|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thúc đẩy tài chính xanh, hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam

Sáng 27/11, tại Hà Nội, Báo Công Thương tổ chức tọa đàm với chủ đề "Thúc đẩy tài chính xanh - Hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam".

Động lực phát triển bền vững

Phát biểu tại hội thảo "Thúc đẩy tài chính xanh - Hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam", Phó Tổng Biên tập Báo Công Thương Nguyễn Tiến Cường nhấn mạnh, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng và Nhà nước. Tổng Bí thư Tô Lâm trong chuyên đề quan trọng về định hướng phát triển của đất nước: Kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam đã yêu cầu đẩy mạnh công nghệ chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực chính cho phát triển.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia tích cực, có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế khi Thủ tướng Chính phủ cam kết tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) về phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 và mục tiêu này tiếp tục được nhấn mạnh tại COP28.

Thúc đẩy tài chính xanh, hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam

Phó Tổng Biên tập Báo Công Thương Nguyễn Tiến Cường phát biểu tại hội thảo “Thúc đẩy tài chính xanh – Hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam”. Ảnh: Quốc Chuyển

Theo Phó Tổng Biên tập Nguyễn Tiến Cường, tài chính xanh được xem là một phương thức quan trọng mà các nước trên thế giới và Việt Nam đều chú trọng để hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần nguồn lực rất lớn, khoảng 368 tỷ USD cho cả giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2040, tương đương 20 tỷ USD mỗi năm để đạt mục tiêu về tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh.

"Điều này đòi hỏi phải có các cơ chế, chính sách và giải pháp huy động nguồn vốn trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển thị trường tài chính xanh, khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực xanh. Bên cạnh nguồn tài chính phục vụ cho tăng trưởng xanh như từ ngân sách nhà nước hay các nguồn vốn vay, hỗ trợ từ các nước, hay các định chế, tổ chức tài chính quốc tế; để phát triển thị trường tài chính xanh thì Việt Nam cần phát triển song hành cả thị trường vốn xanh và thị trường tín dụng xanh", ông Cường nhấn mạnh.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi năm 2023 được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 20/6/2023, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Song song với đó, Nghị định số 55/2024/NĐCP ngày 16/5/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cùng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Nhằm thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu quả và kịp thời đưa luật vào đời sống, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật. Bộ Công Thương đã chủ động và tăng cường triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, tập huấn pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hướng tới đông đảo người tiêu dùng, các cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương để nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thúc đẩy tài chính xanh, hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Quốc Chuyển

Theo ông Nguyễn Tiến Cường, trong những năm gần đây, vấn đề bảo vệ người tiêu dùng tài chính đang ngày càng nhận được sự quan tâm ở Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới. Thực tế, người tiêu dùng tài chính là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương vì phần lớn họ luôn phải đối diện với rất nhiều rủi ro trong quá trình sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính.

Trong khi đó, các sản phẩm và dịch vụ tài chính tại Việt Nam trong những năm gần đây phát triển nhanh chóng cả về số lượng và hình thức tiếp cận khiến nhiệm vụ bảo vệ người tiêu dùng tài chính trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Việc này đòi hỏi sự chung tay của các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính cũng như các cơ quan có thẩm quyền.

Hội thảo "Thúc đẩy tài chính xanh - Hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam" được kỳ vọng tìm ra những giải pháp phù hợp, tạo điều kiện cho ngành tài chính phát triển bền vững tại thị trường Việt Nam và hướng đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tài chính.

Ngân hàng tiên phong dẫn vốn trong cuộc "cách mạng xanh"

Tại hội thảo, các chuyên gia đã tập trung thảo luận các vấn đề: Phát triển tài chính xanh đóng góp vào tăng trưởng xanh và bền vững tại Việt Nam; Xây dựng và phát triển các dịch vụ tài chính xanh cũng như các chiến lược quản trị rủi ro về môi trường trong quá trình hoạt động kinh doanh; Nâng cao hiểu biết tài chính cho người dân và doanh nghiệp; Tạo lập hành lang pháp lý công bằng và có hiệu lực cho hoạt động, giám sát và bảo vệ người tiêu dùng, đảm bảo người tiêu dùng được cung cấp đầy đủ thông tin và đối xử công bằng.

Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng, những năm gần đây, tài chính bền vững đã trở thành chủ đề nóng trên toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh các quốc gia nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế xanh để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thúc đẩy tài chính xanh, hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Quốc Chuyển

Tại Việt Nam, khái niệm ESG - khung đánh giá nhằm đo lường tính bền vững và trách nhiệm đối với môi trường, xã hội của doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở một xu hướng mới mà đã trở thành mục tiêu phát triển dài hạn của nhiều ngành, đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng.

Ngành ngân hàng Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc cam kết thực hiện ESG. Những nỗ lực này bắt nguồn từ sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, thể hiện qua hàng loạt chính sách và quy định pháp lý được ban hành.

Một trong những điểm sáng đầu tiên là Chỉ thị số 03 của Ngân hàng Nhà nước, khuyến khích tăng trưởng tín dụng xanh và yêu cầu các ngân hàng quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong các hoạt động cấp tín dụng. Tiếp theo là các chính sách đặt trọng tâm vào việc thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2030. Đặc biệt, Thông tư 17/2022 là bước ngoặt quan trọng, yêu cầu các tổ chức tín dụng đánh giá tác động môi trường trong mỗi khoản vay, buộc các ngân hàng phải nghiêm túc triển khai.

"Những chính sách này đã tạo nền tảng để các ngân hàng tại Việt Nam xây dựng hệ thống quản lý rủi ro môi trường", ông Hùng nói và thông tin, tính đến tháng 6/2024, tổng dư nợ tín dụng xanh đạt 680.000 tỷ đồng, chiếm 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Con số này đánh dấu một bước tiến lớn so với năm 2017, khi tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh chỉ chiếm 3,5%.

Thúc đẩy tài chính xanh, hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam
Ông Phạm Ngọc Khang - Tổng giám đốc Home Credit Việt Nam trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Quốc Chuyển

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Ngọc Khang - Tổng giám đốc Home Credit Việt Nam cho biết, Home Credit xem yếu tố môi trường là nền tảng của chính sách phát triển bền vững. Báo cáo phát triển bền vững năm 2023 cho thấy, công ty đã tiết kiệm 84 triệu tờ giấy (tương đương khoảng 420 tấn) nhờ dịch chuyển khách hàng sang không gian số. Doanh nghiệp cũng đo lường và kiểm soát các chỉ số như năng lượng tiêu thụ, lượng khí thải carbon và cách thức di chuyển của nhân viên để giảm thiểu tác động môi trường.

Ở khía cạnh xã hội, Home Credit lấy con người làm trung tâm, không chỉ tập trung vào lợi nhuận mà còn chú trọng cải thiện phúc lợi và môi trường làm việc cho nhân viên. Các sáng kiến như Home Love và Home for Life không chỉ mang lại giải pháp tài chính toàn diện cho khách hàng mà còn góp phần giảm thiểu bất bình đẳng trong cộng đồng. Đặc biệt, công ty tập trung cung cấp các sản phẩm tài chính dễ tiếp cận cho những người chưa được phục vụ bởi các dịch vụ ngân hàng truyền thống.

"Chuyển đổi số được xác định là đòn bẩy mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng xanh. Home Credit tận dụng các nền tảng số để nâng cao trải nghiệm khách hàng, cung cấp các giải pháp tài chính tiên tiến, đồng thời thúc đẩy tiêu dùng có trách nhiệm. Các chương trình giáo dục tài chính trực tuyến của công ty hướng tới việc truyền đạt kỹ năng quản lý tài chính cho nhiều đối tượng, từ đó thúc đẩy tài chính toàn diện và hỗ trợ sinh kế bền vững.

Những nỗ lực này không chỉ giúp Home Credit giảm thiểu tác động môi trường mà còn tạo dựng một mô hình kinh doanh gắn kết và bền vững, đặt nền móng cho sự phát triển dài hạn của ngành tài chính tiêu dùng tại Việt Nam", Tổng giám đốc Home Credit Việt Nam Phạm Ngọc Khang nhấn mạnh.

Nguyên Thảo - Minh Trang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết