|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bản tin năng lượng số 7/2022

Xe điện và trạm sạc điện thông minh, hệ thống lưu trữ điện năng phân tán phía sau công tơ, nền tảng công nghệ chuỗi khối là những ứng dụng mới của lưới điện thông minh có thể triển khai tại Việt Nam trong thời gian tới.

Thúc đẩy các ứng dụng mới của lưới điện thông minh tại Việt Nam

Hội thảo trực tuyến Future Lab (Phòng thí nghiệm tương lai) diễn ra ngày 23/2 nhằm đánh giá tình hình và thảo luận cơ hội phát triển ứng dụng của hạ tầng sạc xe điện, hệ thống lưu trữ điện năng phân tán phía sau công tơ và nền tảng công nghệ chuỗi khối trong việc cung cấp dịch vụ cho lưới điện tại Việt Nam. Đây là những chủ đề mới nổi trong thời gian qua và hứa hẹn sẽ phát triển mạnh trong tương lai. 

Hội thảo do Cục Điều tiết Điện lực thuộc Bộ Công Thương, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ và Cơ quan Năng lượng Đan Mạch (DEA) đồng tổ chức.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Markus Bisselm Giám đốc dự án Lưới điện thông minh cho Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng (SGREEE) của GIZ chia sẻ: “Kinh nghiệm thực tế cho thấy, hệ thống điện mặt trời mái nhà sẽ có thể phát huy vai trò tốt hơn khi được kết hợp với hệ thống pin tích trữ điện năng tại chỗ quy mô nhỏ. Trong khi đó, toàn cầu có xu hướng từng bước dừng việc sản xuất xe động cơ đốt trong và thay thế bằng xe điện. Không nằm ngoài xu thế, xe điện hứa hẹn sẽ xuất hiện nhiều trên các con đường tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới”.

Xe điện hiện đang là xu hướng trên toàn cầu

“Do vậy, cần có nghiên cứu về lợi ích của hệ thống pin tích trữ trong xe điện, hạ tầng sạc điện với sự hỗ trợ của công nghệ chuỗi khối nhằm đảm bảo độ tin cậy của hệ thống cung cấp điện. Trong bối cảnh đó, hội thảo Future Lab được tổ chức để tạo cơ hội cho các chuyên gia trong nước và quốc tế thảo luận về các rào cản, thách thức tại Việt Nam cũng như các giải pháp của các nước khác, nhờ đó sẽ giúp Việt Nam phát triển bền vững hệ thống điện”, ông Markus nói thêm.

Điểm đặc biệt của hội thảo này là sự xen kẽ các bài trình bày của các chuyên gia, các đại biểu đã tham dự phần thảo luận nhóm nhỏ (8 người/nhóm). Sử dụng những công cụ hỗ trợ làm việc nhóm trực tuyến sinh động, các đại biểu đã có những phiên thảo luận sôi nổi về cơ hội, thách thức và đưa ra các giải pháp chính sách, kỹ thuật và tài chính nhằm ứng dụng các công nghệ được trình bày trong hội thảo này cho Việt Nam trong thời gian tới.

Các đại biểu tham gia hội thảo đã có những chia sẻ về xe điện hóa và xu hướng phát triển tại Việt Nam dưới góc nhìn của các nhà sản xuất, khuyến nghị lộ trình cùng chính sách cho Việt Nam; ứng dụng của xe điện trong việc cung cấp dịch vụ cho lưới điện ở lưới phân phối. Bên cạnh đó, hội thảo thảo luận hai chủ đề chính: ứng dụng của “xe điện và trạm sạc điện thông minh” và “hệ thống lưu trữ điện năng phía sau công tơ” trong việc cung cấp các dịch vụ cho lưới điện; ứng dụng của nền tảng công nghệ chuỗi khối cho các vấn đề trên.

Đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy các giải pháp năng lượng đô thị

Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) mới đây đã công bố Quỹ Thách thức đổi mới sáng tạo mang tên “Những nhà kiến tạo năng lượng tương lai” với nguồn ngân sách 2,5 triệu Đô la hướng tới mục tiêu thúc đẩy các giải pháp nhằm khắc phục những thách thức về năng lượng đô thị.

Công bố được đưa ra vào đúng thời điểm Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu John Kerry đang có chuyến thăm Hà Nội, nơi ông cùng Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper tới tham dự một triển lãm nhằm giới thiệu các giải pháp năng lượng sáng tạo của 5 tổ chức đầu tiên nhận giải thưởng từ quỹ này.

Quỹ Thách thức đổi mới sáng tạo cung cấp các giải thưởng trị giá lên đến 100.000 Đô la cho những tổ chức có các sản phẩm mới có nhiều triển vọng, các mô hình kinh doanh hoặc mô hình tài chính cho các hệ thống năng lượng đô thị phân tán tiên tiến tại Đà Nẵng và/hoặc TPHCM. Các dự án thí điểm và dự án trình diễn thành công có thể sẽ tiếp tục nhận được hỗ trợ để mở rộng quy mô, tiến tới thương mại hóa.

“Chúng ta đang chạy đua với thời gian để tránh những hậu quả tồi tệ nhất của khuộc khủng hoảng khí hậu. Tôi vui mừng khi trong chuyến thăm Việt Nam lại có dịp gặp gỡ với những doanh nhân trẻ đầy triển vọng và chứng kiến tầm nhìn của họ về đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi sang năng lượng sạch. Họ chính là tấm gương đầy khích lệ phản chiếu một tiềm năng thực sự trên khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam”, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu John Kerry phát biểu tại triển lãm.

Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu John Kerry tham dự triển lãm nhằm giới thiệu các giải pháp năng lượng sáng tạo của 5 tổ chức đầu tiên nhận giải thưởng từ Quỹ Thách thức đổi mới sáng tạo

Giám đốc USAID Việt Nam Ann Marie Yastishock cho biết: “Giảm phát thải từ ngành năng lượng đóng vai trò rất quan trọng giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về giảm phát thải ròng bằng 0. Một phần quan trọng trong quan hệ đối tác của chúng tôi với Việt Nam là mở rộng và thúc đẩy tiềm năng thị trường cho các giải pháp sáng tạo nhằm khắc phục những vấn đề về môi trường và năng lượng đô thị. USAID tự hào công bố Quỹ Thách thức đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ các tổ chức có những ý tưởng đầy triển vọng trong việc tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi năng lượng đô thị. Chúng tôi rất vinh dự khi được chào đón Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu John Kerry tới tham dự sự kiện ngày hôm nay và thăm quan các giải pháp sáng tạo đến từ 5 tổ chức đầu tiên nhận giải thưởng”.

Vòng trao giải đầu tiên trong khuôn khổ Quỹ Thách thức đổi mới sáng tạo sẽ hỗ trợ các công nghệ hoặc thực hành sáng tạo trong lĩnh vực giao thông vận tải, sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm trong các tòa nhà, sản xuất điện, quản lý và cung ứng điện, sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả.

T&T Group cùng EREX (Nhật Bản) phát triển năng lượng sinh khối tại Việt Nam

Mới đây, Tập đoàn T&T Group và Tập đoàn EREX - công ty hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng điện sinh khối của Nhật Bản ký biên bản ghi nhớ về việc triển khai hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sinh khối tại Việt Nam.

Theo đó, hai bên sẽ hợp tác nghiên cứu đầu tư các dự án điện sinh khối và chuyển đổi các dự án điện than đốt kèm sinh khối tại Việt Nam, góp phần cắt giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 tại Hội nghị COP26; đồng thời, hỗ trợ thực hiện hiệu quả mạnh mẽ chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Dự kiến, đến năm 2035, hai bên sẽ xem xét hợp tác phát triển các nhà máy điện sinh khối có tổng công suất 1.500 MW; chuyển đổi các dự án điện than đốt kèm sinh khối với tổng công suất 3.000 MW.

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn T&T Group Đỗ Quang Hiển và Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn EREX Honna Hitoshi ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sinh khối tại Việt Nam

Hai bên cũng cam kết đồng hành hợp tác, nghiên cứu trồng nguyên liệu lâu dài và sản xuất viên nén sinh khối, phát huy thế mạnh từ hệ sinh thái của Tập đoàn T&T Group để phục vụ các nhà máy điện sinh khối của liên doanh và xuất khẩu. Thông qua việc quy hoạch và trồng các vùng nguyên liệu sinh khối quy mô lớn, công nghiệp hóa nông nghiệp, kết nối các hộ nông dân… dự án mà hai bên hợp tác không chỉ tạo thêm nhiều công việc làm mà còn hỗ trợ người nông dân gia tăng thu nhập, nâng cao đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Để triển khai cho việc hợp tác này, Tập đoàn T&T Group có vai trò là đối tác nội địa sẽ phụ trách tương tác và làm việc với cơ quan quản lý và các bên có liên quan trong nước. Tập đoàn EREX - với nhiều năm kinh nghiệm, sở hữu 5 nhà máy điện sinh khối lớn với công suất gần 300 MW, lớn nhất tại Nhật Bản sẽ phụ trách về kỹ thuật, thiết kế, công nghệ (công nghệ lò hơi đốt sinh khối mới; công nghệ chuyển đổi đồng đốt sinh khối và than…). Đặc biệt, EREX sẽ thu xếp vốn vay ưu đãi từ nước ngoài cho các dự án đầu tư và thu xếp các khoản hỗ trợ khác từ Nhật Bản.

Ngân Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết