JETP ở Nam Phi, Indonesia và Việt Nam - Phân tích từ Hoa Kỳ
Từ sau COP26, hợp tác Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) đang được ca ngợi như phương pháp nước giàu cấp tài chính cho các nước nghèo để thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch. Nhưng TS. Sean Sweeney của Đại học Thành phố New York [*] lại có góc nhìn khác về thỏa thuận này. (Tổng hợp của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam).
Trong thế giới phức tạp của “tài chính khí hậu”, các thỏa thuận JETP được coi là giải pháp tốt nhất. Những người thiết kế và ủng hộ JETP nói rằng, họ đưa ra “một khái niệm cung cấp tài chính mới” và “một khuôn mẫu cho sự hỗ trợ chuyển đổi năng lượng trên toàn thế giới”.
Tất cả bắt đầu từ COP26 ở Glasgow vào tháng 11/2021 - khi các thỏa thuận JETP giữa các nước giàu đại diện bởi Nhóm đối tác quốc tế (IPG) và Nam Phi đạt được đồng thuận. Sáu tháng sau (tháng 6/2022), các lãnh đạo G7 tuyên bố các thỏa thuận JETP khác đang được đàm phán (bao gồm Indonesia và Việt Nam). Tháng 11/2022, Ai Cập tham gia nhóm và Senegal ký vào tháng 6/2023. Các thỏa thuận JETP với Bờ biển Ngà, Colombia, Ấn Độ, Kenya, Morocco, Nigeria, Thái Lan, Kazakhstan, Mông Cổ và Philippines cũng đang được đàm phán.
Trong mỗi thỏa thuận, mục tiêu của JETP là “huy động” tài chính ở cả hai dạng vốn vay ưu đãi, vốn vay thương mại để giúp các nước nghèo chuyển dịch khỏi năng lượng than và thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo một cách công bằng. Lượng tài chính cam kết theo JETP cho Nam Phi là 8,5 tỷ USD, Việt Nam 15,5 tỷ USD, Indonesia 20 tỷ USD. Các con số đó cho thấy, các nước giàu, sau nhiều năm hứa hẹn mơ hồ, cuối cùng đã bắt đầu thực hiện nghĩa vụ của mình theo Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC): “Cung cấp nguồn lực tài chính để hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc thực hiện các mục tiêu của UNFCCC”.
Việc các công ty tài chính tư nhân cam kết liên kết với các chính phủ trong xây dựng và thực hiện các thỏa thuận JETP đã tăng trọng lượng chính trị các nỗ lực đưa JETP trở thành hình mẫu cho việc cung cấp tài chính cho chuyển đổi năng lượng. Tại COP26, Liên minh Tài chính Glasgow vì Net zero (GFANZ) - liên minh 550 tập đoàn có tài sản 130 nghìn tỷ USD tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ JETP với nguồn tài chính và chuyên môn nhằm “chuyển đổi kinh tế toàn cầu đến Net zero”.
Đừng phê bình JETP:
JETP được các tổ chức môi trường phi chính phủ (NGO), các nhóm chính sách tự do, một số công đoàn ở các nước giàu ủng hộ mạnh mẽ. Vào năm 2022, tại COP27, Tổng thư ký Liên hiệp Công đoàn quốc tế Sharan Burrow ca ngợi thỏa thuận JETP với Nam Phi như là “mô hình phải được nhân rộng khắp nơi” vì công đoàn có được tiếng nói trong thỏa thuận này. Viện Phát triển hải ngoại tuyên bố: “Hiện tại không có cơ chế nào khác để mở khóa nguồn tài chính quốc tế cần thiết nhằm loại bỏ các nhà máy điện than ở Nam Phi, đào tạo lại các công nhân và hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương ở các vùng đang khai thác than”.
Nhưng sự ủng hộ đối với JETP (dù là mới tạm thời) đang bị đặt sai chỗ, vì mấy lý do sau:
Thứ nhất: Trong khi JETP được kỳ vọng là sẽ dẫn đầu một quá trình “đẩy nhanh phi carbon hóa tại các nước thu nhập trung bình có phát thải cao”, chúng lại không thể giảm sử dụng than một cách đáng kể. Tiêu thụ than của thế giới ngày nay đang ở đỉnh cao nhất trong lịch sử và là nguồn phát thải CO2 lớn nhất. Giảm sử dụng than sẽ tạo ra những lợi ích cho khí hậu. Nhưng ba nước chủ yếu của JETP (Nam Phi, Indonesia và Việt Nam) cộng lại chỉ tiêu thụ 4,3% lượng than trên toàn cầu, trong khi chỉ ba nước IPG là Mỹ, Nhật Bản, Đức đã tiêu thụ 12,5% lượng than toàn cầu hàng năm.
Nếu các nước giàu thực sự muốn giảm lượng than sử dụng, họ phải ngừng xuất khẩu than. Nhưng Australia đang xuất khẩu 80% lượng than khai thác được, chủ yếu sang Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Mỹ cũng là nước xuất khẩu 80 triệu tấn than một năm, bằng khoảng 14% lượng than sản xuất ở Mỹ.
Hợp pháp hóa quá trình tư nhân hóa:
Thứ hai: Khía cạnh chuyển đổi “công bằng” của JETP thiếu cơ sở. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã đảm bảo nguyên tắc chuyển đổi công bằng trong Thỏa thuận Paris. Ở Nam Phi, Indonesia, các tổ chức công đoàn và nhóm xã hội dân sự được mời để tham gia vào thảo luận việc thực hiện JETP. Tuy nhiên, vị trí của họ trong đàm phán hầu như không thể ngăn được tư nhân hóa năng lượng.
Ở Nam Phi, từ đầu tháng 2/2019 (khoảng ba năm trước khi JETP được công bố), Tổng thống Cyril Ramaphosa cho biết, Chính phủ của ông ta sẽ “cùng với công đoàn, Eskom (công ty điện lực công cộng) lãnh đạo quá trình vạch ra các chi tiết cho chuyển đổi công bằng”. Tuy nhiên, cũng ngay trong diễn văn đó, ông Ramaphosa đưa ra việc chia tách Eskom “nhằm dễ dàng tăng nguồn tiền cho các khâu vận hành của công ty từ các nhà tài trợ và thị trường”.
Nhận thức việc chia tách thường là bước một trong quá trình tư nhân hóa do Ngân hàng Thế giới dẫn dắt, các công đoàn đã chống lại quyết định của Chính phủ và hiện họ vẫn làm như vậy. Công đoàn Quốc gia của những Thợ mỏ (NUM) kêu gọi hủy các hợp đồng mua điện với các công ty điện gió và mặt trời tư nhân mà làm thiệt hại cho Eskom khoảng 5,2 triệu USD/ngày. Phong trào công đoàn Nam Phi đã yêu cầu ông Ramaphosa phải cân nhắc cách tiếp cận khác cho phép Eskom trở thành công ty sản xuất năng lượng tái tạo.
Nhưng phản đối của công đoàn không được tiếp thu. Mong muốn hỗ trợ Tổng thống Ramaphosa, nhóm IPG đã đưa ra 8,5 tỷ USD trong JETP, với điều kiện phải tạo ra “môi trường thuận lợi thông qua cải cách ngành điện, như chia tách công ty điện lực”.
Tại Indonesia, trong cuộc chiến tương tự của công đoàn chống lại tư nhân hóa, các công đoàn ngành năng lượng đã kháng cáo thành công lên Tòa án Hiến pháp vào năm 2016 để ngừng quá trình mở rộng tư nhân hóa các công ty điện lực (các nhà sản xuất điện độc lập, hay IPP) trong ngành điện của đất nước này. Các công đoàn biện hộ là việc tăng cường các IPP vi phạm Điều 33 của Hiến pháp Indonesia - đảm bảo là ngành năng lượng và các dịch vụ thiết yếu khác sẽ nằm dưới quyền kiểm soát của Nhà nước Indonesia. Tòa án đã đồng ý, nhưng Chính phủ sẽ không từ bỏ. Một đạo luật điều chỉnh năm 2020 cho phép sự hiện diện của các nhà sản xuất điện tư nhân và hợp tác bên cạnh công ty điện lực nhà nước PLN (Perusahaan Listrik Negara). Ngôn ngữ của luật có vẻ vô hại, nhưng thực hiện luật sẽ đem lại nhiều thay đổi.
Sau khi có thông báo về thỏa thuận JETP với Indonesia, các công đoàn được mời đến để đưa ra ý kiến. Giống như ở Nam Phi, bản thân JETP không phải là thỏa thuận mở cho thảo luận và việc tư nhân hóa cũng không bàn cãi, thay vì đó, phong trào công đoàn được mô tả là “bên có liên quan” để “giám sát và đảm bảo việc thực thi JETP tuân thủ các nguyên tắc của chuyển đổi công bằng”.
Tất cả được tô điểm:
Thứ ba: Để bi quan về JETP là hiện trạng của việc cung cấp tài chính. Mặc dù ngôn ngữ rất to lớn, việc tài trợ cho gói dự án đầu tiên của JETP vẫn không thấy đâu.
Một số báo cáo đã cố giải thích sự chậm trễ này. Báo cáo chỉ ra “thiếu sự kế tiếp” từ cả phía IPG và phía các nước chủ nhà vốn lo sợ “rủi ro ảnh hưởng đến tinh thần hợp tác”.
Tờ Financial Times cho rằng: “Thiếu sự hỗ trợ nhất quán từ các ngân hàng phát triển đa phương (MDB) và việc công bố các thỏa thuận quá sớm từ các lãnh đạo chính trị trước khi dự án được tài trợ. Vì thế, rất dễ dàng để ai đó muốn loại bỏ JETP như một tín hiệu của sự thờ ơ và keo kiệt của các nước giàu”.
Mặt khác, một nghiên cứu của Viện Brookings mô tả những rào cản như “những lực lượng trong công đoàn và doanh nghiệp - nơi gắn với nền kinh tế carbon cũ”. Dù thế nào đi nữa, JETP đã được tô điểm, nhưng có thể không đi được đến đâu cả.
Trong gói trộn lẫn:
Những lời giải thích trên vẫn chưa đủ cho những gì đang xảy ra (hoặc chưa xảy ra) với JETP. Cần nghiên cứu sâu hơn về tài chính khí hậu.
Theo nguyên tắc “trách nhiệm chung, nhưng có phân biệt theo năng lực tương ứng” được chấp nhận vào những giai đoạn đàm phán từ những năm đầu thập kỷ 1990 trong UNFCCC, các nước giàu chấp nhận “nhu cầu cấp thiết để tăng cường cung cấp tài chính, công nghệ và hỗ trợ tăng cường năng lực” từ các nước phương Bắc cho các nước đang phát triển phương Nam. Trách nhiệm rõ ràng này đã dần được thay đổi về câu chữ, mặc dù chưa chính thức. Thay vì cung cấp tài chính, các nước giàu bắt đầu nói về cung cấp tiếp cận đến tài chính - điều hoàn toàn khác với khái niệm ban đầu.
Thay đổi không rõ ràng này bắt đầu nổi lên vào cuối năm 2009 ở COP15 tại Copenhagen - khi ngoại trưởng Mỹ lúc đó, bà Hillary Clinton thông báo là các nước giàu sẽ cùng nhau cung cấp 100 tỷ USD hàng năm vào năm 2020 từ “các nguồn khác nhau, chính phủ và tư nhân”.
Nói cách khác, các nước giàu không muốn tài chính khí hậu trở thành phần mở rộng của “viện trợ nước ngoài chính thức (ODA)” với phần lớn không hoàn lại. Họ muốn khoản tài chính này phải ở dạng cho vay.
Đến lúc Hiệp định Paris được ký vào năm 2015, rõ ràng là tài chính khí hậu chảy từ phía Bắc xuống phía Nam ít đến mức nó trở thành sự khó xử ngoại giao cho các nước giàu. Ngân hàng Thế giới xoay trục sang sử dụng tín dụng phát triển để kích thích đầu tư tư nhân bổ sung - được gọi là tài chính hỗn hợp để đạt được cả hai mục tiêu khí hậu và phát triển bền vững. Ngân hàng Thế giới tin rằng, hàng tỷ USD của tài chính cho phát triển sẽ mở khóa hàng nghìn tỷ USD từ các nhà đầu tư tư nhân.
Thuyết phục bởi các con số:
Chính mô hình tài chính hỗn hợp “tỷ đô la thành nghìn tỷ đô la” này đang nằm trong cốt lõi của JETP. Chương trình trộn vay thương mại (lãi suất theo thị trường), vay ưu đãi và viện trợ không hoàn lại. Vay ưu đãi cho lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường và ân hạn có thể lên tới mấy năm - một hình thức “giảm giá của JETP”. Trộn nó với vay thương mại và như thế họ đã mở rộng nguồn tài chính tư nhân. Giới tinh hoa ở Nam Phi, Indonesia tin vào mô hình này và đã chào đón JETP với mức độ nhiệt tình ngang với các nước giàu.
Nhưng tại COP26 ở Glasgow, sáu năm sau khi công thức “tỷ đô la thành nghìn tỷ đô la” được khởi động, một nghiên cứu của Liên hợp quốc cho thấy: Dòng tiền thấp hơn 100 tỷ đô la nhiều, và sự thật là cứ 4 USD của ngân hàng phát triển cam kết, chỉ có chưa đầy 1 USD được các nhà đầu tư tư nhân thêm vào.
Năm 2021, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tính toán rằng: “Các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi” (EMDE) chiếm 2/3 dân số thế giới, nhưng chỉ 1/5 lượng đầu tư vào năng lượng sạch” do “những thách thức dai dẳng trong huy động tài chính”. Nhưng cái “thách thức dai dẳng” ấy chỉ tập trung vào một điểm: “Không đủ lợi nhuận”.
Theo một nhà phân tích: “Đối với một nhà đầu tư tư nhân, môi trường đầu tư rất quan trọng… Thường là ở nước có thu nhập thấp, rủi ro không tương xứng với lợi nhuận”.
Điều đó giải thích tại sao JETP đang bị mòn dần. Từ phía nhà đầu tư tư nhân, trên cơ sở từng dự án một, lợi nhuận phải tương ứng với đầu tư vào các nước giàu. Tại sao phải nhận thêm rủi ro dự án nếu như ở các nước giàu có các cơ hội đầu tư ít rủi ro hơn?
Ngân hàng Thế giới, và bây giờ là IPG, GFANZ hy vọng rằng: Vay lãi suất mềm sẽ làm cho các dự án năng lượng sạch sẽ “được ngân hàng chấp nhận”, nhưng bằng chứng cho thấy khoảng cách giữa mức lợi nhuận ở các nước giàu và nước nghèo thường quá rộng.
Nói cách khác, “môi trường thuận lợi” không đủ “thuận lợi”. Điều đó cũng giải thích tại sao các ngân hàng phát triển cũng khá dè dặt trong việc chuyển cam kết thành tiền, bởi nếu không có nguồn vốn tư nhân, các ngân hàng phát triển biết các nước đang phát triển vốn đã gánh chịu nợ nần sẽ phải lo về chuyển dịch bảng cân đối tài chính trước khi lo cho chuyển dịch năng lượng.
Làm thế nào để thúc đẩy?
Như được thuyết phục ban đầu, tài chính khí hậu có ý định giúp trả món nợ sinh thái của các nước giàu cho các nước nghèo, chứ không phải thêm món nợ vào tài chính vào bảng cân đối tài chính của họ. Trong trường hợp Indonesia, khoảng 20% của gói tài chính 20 tỷ USD được dự tính là vay lãi suất thương mại, còn lại khoảng 70% là lãi suất ưu đãi. Nhưng kể cả vay ưu đãi cũng phải trả nợ và lãi. Về điều này, bà Tiza Mafira của tổ chức Sáng kiến Chính sách Khí hậu (CPI) ở Indonesia nhận xét: “Các khoản vay ưu đãi cần đi qua các ngân hàng phát triển đa quốc gia (MDB) và các ngân hàng này đòi hỏi phải có bảo lãnh của chính phủ. Vậy Indonesia phải dành ra 8,4 tỷ USD để bảo lãnh nhằm tiếp cận vốn vay ưu đãi (trong JETP)”.
Tuy nhiên, trong trường hợp Nam Phi, không dưới 80% tài chính của JETP sẽ là vốn vay thương mại, do đó sẽ tạo ra món nợ tương đối lớn với một đất nước mà Chính phủ đang theo đuổi chương trình thắt lưng buộc bụng khi tỷ lệ thất nghiệp vào tháng 2/2024 lên tới 32%.
Việt Nam có vẻ khá hơn một chút, gần 70% tài chính từ nhóm IPG là vốn vay thương mại, vốn vay ưu đãi chỉ chiếm chưa đến 25%.
Đối mặt với những thực tế đó, sẽ là sai lầm khi đổ lỗi (như một số tổ chức tiến bộ đang làm) cho chính phủ các nước đang phát triển khi JETP gặp rắc rối. Bất cứ chính sách nào mà đòi hỏi các nước đang phát triển phải chịu nợ nhiều hơn đều không “công bằng”, đặc biệt là khi mục tiêu là tạo ra “sản phẩm công cộng toàn cầu” dưới dạng giảm phát thải. Nếu giảm dùng than thực sự là sản phẩm công cộng toàn cầu, thế thì tại sao Nam Phi, Indonesia và Việt Nam lại phải chịu trách nhiệm về mặt tài chính cho việc cung cấp sản phẩm đó?
Nhưng khủng hoảng tài chính khí hậu - dù hỗn hợp hay không - có tác động đến toàn cầu. Như nhà tiên tri “phát triển xanh” Lord Nicholas Stern và những người đồng chính kiến nhấn mạnh trong nghiên cứu năm 2022: Mục tiêu tài chính 100 tỷ USD/năm của Ngoại trưởng Clinton được đàm phán bởi những nhà chính trị và ngoại giao, “nó không được rút ra từ các phân tích xem cái gì là cần thiết”.
Nói một cách khác, rất nhiều tiền cần được “mở khóa” nếu cần phải đạt các mục tiêu chuyển đổi năng lượng.
Nghiên cứu cho thấy: Các nước đang phát triển (trừ Trung Quốc), sẽ cần tiêu khoảng 1 nghìn tỷ USD mỗi năm (4,1% GDP) cho đến 2025 và khoảng 2,4 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Hơn nữa, “khoảng một nửa số tài chính đó được dự tính có thể đến từ nguồn địa phương”, nhưng năm 2030 sẽ cần khoảng 1 nghìn tỷ USD tài chính từ bên ngoài.
Câu hỏi nghìn tỷ đô la là: Nếu tài chính hỗn hợp cho đến nay không có khả năng huy động đầu tư tư nhân vào các nước đang phát triển, làm thế nào để hy vọng nó sẽ phát triển tốt hơn trong tương lai?
Nhận nợ, trao chủ quyền:
Trong các điều kiện của JETP có vấn đề tư nhân hóa.
Một trong những hiểu nhầm đi cùng JETP là ý tưởng tiền từ các nước giàu có sẵn trên bàn và thật là ngu ngốc nếu không sử dụng tiền đó để tăng tốc chuyển đổi năng lượng. Nhưng các thỏa thuận JETP khá rõ ràng: Các nước nhận tài chính đầu tiên phải xây dựng một kế hoạch đầu tư và thực hiện trước khi tiếp cận tài chính được cam kết bởi các nhà tài trợ.
Nam Phi, Indonesia và Việt Nam đã tuân thủ yêu cầu này của IPG và nội dung của kế hoạch thực hiện đang được công bố.
Thứ nhất: Tại mỗi nước, tài chính của JETP chỉ là một phần nhỏ nhu cầu. Theo kế hoạch thực hiện, Nam Phi đến năm 2030 sẽ cần 65 tỷ USD và Indonesia sẽ cần khoảng 97,1 tỷ USD đầu tư vào ngành điện (theo kịch bản JETP). Còn kế hoạch của Việt Nam dự tính cần 134,7 tỷ USD từ các nguồn trong nước và quốc tế đến năm 2030.
Thứ hai: Giới lãnh đạo quốc gia, ngược với bằng chứng, có vẻ tin nguồn tài chính của JETP có thể “làm xúc tác” cho đầu tư tư nhân. Theo ông Daniel Mminele, trưởng Nhóm công tác Tài chính khí hậu của Tổng thống Nam Phi: Gói JETP “không đủ để tài trợ cho chuyển đổi năng lượng”, nhưng những đồng đô la JETP sẽ “bị lấn át bởi những gì đang có trên thị trường vốn tư nhân - chúng ta cần xây dựng cơ chế để huy động những hình thức tài chính đó để đầu tư vào chuyển đổi công bằng ở Nam Phi”.
Nhưng những “cơ chế” sẽ khiến 8,5 tỷ đô la chủ yếu là vốn vay thương mại ấy “mở khóa” hơn 10 lần số đó nhằm có đủ số chi phí chuyển đổi đến 2030? Tương tự như vậy, kế hoạch thực hiện của Indonesia thấy 20 tỷ đô là của JETP như là “xúc tác quan trọng”. Nhưng làm thế nào để 20 tỷ đô la vốn vay có thể “cuốn hút” số vốn đầu tư gấp 5 lần số đó?
Thứ ba: Các nhà tài trợ IPG và GFANZ đã nêu rõ điều kiện tiếp cận tới JETP là nước chủ nhà phải có khả năng tạo ra một “môi trường thuận lợi cho kinh tế tư nhân” và theo đuổi “chiến lược cải cách chính sách cả trong ngành năng lượng và tài chính để kích thích đầu tư” theo “định hướng thị trường”.
Như ở trên đã thấy, trong trường hợp Nam Phi, thỏa thuận JETP kêu gọi chia tách công ty điện lực nhà nước (Eskom) - là khởi đầu rõ ràng cho tư nhân hóa. Ngôn ngữ tương tự được sử dụng trong thỏa thuận với Indonesia và Việt Nam. Nhóm GFANZ coi tài chính của tư nhân phụ thuộc vào “cải cách chính sách liên tục” và “kế hoạch rõ ràng cho các dự án đấu thầu cạnh tranh”. Chỉ khi đó, con số 7,75 tỷ USD thành hiện thực. Thay vì là “yếu tố thay đổi cuộc chơi”, JETP kéo dài cuộc chơi của tài chính khí hậu cho đến khi quá muộn.
Do đó, thật là không may khi những người có tư tưởng tiến bộ lại phê phán công đoàn khi họ chống lại JETP. Ví dụ giáo sư Adam Tooze phê phán công đoàn NUM của Nam Phi là họ không nghĩ đến điều tốt đẹp lớn hơn. Ông Tooze viết: “Công đoàn đại diện cho 50.000 công nhân với tiếng nói mạnh mẽ và đang ôm chặt lấy hệ thống vô chủ hiện tại. Có 2,5 triệu người sống trong các cộng đồng liên quan đến mỏ than. Nhưng Nam Phi là dân tộc có 60 triệu người cần điện. Điện năng lượng tái tạo là tương lai rẻ”.
Nguồn vốn của JETP mời các nước nghèo vay tiền để tài trợ cho chuyển đổi năng lượng và do đó làm cho nước nghèo nợ nhiều hơn so với kịch bản họ vẫn phát triển bình thường. Trong khi đó, các ngân hàng phát triển, các nhà đầu tư tư nhân và các chính phủ nước giàu đặt điều kiện là các nước nghèo phải tạo ra “môi trường thuận lợi” cho kinh tế tư nhân, bao gồm cả tư nhân hóa hệ thống năng lượng. Nhưng nếu như môi trường thuận lợi không đủ thuận lợi? Cái gì sẽ xảy ra nếu kinh tế tư nhân không tham gia?
Những câu hỏi này chưa được trả lời, vì không có câu trả lời nào đủ sức thuyết phục. Bằng chứng mạnh mẽ cho thấy: Sẽ không qua được bài thử thách “huy động”, JETP sẽ không “kích thích” được bất kỳ nguồn vốn đáng kể nào. Câu chuyện buồn về tài chính khí hậu - hỗn hợp hay không - sẽ tiếp tục. Với các nước đang phát triển, rủi ro đối với chủ quyền năng lượng và an ninh năng lượng khá lớn. Đối với thế giới, rủi ro còn lớn hơn.
[*] Tác giả: TS. Sean Sweeney - Giám đốc Chương trình quốc tế về lao động, khí hậu và môi trường tại Trường Lao động và Nghiên cứu đô thị - Đại học Thành phố New York (CUNY)./.
ĐÀO NHẬT ĐÌNH - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM (TỔNG HỢP, LƯỢC DỊCH)
Tài liệu tham chiếu: “Just Energy Partnerships” Are Failing https://jacobin.com/2024/05/just-energy-partnerships-climate-finance