|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thời điểm 'hội tụ' để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Ngày 27/12, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm "Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - Cơ hội và thách thức".

Toạ đàm có sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học để hệ thống hóa, phân tích, nhận định, kiến giải, luận bàn về nhận thức, nội hàm, nội dung, cơ sở lý luận khoa học và thực tiễn đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới.

Ý Đảng hòa quyện với lòng dân trong khát vọng xây dựng đất nước

Tại toạ đàm, các chuyên gia nhận định, với thế và lực sau 40 năm đổi mới mà Việt Nam đã tích lũy được, có thể nói rằng đây là thời điểm chín muồi để đất nước ta, dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là bước phát triển tất yếu, hợp quy luật vận động của cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại.

PGS.TS. Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương
PGS.TS. Đào Duy Quát - nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương - Ảnh: Kim Liên

PGS.TS. Đào Duy Quát - nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương cho rằng, với vị trí, trọng trách của người đứng đầu Đảng, trong gần nửa năm nay, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có nhiều bài phát biểu, bài viết đưa ra thông điệp về kỷ nguyên mới.

Theo đó, nhân dân ta, đất nước ta đang chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên tăng tốc bứt phá để đạt mục tiêu đến giữa thế kỷ này trở thành một nước xã hội chủ nghĩa phát triển thu nhập cao, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

"Thông điệp này, tư tưởng lớn này đã đặt ra để toàn Đảng, toàn dân nhận thức sâu sắc về kỷ nguyên mới", ông nhấn mạnh.

Phân tích nội hàm, PGS.TS. Đào Duy Quát cho hay, nói đến "kỷ nguyên" là nói một chặng đường lịch sử phát triển nhất định của dân tộc, của nhân loại. Kỷ nguyên đó được đánh dấu bằng sự phát triển về "chất", đánh dấu bằng những thành tựu trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội.

Chặng đường cách mạng từ khi Đảng ta ra đời năm 1930 - 1945 đã mở ra cho dân tộc kỷ nguyên độc lập tự do. Từ năm 1946 - 1975, Đảng lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành sự nghiệp kiến quốc và đặc biệt là sự nghiệp kháng chiến, thống nhất đất nước, lập nên kỳ tích lịch sử và mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Đến năm 1986, Đảng khởi xướng sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện. Sau 40 năm đổi mới chúng ta đã đạt được những thành tựu vĩ đại, tạo ra những tiềm lực mới, vị thể mới.

Theo PGS.TS. Đào Duy Quát, nếu biết phối hợp, gắn chặt các điều kiện, tiềm lực, thế lực, vị thế, uy tín với thời cơ chiến lược, chúng ta dứt khoát mở ra và bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc.

"Thông điệp, tư tưởng lớn của Tổng Bí thư Tô Lâm đã được Hội nghị 10 Ban Chấp hành Trung ương hoàn toàn nhất trí và quyết định đưa vào văn kiện của Đại hội XIV để lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta thực sự bước vào với khí thế tăng tốc, bứt phá và đổi mới quyết liệt như các cuộc cách mạng để tạo ra bước phát triển bứt phá nhảy vọt", PGS.TS. Đào Duy Quát chia sẻ.

Kỷ nguyên phát triển bứt phá, tăng tốc

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Văn Đáng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, cụm từ kỷ nguyên mới rất hay, truyền cảm hứng, được nhân dân đón nhận, tin tưởng.

Theo ông Đáng, cụm từ "kỷ nguyên" thường được các nhà nghiên cứu lịch sử và các nhà xã hội học dùng để nhìn lại quá khứ và dùng các đặc điểm vật chất nào đó để xác định một giai đoạn như "kỷ nguyên đồ đá", "kỷ nguyên đồ đồng" hay "kỷ nguyên công nghiệp", bây giờ là "kỷ nguyên công nghệ", "kỷ nguyên số".

"Ở đây, chúng ta lại dùng "kỷ nguyên" cho tương lai, thể hiện sự khác biệt. Chúng ta chủ động xác định khoảng thời gian trong tương lai và ý chí quyết tâm chính trị của lãnh đạo Đảng và Nhà nước thể hiện rằng, trong thời gian tới, chúng ta sẽ có những bước tiến, bước chuyển hết sức rõ rệt về thực tế đời sống kinh tế, xã hội của đất nước", TS. Đáng nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
TS. Nguyễn Văn Đáng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Ảnh: Kim Liên

Phân tích lý do khi đề ra kỷ nguyên trong tương lai được cán bộ, đảng viên và cả xã hội hứng khởi tiếp nhận, vị chuyên gia cho rằng: Thứ nhất, về mặt kinh tế, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã thoát khỏi vị trí một nước nghèo để trở thành nước thuộc nhóm thu nhập trung bình từ những năm 2008-2009. GDP bình quân đầu người từ chưa đến 200 USD những năm 1990, đến nay đã đạt khoảng 4.300 USD. Đó là sự thay đổi rất rõ rệt, thuyết phục.

Thứ hai, thương mại quốc tế từ chỗ gần như bị cô lập trên trường quốc tế, đến nay đã có 17 hiệp định thương mại tự do với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ và tham gia tất cả tổ chức quốc tế trên thế giới; có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các siêu cường trên thế giới. Điều đó thể hiện sự hội nhập thế giới rất sâu rộng, chủ động, thành công của Việt Nam.

Thứ ba, về mặt xã hội, đã xóa đói, giảm nghèo rất thành công, đưa tỷ lệ nghèo đói của Việt Nam xuống rất thấp, được các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới coi là một câu chuyện thành công.

Thứ tư, về mặt chính trị, từ những năm 1980 - 1990, hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, bất chấp những biến động chính trị rất mạnh mẽ như vậy và thế giới có những cuộc cạnh tranh đa dạng, phức tạp trên bình diện khu vực và toàn cầu, Việt Nam vẫn giữ vững được sự ổn định chính trị trong gần 40 năm vừa qua.

Như vậy, có thể nói, trên mọi phương diện kinh tế, chính trị, xã hội, đối ngoại, thương mại quốc tế…, chúng ta đều có những bước tiến rất rõ rệt. Không chỉ nhân dân trong nước được thụ hưởng thành quả ấy mà cộng đồng quốc tế cũng thừa nhận.

Từ tâm thế đó nên khi Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ra cụm từ "kỷ nguyên mới", sau đó phân tích, bình luận và hướng người dân về tương lai, nhân dân đã đón nhận rất nồng nhiệt, ủng hộ quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước trong việc thay đổi vị thế quốc gia trong hơn 2 thập kỷ tới. Cụ thể hơn là đến giữa thế kỷ 21, đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển thu nhập cao, vươn lên nhóm quốc gia hạng nhất trên thế giới.

"Đây là quyết tâm chính trị rất tham vọng, rất nhiều thách thức sẽ đón đợi chúng ta, nhưng tôi tin những gì đang diễn ra cho thấy đó chính là khát vọng của dân tộc Việt Nam. Sau gần 40 năm đổi mới chúng ta phải bứt phá để vươn lên chứ không thể chùng chình", TS. Nguyễn Văn Đáng khẳng định.

Trước đó, vào chiều 25/11/2024, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, GS.TS Tô Lâm - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã trao đổi chuyên đề "Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam".

Đề cập tới kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phát triển theo chế độ xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Thảo Nguyên
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết