|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát huy vai trò của mạng lưới an toàn vệ sinh viên tại NMNĐ Thái Bình 2

Việc tăng cường các biện pháp để đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ – PCCN) đã trở thành nhiệm vụ xuyên suốt, hàng đầu, gắn liền với các hoạt động sản xuất kinh doanh của Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Với đặc thù của một đơn vị sản xuất năng lượng điện, trong quá trình vận hành Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn lao động và cháy nổ. Do đó, ngay từ những ngày đầu mới tiếp nhận quản lý vận hành Nhà máy từ Ban QLDA, Công đoàn Nhà máy đã đề nghị Giám đốc Nhà máy ra quyết định thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên. Mỗi tổ, mỗi kíp sản xuất đều có thành viên của mạng lưới an toàn vệ sinh viên.

Những thành viên của mạng lưới an toàn vệ sinh viên là người lao động trực tiếp, am hiểu chuyên môn và kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động; tự nguyện và gương mẫu trong việc chấp hành các quy định an toàn, vệ sinh lao động và được người lao động trong tổ bầu ra, các thành viên mang lưới ATVSV thường xuyên được bồi dưỡng, huấn luyện chuyên sâu về kiến thức an toàn vệ sinh lao động và họ đã phát huy vai trò nòng cốt, thường xuyên kiểm tra nhắc nhở, đôn đốc người lao động trong tổ, ca, kíp của mình thực hiện nghiêm túc các quy trình, quy phạm về an toàn vệ sinh lao động.

Để giúp người lao động thường xuyên được cập nhật những quy định chung trong công tác an toàn lao động và phòng chống cháy nổ, Nhà máy đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các đợt tập huấn, nâng cao kiến thức về an toàn vệ sinh lao động. Nhà máy cũng thường xuyên tuyên truyền công tác an toàn vệ sinh lao động bằng việc phổ biến rút kinh nghiệm các vụ tai nạn trong tranh, về các nguy cơ rủi ro, mất an toàn lao động cũng như các biện pháp kiểm soát các yếu tố rủi ro, có hại tại nơi làm việc; Tuyên truyền Luật An toàn, vệ sinh lao động; Cảnh báo về tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, phổ biến những cách làm hay, mô hình quản lý tốt, có hiệu quả cao về công tác an toàn vệ sinh lao động

 

Không những vậy, định kỳ hàng tháng, Công đoàn Nhà máy tổ chức họp định kỳ kiểm điểm tình hình hoạt động của mạng lưới ATVSV. Mới đây, ngày 15/10/2024, Ban Chấp hành Công đoàn Nhà máy đã tổ chức cuộc họp kiểm điểm tình hình triển khai hoạt động của mạng lưới ATVSV Nhà máy tháng 8, 9 năm 2024.

Toàn cảnh cuộc họp

Chủ trì cuộc họp có đồng chí Đinh Văn Ngọc – Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Nhà máy, các đồng chí trong Ban Chấp hành Công đoàn Nhà máy, các đồng chí lãnh đạo các phòng, phân xưởng và các đồng chí trong mạng lưới ATVSV Nhà máy.

Tại buổi họp, đại diện Ban Chấp hành Công đoàn phụ trách về ATVSV đã trình bày các nội dung liên quan đến cuộc họp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của các công đoàn bộ phận các phân xưởng, tổ công đoàn các phòng về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, thực hiện theo quy chế hoạt động của mạng lưới ATVSV. Đai diện công đoàn bộ phận các phân xưởng, tổ công đoàn các phòng trình bày các nội dung liên quan đến phạm vi công việc mình quản lý, đề xuất các phương án trình lãnh đạo Nhà máy xem xét, phê duyệt.

Đồng chí Đinh Văn Ngọc – Chủ tịch Công đoàn NMNĐ Thái Bình 2 phát biểu tại buổi họp

Thay mặt Công đoàn Nhà máy, đồng chí Đinh Văn Ngọc nhấn mạnh, tuy rằng các đồng chí trong mạng lưới ATVSV là kiêm nhiệm, nhưng đã luôn chủ động và tích cực trong công việc của mình. Đồng chí cũng đề xuất phương án thành lập các tổ chuyên môn để xử lý các tồn đọng, tăng cường sự phối hợp, trao đổi, nắm bắt thông tin kịp thời giữa phòng kỹ thuật an toàn môi trường/tổ an toàn với các phân xưởng, các phòng chuyên môn, mạng lưới ATVSV để xử lý công việc được nhanh chóng, hiệu quả, tránh lãng phí.

Có thể nói, hoạt động của mạng lưới ATVSV tại Nhà máy chính là một hình thức hoạt động của NLĐ về ATVSLĐ nhằm giúp NLĐ tham gia giám sát việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ tại nơi làm việc. Hoạt động này nhằm phát hiện, ngăn ngừa kịp thời những hiện tượng, những biểu hiện vi phạm các quy định về ATVSLĐ và những nguy cơ mất an toàn tại nơi làm việc, góp phần phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Điều này thể hiện rõ nét tính chất quần chúng trong công tác ATVSLĐ tại cơ sở.

Thông qua mạng lưới ATVSV, Ban Chấp hành Công đoàn Nhà máy nắm bắt kịp thời, đầy đủ tình hình công tác ATVSLĐ, nắm được những nguy cơ rủi ro và những vi phạm của NLĐ trong việc chấp hành các quy định về ATVSLĐ để kịp thời uốn nắn, tuyên truyền cho NLĐ và tăng cường mối quan hệ chặt chẽ giữa công đoàn và chuyên môn, giữa công đoàn và NLĐ trong công tác ATVSLĐ.

Đăng Hùng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết