Cần nâng cao hiệu lực quản lý trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Trong nhiều ngành sản xuất và sinh hoạt, tiềm năng tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tại Việt Nam còn rất lớn. Do đó cần nâng cao hiệu lực quản lý trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Chia sẻ tại hội thảo “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021: Thực trạng và giải pháp” do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức mới đây, Giáo sư Trần Đình Long, Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, có thể nói, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là “quốc sách” của tất cả các nước trên thế giới.
Các nghiên cứu về sử dụng năng lượng tại Việt Nam cho thấy, trong nhiều ngành sản xuất và sinh hoạt, tiềm năng tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tại Việt Nam còn rất lớn.
Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đến năm 2025, tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam có thể đạt 76 tỷ kWh/năm, bằng 17,6%.
Trong khi đó, trình bày tham luận với chủ đề “Một số vấn đề trong thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý nhà nước lĩnh vực năng lượng”, TS. Nguyễn Thăng Long, Hội Khoa học công nghệ Sử dụng Năng lượng, tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam chia sẻ tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thời gian qua.
Cụ thể, về một số mặt mạnh đã đạt được: thứ nhất, xây dựng và ban hành được các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực này tương đối kịp thời và đồng bộ. Cùng với sự ra đời của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành với nội dung phù hợp với hiện trạng quản lý, sử dụng năng lượng của Việt Nam và xu hướng phát triển của các nước trong khu vực và thế giới, bao trùm các khía cạnh quản lý, kỹ thuật, công nghệ, chính sách khuyến khích, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các ngành kinh tế chủ yếu (sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng dân dụng, chiếu sáng và sinh hoạt của cộng đồng…).
Cần nâng cao hiệu lực quản lý trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Thứ hai, tạo lập được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong việc nâng cao nhận thức và thực thi các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong đó có sự tham gia tích cực của các Bộ, ngành, quản lý nhà nước liên quan đến các lĩnh vực chính liên quan, UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tổ chức các hoạt động tuyên truyền và giáo dục cộng đồng đến hơn 85% người tiêu dùng cả nước biết về nhãn năng lượng và được tiếp cận với kiến thức về tiết kiệm năng lượng.
Thứ ba, tạo lập được nền tảng pháp lý để xây dựng và thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch, dự án, đề án hợp tác với các tổ chức quốc tế và chính phủ các nước. Trong đó nổi bật có: dự án Chuyển hóa carbon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng (dự án LCEE) do Đan Mạch hỗ trợ; dự án Tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp Việt Nam (dự án VEEIE): hợp tác với Ngân hàng Thế giới (WB); Chương trình “Định hướng hỗ trợ đa niên” hợp tác giữa EU và Việt Nam…
Thứ tư, quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã đem lại kết quả định lượng khả quan trong thực hiện đạt mục tiêu tiết kiệm năng lượng qua các giai đoạn của Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, bất cập khi triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong đó, liên quan đến công tác quản lý đối với cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm: tính tuân thủ pháp luật của một số cơ sở chưa nghiêm, thực hiện một cách hình thức, đối phó trong việc lập kế hoạch và báo cáo thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, báo cáo kiểm toán năng lượng… Việc tuân thủ xây dựng mô hình quản lý năng lượng chưa đồng đều giữa các ngành và lĩnh vực của nền kinh tế.
Chưa đầy đủ quy định hoặc bất cập đối với một số loại hình hoạt động dịch vụ tư vấn năng lượng, kiểm toán năng lượng, đào tạo nhân lực trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Bên cạnh đó, thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể về tín dụng, thuế, đầu tư, đất đai nên chưa có tác dụng khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực tiết kiệm năng lượng một cách bền vững. Các công cụ tài chính phi truyền thống vận hành dưới dạng quỹ tài chính đã được giới thiệu và từng bước đưa vào áp dụng tại Việt Nam vừa qua rất hữu ích nhưng mới ở quy mô thử nghiệm, chưa phổ biến, các tổ chức liên quan còn ngần ngại áp dụng.
Chưa có chính sách cụ thể để khuyến khích tiềm năng phát triển các sản phẩm hiệu suất cao có tính định hướng thị trường. Thiếu các chính sách về nguồn lực hỗ trợ đầu tư và hoạt động nghiên cứu - phát triển cho đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ để sản xuất các sản phẩm tiết kiệm năng lượng hiệu suất cao.
Do đó, ông Nguyễn Thăng Long đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung của các văn bản luật và văn bản dưới luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như: xem xét điều chỉnh quy định mức sử dụng năng lượng đối với các chính sách sử dụng năng lượng hiện hành trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng dân dụng.
Bổ sung quy định cụ thể về nghĩa vụ thực hiện các quy định của Luật đối với các chính sách sử dụng năng lượng trọng điểm cho phù hợp với tình hình hiện nay. Quy định chi tiết hơn về việc xây dựng và áp dụng mô hình quản lý năng lượng tại các chính sách sử dụng năng lượng trọng điểm thuộc lĩnh vực công nghiệp xây dựng và giao thông vận tải.
Bên cạnh đó cần bổ sung các quy định về dịch vụ tư vấn năng lượng liên quan đến hoạt động kiểm toán năng lượng và hoạt động của các mô hình kinh doanh thành công trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng. Đào tạo nhân lực trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…
An Vinh