EVN chủ động ứng phó thiên tai năm 2025
Nhằm đảm bảo cung cấp điện năm 2025 an toàn ổn định, EVN đang triển khai nhiều giải pháp ứng phó với thiên tai, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tới hệ thống điện.
Thiên tai diễn biến phức tạp
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như mưa lớn cục bộ, lũ quét và sạt lở đất có xu hướng tăng cao về tần suất và mức độ trong năm 2025. Đầu tháng 5, đã ghi nhận lượng mưa lớn đột biến, điển hình như Tả Lèng (Lai Châu) với 180,6mm và Sa Pa (Lào Cai) 103,8mm chỉ trong vài giờ, gây ra sạt lở đất, ngập lụt cục bộ, làm hư hỏng nhiều công trình giao thông, thủy lợi và hệ thống điện tại khu vực.
Tình hình thiên tai được nhận định tiếp tục diễn biến phức tạp trong các tháng tới, với khả năng xuất hiện các cơn bão mạnh, áp thấp nhiệt đới hoạt động dày đặc trên biển Đông và gây ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Do đó, việc bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định và kịp thời xử lý sự cố về điện là yêu cầu cấp thiết, ảnh hưởng trực tiếp tới công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN).
Trước nguy cơ thiên tai ngày càng hiện hữu, ngày 27/5/2025, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ban hành Công điện số 3346/EVN-AT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt. Trong công điện, EVN yêu cầu các Tổng công ty Phát điện, các Công ty Điện lực, Truyền tải điện và các đơn vị hạ tầng thủy điện tăng cường kiểm tra, rà soát hiện trạng vận hành, củng cố hạ tầng, đảm bảo an toàn cho công trình và con người.
Diễn tập PCTT&TKCN năm 2025 tại Công ty Truyền tải điện 2. Ảnh: Quang Thắng |
Đặc biệt, EVN yêu cầu các đơn vị phải cập nhật liên tục bản tin thời tiết, bố trí lực lượng trực 24/7, chuẩn bị phương án "4 tại chỗ", sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra sự cố. Các hồ thủy điện phải theo dõi chặt mực nước, thực hiện đúng quy trình vận hành, phối hợp với địa phương trong việc xả lũ an toàn và thông báo kịp thời cho vùng hạ du.
EVN cũng nhấn mạnh yêu cầu tăng cường công tác thông tin, truyền thông và cảnh báo an toàn điện trong mùa mưa bão, đặc biệt ở các khu vực dân cư gần công trình điện lực, vùng có nguy cơ ngập lụt cao.
Các đơn vị chung tay vào cuộc
Thực hiện chỉ đạo của EVN, các đơn vị ngành điện ở tất cả các khối truyền tải, sản xuất điện, phân phối…đã xây dựng phương án ứng phó, tích cực tổ chức các đợt diễn tập nhằm kiểm tra mức độ sẵn sàng và khả năng phối hợp xử lý sự cố.
Đơn cử khối phân phối điện, ngày 23/5/2025, Công ty Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) tổ chức diễn tập quy mô lớn tại địa bàn quận Thanh Khê, mô phỏng tình huống mất điện do mưa lớn gây sự cố cáp ngầm và trạm biến áp. Gần 200 cán bộ, nhân viên đã tham gia với kịch bản xử lý, khôi phục cấp điện, phối hợp với địa phương trong sơ tán người dân và tuyên truyền an toàn điện. Buổi diễn tập không chỉ nâng cao khả năng tác chiến mà còn lan tỏa tinh thần cảnh giác và chủ động ứng phó thiên tai đến toàn cộng đồng.
Cán bộ công nhân viên thuộc PC Đà Nẵng cùng các phương tiện vận tải chuẩn bị tham gia diễn tập |
Ở khối truyền tải, ngày 18/5/2025, Công ty Truyền tải điện 2 (PTC2) đã tổ chức diễn tập xử lý tình huống dây chống sét trên đường dây 500kV Dốc Sỏi – Đà Nẵng bị hư hỏng do ảnh hưởng của bão. Tại buổi diễn tập, lực lượng Truyền tải điện Quảng Nam đã thực hiện thay thế thiết bị và khôi phục đường dây trong thời gian ngắn, hoàn thành sớm hơn kế hoạch 2 giờ.
Hay ở khối phát điện, ngày 14/5 Thủy điện Đồng Nai đã tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai với kịch bản lũ lớn bất ngờ đổ về, đe dọa an toàn hồ chứa và khu vực hạ du. Các đơn vị liên quan đã thực hiện quy trình kiểm tra thân đập, thiết bị vận hành xả lũ, phối hợp thông tin với Ban chỉ huy PCTT tỉnh và chính quyền địa phương.
Diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại Thuỷ điện Đồng Nai |
Bên cạnh các giải pháp tình huống, EVN cũng chỉ đạo các đơn vị nâng cao chất lượng đầu tư, tăng cường sức chống chịu cho hệ thống điện trước thiên tai. Nhiều tuyến đường dây 110kV, 220kV mới được xây dựng theo tiêu chuẩn mới, có khả năng chịu bão cấp 12. Các trạm biến áp được gia cố móng, nhà trạm được nâng nền và sử dụng vật liệu chống thấm, hệ thống SCADA giám sát từ xa hoạt động 24/7 giúp cảnh báo sớm tình huống bất thường.
Không chỉ chú trọng diễn tập nội bộ, các đơn vị ngành điện còn tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác dự báo, cảnh báo sớm và tuyên truyền phòng chống thiên tai qua các nền tảng mạng xã hội. Ví dụ như Tổng Công ty Điện lực Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị địa phương kiểm tra lại toàn bộ hệ thống điện tại các vùng trũng, khu dân cư ven sông, khu vực có nguy cơ sạt lở để xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Hay như Công ty Điện lực Nam Định đã phối hợp điều chỉnh lưới điện dự phòng, kiểm tra tiếp địa trạm biến áp, kè chống sạt tại các trạm ngoài trời.
Trong bối cảnh thiên tai ngày càng khốc liệt do biến đổi khí hậu, ngành điện không chỉ đảm bảo nhiệm vụ cung cấp điện liên tục, an toàn, ổn định mà còn đóng vai trò chủ lực trong bảo vệ hạ tầng quốc gia và hỗ trợ cộng đồng vượt qua khó khăn với tinh thần chủ động và phương châm “phòng ngừa hơn ứng phó”. |
Nguyên Vũ