|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

PVN đón đầu xu hướng phát triển của công nghiệp hydro

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã có những nhận định về xu hướng phát triển của công nghiệp hydro trên thế giới để đánh giá các thuận lợi, khó khăn cũng như cơ hội phát triển của PVN trong lĩnh vực năng lượng hydro nói chung và hydro “xanh” nói riêng.

Với mục tiêu góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và trong bối cảnh sản lượng khai thác dầu khí trong nước ngày càng suy giảm, việc nghiên cứu và đánh giá cơ hội của PVN trong việc phát triển lĩnh vực hydro nói chung và sản xuất hydro “xanh” cũng như xác định các nguồn hydro tự nhiên nói riêng là rất cần thiết.

Thực hiện chương trình làm việc của HĐTV, mới đây, Chủ tịch HĐTV PVN Hoàng Quốc Vượng đã chủ trì buổi tọa đàm “Xu hướng phát triển của công nghiệp hydro và triển vọng phát triển cho PVN” với sự tham gia của các Thành viên HĐTV, Ban điều hành và lãnh đạo các Ban chuyên môn của PVN. 

Tại tọa đàm, Ban Chiến lược PVN đã trình bày báo cáo dẫn đề về xu hướng phát triển của công nghiệp hydro trên thế giới và chiến lược phát triển hydro của các quốc gia, tập đoàn năng lượng, dầu khí trên thế giới, khu vực; đánh giá những thuận lợi, khó khăn cũng như cơ hội phát triển của PVN trong lĩnh vực năng lượng hydro nói chung và hydro “xanh” nói riêng.

Hydro không chỉ là nguồn nhiên liệu mà còn là nguồn nguyên liệu quan trọng cho các lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế nói chung (như sản xuất công nghiệp, giao thông, dân dụng, sản xuất và tích trữ năng lượng), là nguyên/nhiên liệu cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của PVN nói riêng. Và trong tương lai, hydro “xanh” sẽ dần thay thế các nguồn nhiên, nguyên liệu hóa thạch để hình thành một nền kinh tế hydro trong tương lai không xa. 

Ngành công nghiệp hydro nói riêng hay nền kinh tế hydro nói chung đang phát triển nhanh và trở nên hiện hữu trên toàn cầu

Ngoài các nguồn hydro sản xuất từ các quá trình tổng hợp trong công nghiệp, gần đây, hydro còn được tìm thấy trong tự nhiên (dưới lòng đất) ở một số nơi trên thế giới. Vấn đề tìm kiếm, thăm dò, khai thác hydro tự nhiên đã thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học, doanh nghiệp trong thời gian gần đây. Ở Việt Nam, có nhiều khu vực có thể xuất hiện hydro tự nhiên như các khu vực có nhiều hoạt động núi lửa, các bể trầm tích liên quan đến thành tạo than, thành tạo móng granite...

Trên cơ sở các ý kiến trao đổi, thảo luận trong buổi tọa đàm, Chủ tịch HĐTV PVN Hoàng Quốc Vượng đưa ra một số kết luận. Cụ thể, ngành công nghiệp hydro nói riêng hay nền kinh tế hydro nói chung đang phát triển nhanh và trở nên hiện hữu trên toàn cầu. Nhiều quốc gia đang chuẩn bị cho việc hình thành nền kinh tế hydro và các tập đoàn năng lượng, dầu khí trên thế giới bắt đầu triển khai phát triển hydro “xanh” sản xuất từ năng lượng tái tạo để chuẩn bị cho việc sản xuất thương mại sau năm 2030. 

Mặc dù lĩnh vực hydro “xanh” còn nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề giá thành sản xuất còn cao tuy nhiên, với tốc độ phát triển của năng lượng tái tạo trong thời gian vừa qua cùng với sự hoàn thiện công nghệ sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển của hydro “xanh” và có thể sản xuất quy mô thương mại từ sau năm 2030. 

Để có sự chuẩn bị nhằm tiếp cận với với xu hướng phát triển ngành công nghiệp hydro khi có điều kiện đồng thời báo cáo Bộ Công Thương về triển vọng phát triển hydro của PVN cùng các đề xuất cụ thể, trước mắt, PVN cần tham gia vào quá trình hoạch định các chiến lược, chính sách để tạo khung pháp lý cần thiết cho việc phát triển năng lượng hydro thông qua việc kết hợp với các viện nghiên cứu, Bộ, ngành liên quan để thúc đẩy việc phát triển ngành công nghiệp hydro của Việt Nam.

Thông qua chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ dài hạn của PVN, tập trung công tác nghiên cứu ứng dụng, tiếp cận các công nghệ mới trong chuỗi sản xuất, vận chuyển, lưu trữ và sử dụng/ứng dụng hydro để đón đầu và sẵn sàng tham gia sản xuất, kinh doanh hydro khi thị trường có đủ điều kiện.

Nghiên cứu xu thế phát triển hydro “xanh” trên cơ sở đặc thù chuyên ngành và các lợi thế sẵn có của hạ tầng ngành dầu khí. Trong đó tập trung: xác định có hay không các mỏ/vỉa hydro tự nhiên; nghiên cứu phát triển chuỗi giá trị hydro, đặc biệt chuỗi năng lượng tái tạo – hydro – pin nhiên liệu (fuel cell)/sản xuất điện và sản xuất các sản phẩm hóa dầu (đạm, amoniac, methanol...).

Tích cực triển khai các dự án điện gió ngoài khơi có giá cạnh tranh, giá thành điện rẻ nhằm tạo tiền đề để phát triển năng lượng hydro. Trong đó, cần xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể để đảm bảo đến năm 2030 PVN đạt sản lượng 1.400 MW điện gió ngoài khơi.

Hải Long


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết