Bộ Công Thương xây dựng 3 kịch bản cung cấp điện năm 2025
Để cung cấp điện năm 2025, các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng phụ tải.
Tăng trưởng điện 2024 dự kiến đạt khoảng 10.09%
Báo cáo tại cuộc họp về kế hoạch cung cấp điện năm 2025 do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì ngày 14/11/2024, Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO) cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2024, việc cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước được đảm bảo.
Quyền Tổng giám đốc NSMO Nguyễn Đức Ninh báo cáo tại cuộc họp |
Trên cơ sở diễn biến nhu cầu phụ tải và tình hình vận hành hệ thống điện (HTĐ) tháng 10/2024, NSMO ước thực hiện năm 2024 như sau:
Về tình hình phụ tải: Dự kiến tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu (SX&NK) toàn hệ thống năm 2024 đạt ~309.7 tỷ kWh, tăng trưởng ~10.09% so với năm 2023, thấp hơn ~0.878 tỷ kWh so với kế hoạch (KH) năm cập nhật. Công suất đỉnh HTĐ quốc gia/ miền Bắc/ miền Trung/ miền Nam trong năm 2024 dự kiến lần lượt đạt ~48955/ 25456/ 5169/ 21425 MW, tăng trưởng lần lượt ~7.52/ 8.01/ 4.66/ 8.7% so với năm 2023.
Về tình hình thủy văn: Tổng sản lượng thủy điện huy động của Hệ thống điện Quốc gia năm 2024 dự kiến đạt ~89.6 tỷ kWh/năm, cao hơn ~8.9 tỷ kWh so với năm 2023 và ~ 9.4 tỷ kWh so với KH năm 2024. Mực nước các hồ thủy điện cuối năm 2024, dự kiến giữ ở mức xấp xỉ so với mực nước dâng bình thường (MNDBT). Theo đó, tổng sản lượng thủy điện tích trong hồ giai đoạn cuối năm 2024 dự kiến đạt ~14.87 tỷ kWh, thấp hơn ~32 tr.kWh so với MNDBT và tương đương so với kế hoạch năm.
Về tình hình cung ứng nhiên liệu: Các nhà máy nhiệt điện than cơ bản đảm bảo cung ứng nhiên liệu phục vụ phát điện trong năm 2024, với tổng lượng than tiêu thụ cả năm ước tính đạt ~ 47.2 triệu tấn (đối với than nội/trộn) và ~ 24.1 triệu tấn (đối với than nhập). Dự kiến tổng lượng khí tiêu thụ trong năm 2024 đạt ~ 2750 tr.m3 (đối với khí Đông Nam Bộ) và ~ 1224 tr.m3 (đối với khí Tây Nam Bộ) căn cứ số liệu tính toán theo kế hoach vận hành tháng 11/2024 đã được Cục Điều tiết điện lực thông qua.
Về tình hình tiêu thụ khí LNG, tính đến hết tháng 10/2024, tổng lượng tiêu thụ khí LNG đạt ~ 248 tr.m3. HTĐ quốc gia không có nhu cầu huy động các nguồn LNG vào giai đoạn cuối năm 2024.
Đối với giai đoạn các tháng cuối năm 2024, NSMO sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, toàn diện các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương trong việc đảm bảo cung ứng đủ điện cho các tháng cuối năm 2024 và chuẩn bị đảm bảo điện cho năm 2025.
Toàn cảnh cuộc họp về kế hoạch cung cấp điện năm 2025 |
3 kịch bản cung cấp điện năm 2025
Về kế hoạch cung ứng điện năm 2025, trên cơ sở dự báo nhu cầu phụ tải, NSMO đã xây dựng 3 kịch bản với mức tăng trưởng điện SX&NK. Cụ thể kịch bản 1 tăng trưởng 10.5%, đạt 342.3 tỷ kWh.
Kịch bản 2: Trên cơ sở thực tế 06 tháng đầu năm 2024, điện SX&NK toàn hệ thống đã đạt mức tăng trưởng 12.0% so với năm 2023. Do đó, căn cứ trên tốc độ tăng trưởng thực tế và có xét đến dự phòng, NSMO tính toán kịch bản với điện SX&NK năm 2025 tăng trưởng 13.3% so với năm 2024, đạt 351.0 tỷ kWh.
Kịch bản 3: Nhằm dự phòng cho trường hợp phụ tải tăng trưởng cực đoan, NSMO kiểm tra với kịch bản phụ tải tăng trưởng cao cực đoan để kiểm tra. Do đó NSMO tính toán kịch bản cực đoan với điện SX&NK năm 2025 tăng trưởng 14.3% so với năm 2024, đạt 354.0 tỷ kWh.
Đối với yếu tố đầu vào là thủy văn và mực nước, NSMO đã tính toán và kiểm tra việc đảm bảo cung ứng điện với 2 kịch bản lưu lượng nước về gồm: Kịch bản 1: Tần suất nước về các hồ thủy điện là 65% trong cả năm 2025; Kịch bản 2: Tần suất nước về 6 tháng đầu năm là 75%, riêng các hồ dãy sông Đà là 90%. Các tháng còn lại của năm 2025 tần suất 65%.
Nhiên liệu sơ cấp đáp ứng nhu cầu điện năm 2025, theo kế hoạch của các doanh nghiệp cung cấp nhiên liệu khí, khả năng cung cấp khí Đông Nam Bộ năm 2025 là 2.06 tỷ m3, tương đương 5.3 – 6.8 tr.m3/ngày; Khí LNG là ~ 5.7 tr.m3/ngày; Khả năng cấp khí PM3-CAA là 1.35 tỷ m3, tương đương 3.5 – 4.1 tr.m3/ngày. Than được cung cấp đủ nhu cầu vận hành.
