|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

COP16: Thảo luận biện pháp đảo ngược quá trình suy giảm đa dạng sinh học

Ngày 21/10, tại Colombia, đại diện hơn 190 quốc gia sẽ thảo luận về cách ngăn chặn và đảo ngược quá trình suy giảm đa dạng sinh học nhân Hội nghị lần thứ 16 các bên tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về đa dạng sinh học (COP16).

Theo thông tin từ nước chủ nhà Colombia, Hội nghị COP16 với chương trình nghị sự kéo dài 12 ngày được tổ chức nhằm giúp nhân loại "hòa bình với thiên nhiên". Sự kiện có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình, hỗ trợ phát triển bền vững trong bối cảnh các hệ sinh thái trên toàn thế giới đang suy giảm nhanh chóng.

Tại hội nghị, đại diện các quốc gia dự kiến thảo luận về việc thực hiện Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal nhằm ngăn chặn và đảo ngược sự suy giảm nghiêm trọng về đa dạng sinh học, đồng thời bàn biện pháp chuyển hàng tỷ USD cho các nước đang phát triển để bảo tồn, quản lý bền vững đa dạng sinh học.

Ảnh minh họa

COP16 tập trung vào thông điệp: nhân loại đang sắp hết thời gian để cứu thế giới tự nhiên. Tài nguyên thiên nhiên và các dịch vụ mà thiên nhiên cung cấp là nền tảng cho nền văn minh của con người. Tuy nhiên, các hệ sinh thái trên khắp thế giới đang bị suy thoái và 1 triệu loài đang bị đe dọa tuyệt chủng. Cuộc khủng hoảng đó đã và đang làm gia tăng đói nghèo, gây nguy hiểm cho nền kinh tế, cản trở mọi cơ hội đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững. 

Mặc dù vậy, các đại biểu tham dự COP16 vẫn có tinh thần lạc quan trong việc sẵn sàng tăng cường nỗ lực để giải quyết cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học. COP16 sẽ là một cơ hội quan trọng để củng cố thông điệp rằng nhân loại và thiên nhiên có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.

Sự kiện là lần đầu tiên các quốc gia họp mặt kể từ khi thông qua Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal vào năm 2022. Khung này bao gồm 23 mục tiêu đột phá được xây dựng để bảo vệ thế giới tự nhiên và sẽ đến hạn vào năm 2030. Các quốc gia đã nhất trí cập nhật kế hoạch quốc gia của mình để thực hiện những mục tiêu đó vào thời điểm tham dự COP16, nơi sẽ có cuộc kiểm tra về tình hình thực hiện của các quốc gia.

Về tài chính, Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal kêu gọi các quốc gia cắt giảm 500 tỷ USD mỗi năm trợ cấp gây hại cho môi trường và chi 200 tỷ USD hàng năm để thực hiện kế hoạch đa dạng sinh học quốc gia.

Theo thỏa thuận này, các quốc gia phát triển cam kết cung cấp cho các nước đang phát triển 20 tỷ USD hàng năm để hỗ trợ công tác liên quan đến đa dạng sinh học vào năm 2025. Do đó, tại COP16, các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào sắp xếp thể chế cho tài chính đa dạng sinh học và các quốc gia dự kiến sẽ áp dụng cách tiếp cận mới để huy động nguồn tài chính. Những tiến triển này sẽ là "tín hiệu ban đầu quan trọng" cho thấy các quốc gia phát triển cam kết thực hiện tham vọng của Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal.

Tại hội nghị, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) sẽ tập trung hỗ trợ quốc gia thành viên trong suốt các cuộc đàm phán cấp cao; tổ chức nhiều sự kiện bên lề chính thức, từ việc giảm xung đột giữa con người và động vật hoang dã đến tầm quan trọng của bình đẳng giới đối với Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh – Montreal...

Bà Susan Gardner, Giám đốc Chương trình Hệ sinh thái của UNEP cho biết, suy thoái môi trường đang thúc đẩy đói nghèo, làm gia tăng tình trạng di dời và gây ra xung đột. Những năm qua, các quốc gia đã đưa ra nhiều cam kết mạnh mẽ để giải quyết cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học. Trong thời gian diễn ra COP16, UNEP và các đại biểu cần chứng kiến những cam kết biến thành hành động.

Thành phố Cali, Colombia đón khoảng 12.000 đại biểu từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có hơn 100 bộ trưởng môi trường và 14 nguyên thủ các nước đến tham dự COP16. Sự kiện dự kiến diễn ra từ ngày 21/10 đến ngày 1/11.

Ngọc Huyền (T/H)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết