Bản tin năng lượng số 44/2021
Các nguồn năng lượng xanh và năng lượng mới được đánh giá sẽ giữ vai trò quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Năng lượng xanh sẽ giữ vai trò quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa
Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0, hội thảo chuyên đề số 4 với chủ đề “Phát triển năng lượng xanh và các năng lượng mới trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức diễn ra mới đây tại Hà Nội.
Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích tạo cơ hội để trao đổi, thảo luận và đề xuất, kiến nghị về những vấn đề phát triển năng lượng, năng lượng xanh và các năng lượng mới trong thời gian tới, gắn với việc triển khai nghiên cứu, xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: Thực tế cho thấy, trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò nền tảng. Do đó, việc sớm xây dựng và triển khai Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia về nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng giai đoạn 2021 - 2030 là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Trong đó, cần chú trọng tới công nghệ năng lượng mới, năng lượng xanh và tái tạo, gắn kết chặt chẽ Chương trình này với kế hoạch xây dựng quy định về lộ trình, phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện của đất nước và cam kết quốc tế.
Bên cạnh đó, cần quan tâm xây dựng Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó phải có nhiệm vụ giải pháp về phát triển năng lượng xanh, năng lượng mới; chú trọng nghiên cứu, quy hoạch một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và các địa phương có lợi thế và cơ chế ưu đãi để thúc đẩy phát triển các trung tâm năng lượng tái tạo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương phát huy thế mạnh cạnh tranh để phát triển công nghiệp năng lượng phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với những quan điểm định hướng đề ra trong Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chuyển dịch từ nguồn năng lượng truyền thống sang các dạng năng lượng mới và năng lượng tái tạo để phát triển bền vững
Ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết: Công nghệ năng lượng mới nói chung và năng lượng tái tạo nói riêng ngày càng phát triển, chi phí sản xuất từ các nguồn điện công nghệ mới này ngày càng cạnh tranh với nguồn điện truyền thống. Vì vậy, các nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo đang được đánh giá sẽ giữ vai trò quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và trong tương lai. Không chỉ góp phần đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển đất nước với chi phí hợp lý; chính sách phát triển thu hút đầu tư hợp lý đối với năng lượng mới và năng lượng tái tạo trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ thúc đẩy định hướng phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng, mang lại hiệu quả cao cho ngành công nghiệp sản xuất thiết bị, dịch vụ, gia tăng việc làm, tăng cường chuỗi cung ứng trong nước và thúc đẩy tham gia vào xu hướng toàn cầu.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu, Ngân hàng Thế giới, UNDP tại Việt Nam... đã trình bày các tham luận theo hình thức trực tuyến và trực tiếp. Các tham luận tập trung phân tích, trình bày những vấn đề về phát triển năng lượng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững; cơ hội, thách thức, kinh nghiệm trong phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi của các quốc gia trên thế giới và những khuyến nghị chính sách cho Việt Nam...
10 tháng năm 2021, huy động nguồn năng lượng tái tạo đạt hơn 24 tỷ kWh
Theo báo cáo mới của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), lũy kế 10 tháng năm 2021, huy động nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) trong hệ thống điện đạt 24,1 tỷ kWh.
Huy động nguồn năng lượng tái tạo đạt hơn 24 tỷ kWh trong 10 tháng năm 2021
Theo EVN, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống tháng 10/2021 đạt 20,28 tỷ kWh, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 10 tháng đạt 212,65 tỷ kWh, tăng 3,1% so với cùng kỳ, trong đó mức độ và tỷ lệ huy động một số nguồn chính như sau:
Thủy điện: 63,49 tỷ kWh, chiếm 29,9% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.
Nhiệt điện than: 100,78 tỷ kWh, chiếm 47,4% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.
Tuabin khí: 22,44 tỷ kWh, chiếm 10,6% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.
Năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối): 24,1 tỷ kWh, chiếm 11,3% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.
Nhiệt điện dầu huy động không đáng kể, đạt 2 triệu kWh.
Điện nhập khẩu đạt 1,185 tỷ kWh, chiếm 0,6% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.
Sản lượng điện thương phẩm toàn EVN tháng 10/2021 ước đạt 18,11 tỷ kWh, giảm 1,07% so với cùng kỳ tháng 10/2020. Lũy kế 10 tháng năm 2021 đạt 187,56 tỷ kWh, tăng 3,85% so với cùng kỳ năm 2020.
Sản lượng điện truyền tải tháng 10/2021 đạt 15,77 tỷ kWh. Lũy kế 10 tháng năm 2021, sản lượng điện truyền tải đạt 167,99 tỷ kWh, giảm 1,8% so cùng kỳ năm trước.
Khánh thành Nhà máy điện gió số 5 Ninh Thuận
Dự án Nhà máy điện gió số 5 tại Ninh Thuận vừa chính thức khánh thành vào ngày 14/11 tại xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.
Dự án Nhà máy điện gió số 5 do Trungnam Group đầu tư xây dựng. Dự án có tổng số vốn đầu tư 1.633 tỷ đồng, tổng công suất 46,2 MW, quy mô 11 trụ gió, sản lượng khai thác dự kiến là 136.281 MWh/năm.
Toàn bộ tuabin của dự án được cung cấp bởi Công ty Enercon (Cộng hòa Liên bang Đức) có công nghệ không hộp số với ưu điểm có thể hoạt động với tốc độ gió thấp từ 2 - 2,5 m/s, góp phần đáng kể trong việc khai thác hiệu quả tài nguyên quốc gia.
Toàn cảnh Nhà máy điện gió số 5 Ninh Thuận
Nhà máy điện gió số 5 Ninh Thuận đi vào hoạt động đánh dấu mốc đặc biệt cho chiến dịch hoàn thành 200 MW điện gió và 650 MW điện mặt trời với tổng công suất 853,15 MW của Trung Nam tại Ninh Thuận, góp phần đưa Ninh Thuận đến gần với mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.
Ngân Hà