9 sự kiện nổi bật ngành tài nguyên môi trường năm 2021
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 2652/QĐ-BTNMT công bố các sự kiện nổi bật ngành tài nguyên môi trường trong năm vừa qua.
Việc công bố nhằm biểu dương, đánh giá cao những thành tựu đã đạt được của ngành tài nguyên môi trường, đồng thời tạo động lực, định hướng cho ngành trong các năm tiếp theo. 9 sự kiện tiêu biểu là:
Thứ nhất, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhắc đến vấn đề quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Bên cạnh đó, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cũng là chủ đề quan trọng tại các chương trình nghị sự cấp cao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Thứ hai, Việt Nam cam kết hành động mạnh mẽ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị COP26. Tại đây, Thủ tướng đưa ra cam kết Việt Nam sẽ hành động mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng, tạo nhiều cơ hội tiếp cận tri thức, công nghệ, tài chính. Việt Nam cũng quyết tâm đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, cắt giảm 30% khí metan vào năm 2030, tham gia tuyên bố chuyển đổi năng lượng, rừng và sử dụng đất, hành động thích ứng toàn cầu…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại COP26
Thứ ba, Quốc hội thông qua Nghị quyết về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025). Nghị quyết xác định mục tiêu bảo đảm nhu cầu sử dụng đất thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 thống nhất từ Trung ương đến địa phương; phân bổ hợp lý đất đai cho các ngành, các địa phương phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thứ tư, Ban Bí thư Trung ương Đảng Chỉ thị về công tác khí tượng thủy văn. Ngày 25/9/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ năm, tài nguyên nước được quản lý theo quy hoạch tổng hợp. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các quy hoạch tổng hợp lưu vực sông; quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và một số đề án khác.
Thứ sáu, đổi mới, tăng cường và hội nhập quốc tế để phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược thuộc Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 24/11/2021 do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành nhằm đổi mới và tăng cường tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, từ đó tạo sự chuyển biến, động lực, giải pháp thúc đẩy thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
Định hướng phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam
Thứ bảy, thu nhận tín hiệu vệ tinh SPOT 6/7 độ phân giải cao, đáp ứng nhu cầu quản lý tài nguyên môi trường và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Việc đưa vào vận hành, khai thác hệ thống thu nhận tín hiệu vệ tinh viễn thám giúp cung cấp ảnh viễn thám có độ phân giải 1,5m, dải chụp với kích thước lên đến 60km, hàng năm cung cấp số lượng ảnh có diện tích phủ trùm toàn bộ lãnh thổ trên đất liền, trên các vùng biển của Việt Nam…
Thứ tám, hai Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa và Kon Hà Nừng gia nhập mạng lưới Khu dự trữ sinh quyển thế giới. UNESCO đã công nhận hai khu dự trữ sinh quyển trên của Việt Nam bởi những đặc sắc, đa dạng của hệ sinh thái khô hạn đặc trưng Đông Nam Á cũng như những lợi ích mà nó mang lại cho người dân.
Thứ chín, Cần Thơ đoạt giải thưởng Thành phố bền vững môi trường ASEAN; nhiều cá nhân đoạt giải thưởng quốc tế lĩnh vực tài nguyên môi trường. Đây là thành phố thứ 5 của nước ta đoạt danh hiệu Thành phố bền vững môi trường ASEAN. Năm 2021 cũng ghi dấu ấn của nhà bảo tồn đầu tiên của Việt Nam được vinh dự nhận Giải thưởng Môi trường Goldman và nhà khoa học trẻ người Việt được Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) trao giải thưởng nghiên cứu khoa học với công trình “Đề xuất phương pháp mới để nâng cao năng lực dự báo mưa, lũ của mô hình tích hợp khí tượng thủy văn”.
Thanh Bảo