|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển khai nhiều công việc trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, khí tượng thủy văn

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và các Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa, Võ Tuấn Nhân, Lê Công Thành vừa chủ trì hội nghị trực tuyến Giao ban công tác quý I/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo báo cáo tại hội nghị, để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong chương trình công tác năm, chương trình hành động của ngành, các đơn vị tập trung chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp, hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm như: xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật; đẩy nhanh tiến độ, triển khai các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành; tập trung triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra đã được lãnh đạo Bộ chấp thuận; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý chặt chẽ thu, chi ngân sách; ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành tài nguyên và môi trường (phiên bản 2.1), đưa ra kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật công nghệ thông tin ngành tài nguyên và môi trường giai đoạn 2021 - 2025.

Trong từng lĩnh vực, các đơn vị cũng đã xây dựng kế hoạch thực hiện các công việc được giao. Cụ thể, đối với lĩnh vực môi trường, sẽ triển khai thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đặc biệt là chế tài xử lý vi phạm.

Với lĩnh vực khí tượng thuỷ văn, sẽ tăng cường công tác dự báo cảnh báo về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm cho các cơ quan, ban, ngành Trung ương, địa phương, các phương tiện thông tin đại chúng phục vụ công tác chỉ đạo phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai nhất là trong mùa mưa bão…

Trong lĩnh vực biển và hải đảo, các cơ quan tập trung triển khai các giải pháp nhằm phát huy tiềm năng về kinh tế biển, ven biển và điện gió, điện sóng ngoài khơi. Xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác điều tra cơ bản, quản lý tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển. Ngoài ra, thực hiện các hoạt động phối hợp với lực lượng chuyên ngành trong công tác quản lý tổng hợp nhà nước về bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Nhiều công việc trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, khí tượng thủy văn được triển khai trong thời gian tới

Báo cáo cũng nêu rõ, các đơn vị của Bộ sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ được giao như hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Quyết định phê duyệt Đề án những nhiệm vụ, giải pháp đột phá triển khai cam kết về biến đổi khí hậu tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu lần thứ 26 của Liên Hợp Quốc (COP26); xây dựng quy hoạch tài nguyên nước quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050; triển khai Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long, sông Hồng - Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tổng thể về an ninh tài nguyên nước, đề xuất các giải pháp trữ nước thông qua các giải pháp phi công trình; ứng dụng công nghệ viễn thám giám sát việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất; xác định dịch chuyển bờ ngầm và địa chất tầng nông đới bờ phục vụ đánh giá, dự báo xâm thực bờ biển và đề xuất một số giải pháp phòng, chống xâm thực dải ven biển Việt Nam; giám sát rác thải nhựa ven biển…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, với những khó khăn trong quá trình triển khai công việc, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị phải quyết liệt, thẳng thắn hơn nữa để chia sẻ những vướng mắc cũng như tham mưu những ý tưởng, giải pháp thực tế với lãnh đạo Bộ.

Đặc biệt, các đơn vị phải cấp thiết chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu ngành tài nguyên và môi trường. Bên cạnh việc xây dựng các hệ thống công nghệ thông tin cần tiếp tục xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để có đầy đủ cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, tích hợp, vận hành, khai thác, cập nhật cơ sở dữ liệu ngành tài nguyên và môi trường thống nhất, tập trung, kết nối từ Trung ương đến địa phương, liên thông giữa các ngành; đáp ứng được yêu cầu nghiệp vụ, công việc, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.

Trong đó, Bộ trưởng đề nghị Tổng cục Khí tượng thủy văn phối hợp với Bộ Quốc phòng xây dựng các dự án hợp tác để tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai đảm bảo nhiệm vụ an ninh quốc phòng. Phối hợp với các đơn vị trong Bộ như Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Cục Biến đổi khí hậu xây dựng các bản đồ điện gió để vừa điều tra, đánh giá tiềm năng nguồn năng lượng tái tạo để thu hút được các dự án, các nhà đầu tư quốc tế đến Việt Nam góp phần vào thực hiện cam kết quốc gia tại COP26.

Đối với Tổng cục Môi trường, cần phải hành động nhanh chóng giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường tại các lưu vực sông, vấn đề ô nhiễm, xử lý rác thải, chất thải…

Thanh Tâm (T/H)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết