Tiết kiệm năng lượng hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững
Cần hình thành thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mọi hoạt động của xã hội để hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Ngày 10/12, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tiết kiệm năng lượng toàn quốc năm 2021.
Hội nghị nhằm tổng kết đánh giá các hoạt động trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2021, đề xuất phương hướng thực hiện năm 2022. Đồng thời cũng là cơ hội để các đơn vị chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm triển khai Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giữa các địa phương, tăng cường hợp tác giữa các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và đẩy mạnh hoạt động tiết kiệm năng lượng của cả nước.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững Bộ Công Thương cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được triển khai từ năm 2006. Việc triển khai thực hiện chương trình đã đạt được nhiều kết quả nổi bât. Cụ thể, tổ chức đa dạng các hoạt động thông tin tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phát động phong trào và nhân rộng mô hình Hộ gia đình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; đánh giá tiềm năng phát triển của các ngành công nghiệp, hỗ trợ cải thiện hiệu suất của dây chuyền sản xuất; thực hiện áp dụng mô hình quản lý năng lượng cho các cơ sở dử dụng năng lượng; triển khai áp dụng các giải pháp công nghệ, thiết bị, vật liệu tiết kiệm năng lượng…”.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, chương trình còn gặp một số khó khăn như: nguồn kinh phí cấp từ ngân sách nhà nước cho chương trình hạn chế trong khi đối tượng rất rộng và đa dạng từ Trung ương đến địa phương; nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp còn hạn chế, chưa sẵn sàng tiếp cận với thông tin về công nghệ và các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Nhiều doanh nghiệp còn chưa thực hiện các yêu cầu của Luật; nguồn lực tài chính, lực lượng chuyên gia kỹ thuật còn hạn chế.
Hội nghị tiết kiệm năng lượng toàn quốc năm 2021
Báo cáo về kết quả hoạt động của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả toàn quốc năm 2021, ông Đặng Hải Dũng, đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết, việc thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2021 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, các hoạt động chính ở Trung ương và địa phương đều bám sát Quyết định số 280/QĐ-TTg, tập trung vào 6 nhiệm vụ: rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách; hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh; xây dựng cơ sở dữ liệu về năng lượng; tăng cường năng lực về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện và đánh giá hiệu quả thực hiện quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; truyền thông nâng cao nhận thức trong cộng đồng.
Kinh phí thực hiện năm 2021 từ ngân sách trung ương là 30 tỷ đồng. Trong đó, giao nhiệm vụ 5,5 tỷ đồng; đặt hàng hoặc đấu thầu 24,5 tỷ đồng; ngân sách địa phương 147,2 tỷ đồng; nguồn khác 25 tỷ đồng.
Theo kết quả đánh giá sơ bộ của 17 tỉnh/thành phố, tổng năng lượng tiết kiệm được năm 2021 là 284,1kTOE. Trong đó, thành phố Hà Nội là địa phương có mức tiết kiệm năng lượng cao nhất với 122,4 kTOE. Tiếp sau là TPHCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Tháp, Gia Lai, Long An, Bạc Liêu, Bến Tre...
Theo ông Đặng Hải Dũng, trong năm 2022, Văn phòng Ban chỉ đạo tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Hỗ trợ kỹ thuật kiểm toán năng lượng, xây dựng mô hình quản lý năng lượng cho các cơ sở sử dụng năng lượng. Xây dựng cơ sở dữ liệu về năng lượng và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tăng cường năng lực về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tăng cường kiểm tra, đánh giá, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả...
Kế thừa và phát huy những kết quả tích cực và khắc phục những hạn chế của Chương trình những giai đoạn trước, phối hợp và lồng ghép với các chương trình đang được triển khai thực hiện, ngày 13/3/2019, Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (VNEEP3). Mục tiêu tổng quát của chương trình nhằm huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hình thành thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mọi hoạt động của xã hội, để tiết kiệm năng lượng trở thành hoạt động thường xuyên đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm với các ngành kinh tế trọng điểm tiêu thụ năng lượng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã tham luận, chia sẻ những mô hình nhằm thực hiện hiệu quả chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2022 như: phát triển mô hình sử dụng năng lượng xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội; giải pháp tiết kiệm năng lượng và chiếu sáng tiện nghi; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân, nhà nước trong hợp tác quốc tế thực hiện chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực về tiết kiệm năng lượng...
Tiến Đạt