|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát huy vai trò đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Đại dịch Covid-19 đã tác động ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các doanh nghiệp (DN) FDI tại Việt Nam, vì vậy cần có các giải pháp hỗ trợ thích hợp cho FDI phát huy vai trò trong bối cảnh bình thường mới.

Chia sẻ thông tin tại Hội thảo về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, mới diễn ra, do Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh tổ chức, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VIAC, cho rằng: Đại dịch Covid-19 đã khiến “bức tranh” FDI tại Viêt Nam 2021 gặp nhiều khó khăn, thách thức. Thống kê của Bộ Kế hoạch Đầu tư cho thấy, 11 tháng năm 2021, tổng vốn FDI vào Việt Nam có 1.577 dự án cấp phép mới, với số vốn đăng ký 14,1 tỷ USD (tăng 3,76% so với cùng kỳ 2020). Tuy nhiên, theo ông Lộc, vốn đầu tư mới tăng so với cùng kỳ năm 2020, nhưng mức tăng lại giảm so với các cùng kỳ những năm trước, tổng số dự án FDI mới cũng đã giảm khoảng 32% so với cùng kỳ 2020.

Khảo sát của Hiệp hội DN châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam trong quý 3/2021 cũng cho thấy, các thành viên của EuroCham cho biết đã có khoảng 18% đơn hàng của một số nhãn hàng lớn dịch chuyển khỏi Việt Nam; trên 30% DN thành viên EuroCham đã tính tới việc đa dạng hóa thị tường và chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Việt Nam. Còn theo đánh giá của Hiệp hội DN Pháp tại Việt Nam, giao thương Việt Nam - Pháp năm 2021 cũng đã giảm 12,7%; nhiều nhà đầu tư Pháp đã không thể vào Việt Nam để khởi động các dự án; 70% các DN Pháp đầu tư tại Việt Nam đã phải tạm ngừng hoạt động do Covid-19, chỉ khoảng 17% không chịu ảnh hưởng nhiều. Các DN thuộc các đối tác lớn khác đang đầu tư tại Việt Nam như Đức, Hoa Kỳ… cũng chịu nhiều thiệt hại.

Phát huy vai trò đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới
Sản xuất của doanh nghiệp FDI. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, trong quý 4/2021, Chính phủ đã điều chỉnh kịp thời chiến lược phòng chống dịch theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, mở cửa trở lại nền kinh tế, nên sản xuất, kinh doanh của các DN (bao gồm FDI) đang từng bước phục hồi. Chính phủ đang có chương trình tổng thể để hồi phục kinh tế, sẽ có sự hỗ trợ mới cho các DN, đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, cải cách thể chế, có cơ chế đặc thù để yểm trợ cho cộng đồng DN trong giai đoạn khó khăn này, đơn giản hóa thủ tục hành chính... Một kế hoạch mở lại các đường bay quốc tế cũng đã được lập ra để phục hồi du lịch và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài trở lại Việt Nam trực tiếp chỉ đạo hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cùng với chiến dịch mở rộng tiêm chủng vắc xin, áp dụng hộ chiếu, giấy thông hành vắc xin, đang kỳ vọng mang lại những cơ hội mới cho cộng đồng DN nói chung và các DN FDI nói riêng hồi phục phát triển trong năm 2022.

Đại diện Phòng Thương mại Thái Lan tại Việt Nam (ThaiCham), cho biết: Các DN Thái Lan đã có nhiều dự án đầu tư tại Việt Nam với số vốn khoảng 15 tỷ USD. Vừa qua, nhiều địa phương Việt Nam giãn cách xã hội thời gian dài, các DN Thái Lan đã gặp rất nhiều khó khăn, khoảng 70% đã phải tạm ngừng sản xuất, nhất là đối với các dự án may mặc sử dụng nhiều nhân công, các dự án nhà hàng, khách sạn… Tuy nhiên, các DN Thái Lan hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ thì vẫn hoạt động khá tốt. Các DN FDI nói chung và DN Thái Lan đang đầu tư tại Việt Nam nói riêng sẽ cần nhiều thời gian để giải quyết hệ quả của đại dịch. Song đại diện ThaiCham cho biết, các DN Thái Lan vẫn hoàn toàn tin tưởng vào triển vọng hồi phục kinh tế nhanh của Việt Nam, do Việt Nam có chiến lược chống dịch linh hoạt và kiểm soát khá tốt dịch bệnh, thị trường Việt Nam lớn, cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về môi trường kinh doanh...

Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban nghiên cứu tổng hợp Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, khu vực FDI đã khẳng định vai trò rất quan trọng đối với tăng trưởng GDP, đóng góp rất nhiều vào xuất khẩu hàng hóa cũng như đà hồi phục tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay. Làm thế nào để phát huy vai trò của FDI trong bối cảnh mới là điều cần quan tâm.

Theo ông Dương, một số vấn đề DN FDI quan tâm trong bối cảnh mới, đó là cần xử lý hiệu quả diễn biến của đại dịch; giải quyết tốt vấn đề nguồn cung lao động do đại dịch tác động; quyết liệt thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế tiếp tục cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng lực cho các DN nội địa trong quan hệ liên kết với các DN FDI.

Ở góc độ tổ chức trọng tài quốc tế liên quan đến hoạt động của DN, ông Vũ Tiến Lộc, cho rằng, để thu hút và thúc đẩy FDI trong bối cảnh mới, cần hoàn thiện môi trường thể chế chất chất lượng hơn. Theo ông Lộc, cải thiện hành lang pháp lý sẽ là yếu tố then chốt để tăng cường tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Các nhà đầu tư FDI cần được cung cấp đầy đủ thông tin về hành lang pháp lý, tư vấn và hỗ trợ về thông tin, nhất là về các qui định cần chú ý và những điều cần tránh, các phương án phòng ngừa xử lý tranh chấp, xung đột để giúp cho họ có động lực và yên tâm đầu tư.

Ngọc Quỳnh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết