Vì sao phải hình thành khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao?
Sau hơn 2 thập kỷ, dù Chính phủ đã có những chương trình, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) và TP. Hồ Chí Minh cũng tập trung cho phát triển CNHT bằng nhiều hình thức khác nhau song tới nay kết quả chưa đạt như kỳ vọng. Nhiều ý kiến cho rằng, để thúc đẩy CNHT cho thành phố trong giai đoạn tới, rất cần xây dựng khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao.
Công nghiệp hỗ trợ không có đột phá lớn
Hiện nay, theo đánh giá của các chuyên gia, phát triển CNHT của TP. Hồ Chí Minh còn nhỏ lẻ. CNHT chủ yếu là phục vụ sản xuất sản phẩm với yêu cầu công nghệ đơn giản, thay thế các thiết bị trong dây chuyền nhập khẩu, chưa thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị, phần lớn các sản phẩm hỗ trợ cho ngành phụ thuộc vào nhập khẩu.
CNHT tại TP. Hồ Chí Minh chưa có đột phá lớn. Ảnh minh họa |
Chỉ ra nguyên nhân CNHT của TP. Hồ Chí Minh chưa có đột phá lớn, TS Huỳnh Thanh Điền, Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng, quá trình phát triển CNHT của thành phố đang gặp phải nhiều hạn chế về công nghệ, kết nối giữa bên cung cấp và bên có nhu cầu, chính sách hỗ trợ, chất lượng nguồn nhân lực. Các khu/cụm công nghiệp của thành phố hiện đang phát triển theo hướng đa ngành, còn thiếu các khu phát triển CNHT công nghệ cao với cơ sở hạ tầng kỹ thuật phù hợp.
Trong khi đó, một ngành kinh tế bất kỳ được thiết lập bởi những công đoạn từ nguyên liệu thô, nguyên liệu sơ chế, tinh chế; đến các sản phẩm trung gian; sản phẩm đầu cuối; và phân phối đến người tiêu dùng. Để sản xuất ra sản phẩm đầu cuối cần sự tham gia của nhiều doanh nghiệp phân bố ở nhiều không gian khác nhau theo lợi thế so sánh của mỗi địa phương. Và trong chuỗi giá trị ngành thì vai trò của doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đầu cuối là rất quan trọng, chúng định hướng toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp khác trong chuỗi gía trị. Đó là doanh nghiệp nghiên cứu, thiết kế thương hiệu và lắp ráp sản phẩm đầu cuối.
“Doanh nghiệp nắm giữ sản phẩm đầu cuối có bộ máy hoạt động mạnh về nghiên cứu phát triển (R&D) và thương hiệu, đây là “công đoạn lõi” của ngành. Quá trình sản xuất của những doanh nghiệp đó tạo ra nhu cầu rất nhiều cho doanh nghiệp trong chuỗi giá trị. Quốc gia thu hút được nhiều doanh nghiệp sản phẩm đầu cuối mang thương hiệu riêng sẽ hình thành được chuỗi liên kết ngành hiệu quả. Khi đó, sự liên kết trong sản xuất kinh doanh sẽ chặt chẽ hơn, cơ hội làm ăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa tốt hơn, đơn hàng sản xuất ổn định hơn”, TS Huỳnh Thanh Điền nói.
Trong bối cảnh đó, để thúc đẩy CNHT của thành phố có đột phá và thu hút được doanh nghiệp CNHT, nhiều ý kiến cho rằng cần hình thành các khu/cụm với cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ. Đồng thời cần có cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia, điều kiện đầu vào, thị trường, và các dịch vụ hỗ trợ. Các yếu tố này sẽ được đặt trong bối cảnh quan hệ giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh lân cận. Bên cạnh đó, cần nhận diện các điều kiện tác động đến hoạt động của doanh nghiệp để thiết kế cơ chế chính sách phù hợp.
Khu CNHT ứng dụng công nghệ cao - xương sống cho sản xuất hiện đại
Theo TS Dương Minh Tâm - nguyên Phó trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (SHPT), theo chiến lược phát triển công nghiệp và hỗ trợ phát triển CNHT, TP. Hồ Chí Minh tập trung vào 4 lĩnh vực công nghiệp có thế mạnh phát triển. Vì vậy, ông cho rằng cần thiết hình thành khu CNHT ứng dụng công nghệ cao.
“Khu này sẽ giữ vai trò trọng yếu trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi kinh tế thành phố từ chiều rộng sang chiều sâu, hỗ trợ thúc đẩy nền sản xuất công nghiệp hướng đến ứng dụng công nghệ cao và sáng tạo công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao "Made by Vietnam". Đây không chỉ là khu phục vụ cho doanh nghiệp công nghệ cao, FDI hay tiếp sức cho các khu công nghệ cao mà còn là xương sống cho nền sản xuất hiện đại của thành phố”, TS Dương Minh Tâm nêu quan điểm.
Cùng chung quan điểm này, TS. Trương Thị Chí Bình - Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) - nhìn nhận: Phát triển khu CNHT ứng dụng công nghệ cao tại TP. Hồ Chí Minh là chủ trương mang tính cấp thiết và khả thi cao, nhất là trong bối cảnh hậu Covid, khi làn sóng chuyển dịch tìm kiếm nguồn cung cấp mới cho các ngành công nghiệp chế tạo đã diễn ra mạnh mẽ. Việt Nam là điểm đến được lựa chọn, cả trong đầu tư lẫn nguồn cung cấp thay thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy vậy, TS Bình cho biết, hiện chi phí thuê mặt bằng tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận ngày càng tăng cao, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn sau đại dịch, cơ hội cho doanh nghiệp chế tạo thuần Việt tham gia các khu công nghiệp/CNHT tại thành phố ngày càng hạn chế. Do vậy, với chủ trương này, thành phố cần cân nhắc các điểm ưu tiên chính, trong đó giá thuê đất, đối tượng thu hút đầu tư và các dịch vụ cần cung ứng của khu CNHT này là những điểm cần được quan tâm nhất.
Thùy Dương