Về tiến độ nguồn điện truyền thống (thuỷ điện, nhiệt điện) dự kiến bổ sung 4.081 MW mới từ nay đến hết năm 2025. Nguồn nhập khẩu chủ yếu từ Lào: Tổng công suất nguồn nhập khẩu dự kiến vận hành từ nay đến hết năm 2025 là ~ 1160 MW.
Công suất năng lượng tái tạo (NLTT) tăng thêm từ tháng 10/2024 đến hết ngày 31/12/2025 đạt ~ 1.177 MW. Căn cứ trên thực tế vận hành các nguồn điện NLTT những năm vừa qua, đồng thời xét đến tiến độ công trình mới lưới điện, khả năng hấp thụ của hệ thống theo các ràng buộc kỹ thuật, NSMO cân đối sản lượng của các nguồn NLTT (điện gió, mặt trời trang trại, và điện mặt trời mái nhà) dự kiến năm 2025 đạt 41.86 tỷ kWh, cao hơn 4.9 tỷ kWh so với Kế hoạch vận hành năm 2024.
Hệ thống điện quốc gia cơ bản đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của nhân dân trong cả năm 2025. |
Cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu điện năm 2025
Theo đánh giá của NSMO, với phương án phụ tải tăng trưởng 10.5% (342.3 tỷ kwh – điện SX&NK, Pmax 54.269 MW), HTĐ quốc gia cơ bản đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của nhân dân trong cả năm 2025. Tuy nhiên, do phụ tải HTĐ tăng cao, HTĐ có nhu cầu huy động các nguồn nhiệt điện than, nguồn LNG và nhiệt điện dầu ở mức cao.
Với phương án phụ tải tăng trưởng 13.3%, tổng sản lượng nguồn điện toàn quốc cả năm ~ 351.0 tỷ kWh: về cơ bản HTĐ quốc gia đáp ứng cung ứng điện trong phần lớn thời gian trong năm. Tuy nhiên, HTĐ có nhu cầu huy động gần như tối đa các nguồn nhiệt điện than, nguồn khí nội địa gần như được huy động tối đa theo khả năng cấp và các nguồn LNG, dầu được huy động rất cao.
Với phương án phụ tải tăng trưởng đột biến cực đoan 14.3%, tổng sản lượng nguồn điện toàn quốc cả năm ~ 354.0 tỷ kWh. Trong trường hợp xảy ra các yếu tố xếp chồng như thủy văn kém, phụ tải tăng cao cực đoan, các nguồn nhiệt điện than miền Bắc sự cố trong giai đoạn cao điểm mùa khô, HTĐ Quốc gia có khả năng phải thực hiện điều chỉnh phụ tải cũng như huy động nguồn Diesel khách hàng trong giai đoạn tháng 04 – tháng 06. Ngoài ra, HTĐ cần huy động gần như tối đa các nguồn nhiệt điện than, nguồn khí nội địa gần như được huy động tối đa theo khả năng cấp và các nguồn LNG, dầu được huy động rất cao.
Để vận hành HTĐ, đảm bảo cấp điện năm 2025, các đơn vị chức năng cũng đã đề xuất các giải pháp thực hiện tối ưu, đồng thời kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan xem xét giải quyết những vướng mắc trong cơ chế, thủ tục…
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, năm 2024 đã đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội. Có được kết quả đó, chúng ta rút ra bài học là dự báo đúng trúng, chuẩn bị chu đáo, chỉ đạo kiên quyết, điều hành linh hoạt.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại cuộc họp |
Theo Bộ trưởng, năm 2025, việc xây dựng kế hoạch cần nhìn nhận cái gì tác động đến sản xuất cung ứng điện. Cụ thể, cần xét đến yếu tố như tăng trưởng kinh tế dự kiến hơn 7 % thì tăng trưởng điện phải đạt từ 11% trở lên (kịch bản cơ sở), các tháng cao điểm mùa khô còn phải tăng cao hơn.
Ngoài ra còn cần xem xét đến tăng trưởng nhu cầu điện năm 2025 và các yếu tố tác động như: Năm 2024, giải ngân của nhà đầu tư nước ngoài đạt khoảng 40 tỷ USD điều này sẽ kéo theo nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng nhanh, tăng cao năm 2025.
Ngoài ra tăng trưởng điện còn có tác động từ chuyển dịch đầu tư rất mạnh trên thế giới; Năm 2025 cũng sẽ có nhiều dự án trọng điểm quốc gia được hoàn thành, nhiều dự án được triển khai; Tác động từ Luật Điện lực sửa đổi dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp này; Tác động từ nhiều chính sách đã ban hành (cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế điện mặt trời áp mái...).
Bộ trưởng cho biết, Bộ đã xây dựng 3 kịch bản, nhưng lấy kịch bản cơ sở để điều hành với tăng trưởng phụ tải khoảng 11%, mùa khô tăng khoảng 12%.
Kế hoạch vận hành hệ thống và cung cấp điện năm 2025 cũng sẽ được rà soát, điều chỉnh hàng quý dựa trên sự điều hành hàng tháng theo hướng linh hoạt. Đi kèm kế hoạch cung cấp điện, sẽ có biểu đồ kế hoạch cung cấp than, khí.