|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bản tin năng lượng số 14/2025

Mới đây, Bộ Công Thương ban hành quyết định số 988/QĐ-BCT phê duyệt khung giá phát điện áp dụng cho loại hình nhà máy điện mặt trời.

Phê duyệt khung giá phát điện áp dụng cho loại hình nhà máy điện mặt trời

Theo đó, khung giá phát điện năm 2025 áp dụng cho loại hình nhà máy điện mặt trời quy định tại điểm a khoản 2 điều 1 thông tư số 09/2025/TT-BCT ngày 1/2/2025 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục, phương pháp xác định, phê duyệt khung giá phát điện; quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục xây dựng, phê duyệt khung giá nhập nhập khẩu điện được quy định như sau:

Đối với loại hình nhà máy điện mặt trời mặt đất không có hệ thống pin tích trữ, mức giá tối đa (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) cho khu vực miền Bắc là 1.382,7 đồng/kWh; miền Trung là 1.107,1 đồng/kWh; miền Nam là 1.012 đồng/kWh.

Đối với loại hình nhà máy điện mặt trời nổi không có hệ thống pin tích trữ, mức giá tối đa (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) cho khu vực miền Bắc là 1.685,8 đồng/kWh; miền Trung là 1.336,1 đồng/kWh; miền Nam là 1.228,2 đồng/kWh.

Bộ Công Thương đã phê duyệt khung giá phát điện áp dụng cho loại hình nhà máy điện mặt trời

Đối với loại hình nhà máy điện mặt trời mặt đất có hệ thống pin tích trữ, mức giá tối đa (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) cho khu vực miền Bắc là 1.571,98 đồng/kWh; miền Trung là 1.257,05 đồng/kWh; miền Nam là 1.149,86 đồng/kWh.

Đối với loại hình nhà máy điện mặt trời nổi có hệ thống pin tích trữ, mức giá tối đa (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) cho khu vực miền Bắc là 1.876,57 đồng/kWh; miền Trung là 1.487,18 đồng/kWh; miền Nam là 1.367,13 đồng/kWh.

Các thông số của hệ thống lưu trữ điện (hệ thống pin tích trữ) sử dụng tính toán mức giá tối đa của khung giá phát điện loại hình nhà máy điện mặt trời có hệ thống pin tích trữ như sau: công suất: tối thiểu 10% công suất của nhà máy điện mặt trời; thời gian lưu trữ/xả là 2 giờ; tỷ trọng sản lượng điện sạc là 5% sản lượng nhà máy điện mặt trời.

Ra mắt Tổ chuyên trách hệ thống pin lưu trữ năng lượng

Cục Điện lực (Bộ Công Thương) vừa phối hợp với Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG), cùng sự hỗ trợ của Liên minh Năng lượng toàn cầu vì con người và hành tinh (GEAPP) chính thức ra mắt Tổ chuyên trách hệ thống pin lưu trữ năng lượng (Tổ chuyên trách BESS). Sự kiện này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong tiến trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam nhằm tích hợp năng lượng tái tạo và tăng cường tính bền bỉ của lưới điện theo Quy hoạch điện VIII.

Pin lưu trữ mang lại nhiều lợi ích chiến lược như tích hợp năng lượng tái tạo, tăng cường sự ổn định của lưới điện, khả năng điều chỉnh tần số và tiết giảm công suất đỉnh

Bà Kitty Bu, Phó Chủ tịch khu vực Đông Nam Á của GEAPP cho biết: Việc thành lập Tổ chuyên trách BESS thể hiện cam kết vững chắc của GEAPP trong việc hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Hoạt động dưới sự điều phối của Nhóm công tác kỹ thuật 3 (TWG3) về tích hợp lưới điện và hạ tầng lưới điện thuộc VEPG), tổ chuyên trách này quy tụ đại diện từ nhiều bên liên quan, bao gồm các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp điện lực và viện nghiên cứu cấp quốc gia, các tổ chức phát triển quốc tế và các đại sứ quán. Với sự hỗ trợ của GEAPP, nền tảng hợp tác này sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn chính sách, đồng thời tháo gỡ các rào cản trong triển khai hệ thống pin lưu trữ, phù hợp với các ưu tiên năng lượng của Việt Nam.

