Truyền thông góp phần thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững
Nhờ đẩy mạnh công tác truyền thông, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu trong triển khai Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (SCP).
Phát huy vai trò của công tác truyền thông
Giai đoạn 2021 - 2024, các nhiệm vụ thuộc Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được triển khai đảm bảo mục tiêu của kế hoạch, qua đó đã bám sát mục tiêu mà Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đặt ra.
60% các doanh nghiệp tại các làng nghề của Hà Nội được hướng dẫn, áp dụng sản xuất và tiêu dùng bền vững (Ảnh: Thu Hường) |
Ông Nguyễn Đình Thắng – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Theo đánh giá sơ bộ việc triển khai Chương trình đã thực hiện phổ biến tuyên truyền nâng cao nhận thức về lối sống, tiêu dùng bền vững tại 85% các quận, huyện, thị xã; giúp khoảng 85% các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp và 60% các doanh nghiệp tại các làng nghề được hướng dẫn, áp dụng sản xuất và tiêu dùng bền vững, áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; 100% các siêu thị, trung tâm thương mại tuyên truyền không sử dụng túi nilon khó phân hủy; chuyển đổi sử dụng các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường thay thế dần cho các sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy.
Để công tác truyền thông đi vào thực chất và đạt hiệu quả tuyên truyền cao, Sở Công Thương Hà Nội đã hướng dẫn các cơ quan báo chí thành phố, báo chí Trung ương và địa phương ký Chương trình phối hợp công tác với thành phố, chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền nâng cao nhận thức về lợi ích của việc sản xuất và tiêu dùng bền vững, thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, áp dụng mô hình, liên kết bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm.
Các cơ quan báo chí chủ động thông tin phản ánh công tác triển khai các giải pháp nhằm áp dụng công nghệ sản xuất sạch, hiện đại, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch vào sản xuất, hạn chế sử dụng các sản phẩm từ nhựa trong sản xuất và tiêu dùng.
Cùng với đó, hệ thống thông tin cơ sở đã tuyên truyền, vận động người dân thực hiện phân loại, thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của rác thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy…; xây dựng chương trình truyền thông để phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức, kiến thức, giới thiệu các mô hình sinh thái, các chuỗi cung ứng, các mô hình điển hình về sản xuất và tiêu dùng bền vững với đa dạng các hình thức.
Hiện 100% các siêu thị, trung tâm thương mại ở Hà Nội tuyên truyền không sử dụng túi nilon khó phân hủy (Ảnh: Cấn Dũng) |
Qua đó, đã tạo những chuyển biến tích cực về nhận thức trong cộng đồng về hành động sản xuất và tiêu dùng bền vững và gắn kết các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường, từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
“Một số tổ chức, cá nhân đã có những hành động thiết thực trong việc sử dụng có hiệu quả tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường như: Bước đầu xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất bền vững, thiết kế sản phẩm bền vững, xây dựng chuỗi giá trị xanh trong quy trình sản xuất của mình từ khâu nguyên liệu đầu vào đến áp dụng công nghệ, sản phẩm và các dịch vụ bán hàng góp phần tăng hiệu quả của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển theo hướng bền vững”- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng khẳng định.
Từ nhận thức đến hành động
Thông qua làm tốt công tác truyền thông, Hà Nội đã nhận được sự đồng hành, tích cực tham gia của các nhà bán lẻ, các tổ chức liên quan, việc triển khai Kế hoạch hành động của Liên minh Bán lẻ giảm tiêu thụ túi ni-lông sử dụng một lần đã nhận được sự tham gia rộng rãi của cộng đồng vào các hoạt động và đã đạt được những kết quả khả quan, đáng khích lệ góp phần đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu túi ni-lông và nhựa sử dụng một lần. Đồng thời, tăng cường nhận thức, lan toả các thông điệp tích cực về giảm sử dụng sản phẩm nhựa một lần, góp phần thay đổi hành vi của khách hàng đối với việc giảm thiểu túi ni lông khi đi mua sắm…
Nhiều siêu thị, trung tâm thương mại đã sử dụng túi phân hủy sinh học trong bao gói thực phẩm (Ảnh: Cấn Dũng) |
Theo ông Nguyễn Đình Thắng, tại nhiều siêu thị, trung tâm thương mại đã sử dụng các sản phẩm dùng một lần như: Khay, hộp, đĩa, tô… được sản xuất từ bã mía; thực hiện bao gói rau, củ, quả bằng các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên; ngừng cung cấp ống hút nhựa, sử dụng ống hút được sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên (giấy, gạo, tre nứa…) tại các khu vực kinh doanh ăn, uống.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Thắng cũng chỉ ra một số thách thức của Hà Nội trong thời gian tới trong triển khai chương trình, trong đó phải kể đến việc giảm tiêu thụ túi nilon tại hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố còn chưa nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp do vẫn dựa trên tinh thần tự nguyện tham gia hưởng ứng của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp quy, cơ chế chính sách nhằm giảm thiểu, quản lý chặt chẽ chất thải nhựa chưa được hoàn thiện.
“Hiện nay chưa có cơ chế chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ, thuế, vay vốn… cho doanh nghiệp để sản xuất chuyển đổi từ sản xuất các sản phẩm nhựa sang các sản phẩm thân thiện môi trường. Tại các chợ trên địa bàn thành phố tình trạng sử dụng túi nilon và các sản phẩm nhựa một lần trong hoạt động kinh doanh, mua sắm vẫn còn phổ biến”, ông Thắng khẳng định.
Thời gian tới, Sở Công Thương xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về sản xuất và tiêu dùng bền vững. Đồng thời, thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, áp dụng mô hình, liên kết bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm; phát triển hệ thống phân phối bền vững, xuất nhập khẩu bền vững…