các loại hình nhiên liệu này, tận dụng các hỗ trợ, hợp tác nghiên cứu công nghệ từ quốc tế để nắm bắt xu hướng, giá cả và chủ động lộ trình áp dụng khi điều kiện thích hợp.
Ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng từng cho biết, để chuyển đổi năng lượng thành công thì công nghệ và tài chính là rất quan trọng. Nếu có sự hỗ trợ của các tập đoàn về công nghệ như GE Việt Nam và nguồn tài chính từ các tổ chức quốc tế thì mục tiêu dịch chuyển năng lượng của Việt Nam để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã cam kết tại COP26 là hoàn toàn có thể đạt được.
"Với sự hiện điện lâu dài ở Việt Nam cùng cam kết hỗ trợ kinh tế đất nước tăng trưởng thông qua những công nghệ năng lượng hiệu suất cao mới nhất, GE đang cung cấp các giải pháp phù hợp và kinh nghiệm toàn cầu giúp Việt Nam đáp ứng nhu cầu điện hiện tại đồng thời duy trì tăng trưởng", ông Narendra Asnani khẳng định.
Lan Anh