Tại sự kiện khởi động tổ chuyên trách, các bên liên quan cùng nhau chia sẻ góc nhìn và thống nhất những ưu tiên thúc đẩy việc triển khai hệ thống BESS, đồng thời thảo luận những cơ hội và thách thức liên quan đến khung chính sách, tiêu chuẩn kỹ thuật và mức độ sẵn sàng đầu tư, qua đó tái củng cố cam kết chung thúc đẩy BESS trở thành một yếu tố then chốt trong quá trình chuyển dịch sang năng lượng sạch của Việt Nam.

Hoạt động tư vấn tổ chuyên trách sẽ tập trung vào một số lĩnh vực chiến lược quan trọng nhằm tạo điều kiện triển khai hệ thống pin lưu trữ năng lượng quy mô lớn, bao gồm: hoàn thiện khung chính sách và quy định pháp lý, xây dựng cơ chế tài chính phù hợp, hội nhập vào thị trường điện lực, phát triển tiêu chuẩn kỹ thuật, mô hình kinh doanh khả thi, nâng cao năng lực và đảm bảo đồng bộ với các mục tiêu năng lượng quốc gia.

Thông qua hợp tác liên ngành, Tổ công tác BESS đặt mục tiêu trở thành nguồn lực giá trị cho ngành năng lượng Việt Nam, đóng vai trò cung cấp chuyên môn kỹ thuật hướng tới xây dựng một hệ thống điện sạch, đáng tin cậy và có chi phí hợp lý. Với sự đồng hành của các bên liên quan, quá trình hiện thực hóa các mục tiêu của Quy hoạch điện VIII sẽ được thúc đẩy, đồng thời củng cố vai trò dẫn đầu của Việt Nam trong chuyển dịch năng lượng.

Ra mắt cổng thông tin về tiến trình triển khai JETP tại Việt Nam

Để tạo kênh thông tin chính thức cung cấp thông tin minh bạch, kịp thời và toàn diện về tiến trình triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) tại Việt Nam, Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương) phối hợp với Cục Điện lực, Nhóm các đối tác quốc tế (IPG) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) hoàn thành việc xây dựng trang thông tin của JETP Việt Nam.

Giao diện trang chủ Cổng thông tin JETP Việt Nam

Việc xây dựng cổng thông tin của JETP Việt Nam (địa chỉ website https://jetp.moit.gov.vn/) là nỗ lực quan trọng nhằm tăng cường sự tham gia của các bên liên quan vào quá trình xây dựng tương lai bền vững và ít carbon.

Cổng thông tin là cầu nối giữa Ban Thư ký với IPG, Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (GFANZ) và các bên liên quan, đặc biệt là kết nối với các đơn vị đề xuất và phát triển dự án để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng công bằng trong khuôn khổ JETP tại Việt Nam.

Đây cũng là nơi cập nhật thông tin về các chiến lược, kế hoạch hành động, báo cáo tiến độ, cơ hội hợp tác cũng như các hoạt động đối thoại chính sách, sự kiện và sáng kiến liên quan đến quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng, góp phần tăng cường sự hiểu biết, kết nối và đồng hành giữa các bên liên quan, từ cơ quan nhà nước, đối tác phát triển, khu vực tư nhân cho đến cộng đồng và người dân.

Trong thời gian tới, cổng thông tin JETP Việt Nam sẽ tiếp tục được nâng cấp, phát triển thêm những tính năng mới để tối ưu trải nghiệm người dùng, góp phần nâng cao hiệu quả truyền thông và cung cấp kịp thời các nội dung, kết quả trong tiến trình triển khai JETP tại Việt Nam.

Ngân Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết