|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển vọng khai thác dầu khí ở sa mạc Sahara và sự tham gia của Việt Nam

Việt Nam đang có kế hoạch tăng cường hợp tác với Algeria để tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án Liên doanh dầu khí 3 bên (Việt Nam - Algeria - Thái Lan) tại mỏ Bir Seba. Liên quan chủ đề, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam cập nhật một số thông tin mới nhất về tiềm năng dầu khí tại sa mạc rộng lớn này, cũng như triển vọng hợp tác của Việt Nam trong tương lai.

Triển vọng khai thác dầu khí ở sa mạc Sahara và sự tham gia của Việt Nam |  Tạp chí Năng lượng Việt Nam

Sa mạc Sahara ở đâu?

Sahara trong tiếng Ả Rập có nghĩa là sa mạc lớn, tọa lạc ở phía Bắc châu Phi, có niên đại trên 2,5 triệu năm tuổi. Đây là hoang mạc lớn thứ 3 trên hành tinh (sau châu Nam Cực và Bắc Cực), diện tích khoảng 9 triệu km² (xấp xỉ diện tích của Mỹ và Trung Quốc). Sahara được bao bọc bởi biển Đại Tây Dương ở phía Tây; dãy núi Atlas và Địa Trung Hải ở phía Bắc; Biển Đỏ (Hồng Hải) và Ai Cập ở phía Đông; Sudan và thung lũng sông Niger ở phía Nam. Điểm cao nhất trong sa mạc là đỉnh Emi Koussi, thuộc dãy núi Tibesti với độ cao 3.415 m so với mực nước biển.

Ngày nay, ngoại trừ vùng thung lũng sông Nin là có thể trồng được rau và một số ít nơi khác như vùng cao nguyên phía Bắc, gần Địa Trung Hải là có thể trồng cây ô liu, còn phần lớn vùng đất này không thể canh tác được. Diện tích tương đương nước Mỹ, nhưng hiện chỉ có 2,5 triệu người sinh sống, chủ yếu tập trung ở Ai Cập, Mauritanie, Maroc và Algeria. Các dân tộc chính bao gồm chủng Tuareg, Ả Rập và nhóm người da đen như: Tubu, Nubians, Zaghawa, Kanuri, Peul hay Fulani, Hausa, Songhai.

Dầu khí ở Sahara được tìm thấy từ khi nào?

Nguyên thủy, từ đầu thế kỷ XX, Sahara là vùng đất hoang vu nhất hành tinh. Dân số 1,5 triệu người, hầu như chỉ là dân du mục, tập trung ở phía Bắc, hậu duệ của người Bedouin Ả Rập đã tràn qua Bắc Phi từ thế kỷ XI đến XIV. Ngày nay, bộ mặt của Sahara mến khách đang thay đổi rất nhiều nhờ những người chinh phục Sahara, đặc biệt là các nhà địa chất, khảo sát của Pháp. Năm 1922, một nhà địa chất học trẻ tuổi người Pháp tên là Conrad Killian đã bắt đầu chuyến thám hiểm nhằm khám phá những viên ngọc lục bảo huyền thoại của Hoggar. Một năm sau, ông trở lại Paris với một kho báu và những vết tích vật chất hữu cơ mà ông đã tìm thấy, nhưng khi đó không ai xem xét báo cáo của Conrad một cách nghiêm túc.

Sau Thế chiến hai, Chính phủ Pháp đã chính thức công nhận các cuộc khảo sát của Killian cùng các nhà địa chất khác và thành lập Văn phòng de Recherche de Pétrole (Nghiên cứu Dầu mỏ) vốn có rất nhiều nhóm địa vật lý đang tìm kiếm các nguồn tài nguyên tiềm ẩn cả ở cả trong và ngoài nước Pháp. Ngay sau đó, công ty thăm dò đầu tiên của Sahara được thành lập dưới sự bảo trợ của Société Nationale de.

Vào tháng 12 năm 1956, các nhà thăm dò dầu khí đã phát hiện ra dầu ở độ sâu 10.000 feet (3.048 m), cách thị trấn Ouargla ở phía Bắc Sahara khoảng 35 dặm và gần một giếng nước bỏ hoang.

Nguồn tin tờ African.business (AB) trực tuyến của Anh số ra cuối tháng 7/2022 cho biết: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Sonatrach của Algeria đã phát hiện ra trữ lượng dầu khí mới khổng lồ lên tới tới 12.000 tỷ feet khối (TCF) tương đương 340 tỷ m3. Sonatrach cho biết: Đây là khám phá lớn nhất của Algeria trong 20 năm qua tại sa mạc Sahara, giúp Algeria tăng cường khả năng sản xuất khí đốt. Mỏ dầu khí này sẽ được đưa vào khai thác từ tháng 11/2022.

Cũng theo AB, phía Algeria có thể giữ kín nguồn tin liên quan đến phát hiện mới nhất nói trên, cũng như các kịch bản cụ thể xung quanh mỏ Hassi R'Mel khổng lồ nằm phía Nam Algeria khoảng 340 dặm (550 km). Sonatrach chỉ tiết lộ nguồn tài nguyên mới nằm gần mỏ Hassi R'Mel và cơ sở hạ tầng của nó có thể đi vào hoạt động trong năm nay, công suất khai thác dự báo ước khoảng 350 triệu feet khối (9,9 triệu m3) mỗi ngày.

Theo đánh giá sơ bộ của Sonatrach: Tiềm năng tài nguyên vừa phát hiện ở khu vực Hassi R'Mel trong khoảng từ 3,5 TCF đến 12 TCF, cộng với khí ngưng tụ. Đây là “nguồn tài nguyên mới làm nổi bật tiềm năng hydrocacbon” của mỏ Lias deposit (LD2). Theo Sonatrach, đây là một trong những mỏ có trữ lượng lớn nhất trong 20 năm qua và một chiến dịch đang được tiến hành để xác nhận khối lượng ước tính. Trước đó, Hassi R'Mel đã là mỏ khí đốt lớn nhất ở Algeria, mặc dù nó đi vào hoạt động từ những năm 1960. Nguồn khí từ mỏ này được đưa về phía Bắc tới đường ống Medgaz nối Algeria với Tây Ban Nha để cung cấp cho Nhà máy khí hóa lỏng Arzew LNG.

Hai mỏ lớn đã được phát hiện (một ở In Salah, ở trung tâm Sahara và một ở Hassi R’mel, ở phía Bắc). Hiện tại, cả hai đều chưa được khai thác, vì thiếu một đường ống liên kết với bờ biển Algeria. Mặt khác, sự phát triển của ngành công nghiệp dầu khí ở Sahara đòi hỏi phải xây dựng hạ tầng đường bộ, đường sắt, sân bay, cũng như các công trình phụ trợ đi kèm.

Phát hiện dầu khí mới và những quan ngại:

Ba phát hiện mới ở Sahara giúp Algeria mở rộng việc cung cấp khí đốt và dầu đến châu Âu khi lục địa này dừng nguồn cung khí đốt từ Nga. Đây được xem là những “điểm nhấn” năng lượng của quốc gia châu Phi này. Chiến sự bùng nổ tại Ukraine đã thúc đẩy Algeria tích cực hơn trong việc khai thác tiềm năng tự nhiên tại Sahara. Đặc biệt là phát hiện sau khi khoan thăm dò ở lưu vực Illizi, nằm sát biên giới với Libya. Hai phát hiện còn lại nằm gần các cơ sở dầu khí hiện có.

Theo Sonatrach, lưu lượng khí mà hai mỏ ghi nhận lên tới 513.000 mét khối/ngày. “Trong quá trình thử nghiệm sản xuất, giếng đã cung cấp 1.300 thùng dầu/ngày và 51.000 m3 khí đồng hành/ngày” - thông cáo báo chí của Sonatrach tiết lộ.

Theo Reuters, kể từ đầu năm nay, quốc gia Bắc Phi đã chứng kiến sự gia tăng xuất khẩu dầu, khí đốt thông qua đường ống và đường biển. Algeria đã đồng ý cung cấp cho Ý thêm 4 tỷ mét khối khí đốt trong năm nay, nâng tổng nguồn cung lên 25 tỷ mét khối.

Ngoài triển vọng, việc chinh phục Sahara cũng gặp không ít khó khăn. Trước tiên là phải giải quyết các vấn đề về nước, khí hậu và giao thông. Tuy nhiên, nhờ công nghệ hiện đại người ta đã phát hiện 2 túi chứa nước ngầm riêng biệt tại Hassi Messaoud ở độ sâu 220 feet và 4.000 feet, cung cấp nước nóng bốc hơi phun ra dưới áp suất ở nhiệt độ 63 độ C để pha với bùn phục vụ công tác khoan. Nguồn nước thứ ba đã được tìm thấy ở độ sâu hơn 8.000 feet, trong trường hợp này là nước mặn dưới áp suất cực cao 580 kg/cm2, nếu được giải phóng, có thể tạo ra một mạch nước phun cao vài trăm feet.

Trở ngại tiếp theo là cái nóng và khoảng cách di chuyển của phương tiện đưa hàng nghìn tấn vật liệu tới công trường. Ngoài ra, còn phải kể đến mối nguy hiểm mới, nguy cơ bị lạc do bão cát che lấp đường đi. Tuy nhiên, mọi trở ngại này đều nằm trong khả năng hóa giải của con người.

Triển vọng khai thác dầu khí tại Sahara và cơ hội của Việt Nam:

Sức hấp dẫn mới của Algeria như một điểm đến đầu tư trong bối cảnh Nga bị cô lập, giúp thúc đẩy sự phát triển của cơ sở hạ tầng dầu khí mới, đặc biệt là ở mỏ khí Hassi R’Mel. Theo đánh giá, Hassi R’Mel có thể sẽ trở thành trung tâm của dự án dẫn khí xuyên Sahara (TSGP) - một đường ống cung cấp khí đốt của Nigeria đến Algeria thông qua Niger.

Bất chấp hơn 10 năm không hoạt động, cuộc họp cấp bộ trưởng ba bên giữa Algeria, Nigeria và Niger vào ngày 28 tháng 7/2022 đã mở đường cho sự hồi sinh thực sự của dự án. Ba bộ trưởng năng lượng đã ký một biên bản ghi nhớ (sau khi thảo luận về các chi tiết kỹ thuật của đường ống dài 4.128km). Dự án có vốn đầu tư ban đầu ước tính là 10 tỷ USD và sản lượng đạt khoảng 30 tỷ mét khối khí/năm.

Vào ngày 19 /7/2022, một thỏa thuận trị giá 4 tỷ USD đã được ký kết giữa Occidental (Mỹ), Total Energies (Pháp) và Eni (Ý) nhằm phát triển một mỏ nằm ở vành đai Berkine để sản xuất 1 tỷ thùng dầu tương đương. Trước đó, vào năm 2019, Luật hydrocarbon được thông qua cho phép các thỏa thuận chia sẻ sản lượng giữa Sonatrach và các công ty dầu mỏ nước ngoài, mặc dù Luật này đã gây ra một số cuộc biểu tình trên đường phố. Tuy nhiên, đây là khuôn khổ pháp lý để các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư nhiều hơn vào Algeria.

Đầu tháng 11/2022, đoàn công tác do Chủ tịch Hội đồng Thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Hoàng Quốc Vượng dẫn đầu đã tới thăm, làm việc với các cơ quan liên quan của Algeria nhằm xúc tiến việc tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án Liên doanh dầu khí 3 bên (Việt Nam - Algeria - Thái Lan) tại mỏ Bir Seba.

Với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria, PVN và Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đã có các buổi gặp gỡ tiếp xúc với Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Algeria, cũng như Tổng giám đốc Sonatrach nhằm xúc tiến việc tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án. Theo dự kiến, mỏ Bir Seba (giai đoạn 2) có công suất thiết kế 20.000 thùng dầu/ngày và sẽ đón dòng dầu thương mại đầu tiên vào quý 1/2026.

Trong buổi làm việc với Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Algeria, hai bên đã xem xét tình hình hợp tác, quan hệ đối tác trong lĩnh vực dầu khí, liên kết giữa tập đoàn Sonatrach và PVN, đánh giá tình hình, cũng như triển vọng phát triển hợp tác giữa hai bên.

Sau khi trình bày kế hoạch phát triển của ngành dầu khí Algeria, Bộ trưởng Mohamed Arkab mời PVN tiếp tục đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực dầu khí và tạo ra các quan hệ đối tác cùng có lợi. Ông cũng mời PVN tham gia vào các cuộc gọi thầu mà phía Algeria sắp khởi động trong khuôn khổ luật mới về hydrocacbon.

Trở lại Bir Seba - mỏ nằm ở khu vực Hassi Messaoud thuộc tỉnh Ouargla, cách Thủ đô Algiers hơn 600 km về phía Nam. Nơi đây là một phần của sa mạc Sahara với điều kiện đi lại và sinh hoạt khó khăn, song hiện vẫn có khoảng 40 cán bộ, kỹ sư người Việt Nam của PVEP và Tổng công ty Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling) luân phiên thay ca làm việc tại khu mỏ này.

Đây là dự án liên doanh giữa PVEP - đơn vị thành viên của PVN thực hiện cùng các đối tác là Công ty Dầu khí Quốc gia Algeria (Sonatrach) và Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí Thái Lan (PTTEP).

Liên doanh Bir Seba được thành lập vào năm 2009, với tổng vốn đầu tư 1,26 tỷ USD, trong đó Việt Nam chiếm tỉ lệ cao nhất với mức góp vốn 40%.

Hiện mỏ đang trong quá trình khai thác giai đoạn 1, công suất thiết kế 20.000 thùng dầu/ngày.

Kể từ khi đón dòng dầu đầu tiên vào tháng 8/2015, dự án đã khai thác được tổng cộng 44,27 triệu thùng dầu, đem lại nguồn lợi đầu tư khai thác từ nước ngoài cho PVN. Đây cũng được xem là điểm sáng trong quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam - Algeria hiện tại và trong tương lai tới./.

KHẮC NAM - CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Link tham khảo:

1. https://african.business/2022/07/energy-resources/oil-and-gas-discoveries-boost-algeria-as-europe-shuns-russia/

2. https://www.theatlantic.com/magazine/archive/1958/09/oil-in-the-sahara/640797/

3. https://www.rigzone.com/news/sonatrach_makes_massive_gas_find_in_sahara_desert-28-jun-2022-169494-article/

4. https://nangluongvietnam.vn/pvn-dam-phan-phat-trien-du-an-khai-thac-dau-khi-o-algeria-giai-doan-2-29779.html


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết