Người lính Quảng Trị trọn đời với ngành Dầu khí
Là một người lính từng vào sinh ra tử trong những năm tháng khốc liệt nhất tại chiến trường Quảng Trị, chính điều đó đã giúp ông sau này có thêm nghị lực vượt qua biết bao khó khăn thử thách trên mặt trận kinh tế đi tìm “vàng đen” làm giàu cho Tổ quốc.
Lạc quan trong mưa bom, bão đạn
Ông Nguyễn Văn Minh |
Ông là Nguyễn Văn Minh, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) Tập đoàn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam (DKVN). Ông Minh sinh năm 1952, trong một gia đình giàu truyền thống hiếu học tại xã Thanh Lương, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Cụ thân sinh là giáo viên dạy Sử vì thế ngay từ nhỏ ông đã được giáo dục lòng yêu nước.
Tháng 5-1972, theo tiếng gọi của Tổ quốc ông đã xung phong lên đường nhập ngũ và tham gia vào chiến trường Quảng Trị đầy bão lửa. Ông kể, mỗi lần lên chốt là phải tự xác định có thể sẽ không trở về. Mỗi chiến sĩ thường chuẩn bị cho mình một bộ đồ “hậu sự”, bao gồm: Một bộ quân phục mới, một cái tăng (bao bằng nilon để đựng thi hài), một lọ penicillin trong đó đựng mảnh giấy ghi tên tuổi, quê quán, đơn vị. Gần 3 năm tại chiến trường Quảng Trị, ông trở nên dạn dày bom đạn, chỉ cần nghe tiếng đạn pháo rít là có thể đoán được bắn từ đâu và rơi vào đâu. Rất nhiều lần ông được tận mắt chứng kiến những vòng tròn đồng tâm chết người do sức nổ của bom từ siêu pháo đài bay B-52 trút xuống. Trong một trận rải thảm của B-52, đại đội của ông hy sinh gần hết, bản thân ông bị thương ở chân. Ra viện, cấp trên cho về tuyến sau nhưng ông vẫn xin trở lại đơn vị cũ tiếp tục chiến đấu.
Ông Nguyễn Văn Minh tại Đại hội Chi bộ Cơ quan Hội DKVN nhiệm kỳ 2017-2020 |
Tại chiến trường khốc liệt này, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam khi mới 22 tuổi. Cuộc sống, chiến đấu với ông vẫn đầy lạc quan. Do có đôi chút năng khiếu về âm nhạc, biết chơi đàn từ lúc còn là học sinh, ông đã được cử vào đội văn nghệ xung kích của đơn vị. Văn nghệ, ca hát nhưng lại là trọng trách, bởi đội văn nghệ của đơn vị ngoài việc phục vụ chiến sĩ còn có nhiệm vụ làm công tác địch vận. Ông còn nhớ, có những lần đội văn nghệ phải biểu diễn giữa hai chiến tuyến. Giữa hai làn đạn, tưởng như chỉ có tiếng súng và cái chết, ấy thế mà tiếng hát mộc mạc nhưng hùng hồn, đầy cảm xúc, chứa chan tình yêu nước và tinh thần nhân ái của đội văn nghệ xung kích vẫn vang lên, đã góp phần củng cố thêm quyết tâm chiến đấu của quân ta, đồng thời từng bước cảm hóa binh lính đối phương. Thời điểm đó, binh lính đối phương nhìn chung đã chán ghét cuộc chiến phi nghĩa của Mỹ - ngụy. Họ lặng im để nghe tiếng hát đội văn nghệ vang lên trong không gian. Trong chiến tranh có những khoảnh khắc thật kỳ lạ. Hai bên chĩa súng về phía nhau nhưng cùng lặng nghe lời ca vang lên từ tâm hồn con người. Và hẳn rằng, trong sâu thẳm, đã có không ít những trái tim thổn thức… Thế nhưng, cũng có lần đang biểu diễn, chỉ huy lính ngụy ra lệnh báo động chiến đấu. Đáp lại phía ta cũng ra lệnh báo động chiến đấu. Lúc ấy đội văn nghệ được lệnh cứ tiếp tục biểu diễn, không được lui. Và hôm ấy địch chỉ báo động dọa ta.
Hội DKVN thăm Phòng truyền thống Dầu khí tại Thái Bình |
Ông còn nhớ kỷ niệm vui từ cái lần tham dự hội diễn văn nghệ của tỉnh Quảng Trị cuối năm 1973. Muốn biểu diễn hay thì phải có đàn, mà giữa lúc bom đạn, chiến tranh thì đào đâu ra của hiếm ấy. Nghĩ mãi, thế là ông nảy ra ý tưởng làm một chiếc đàn từ cái mũ sắt của lính ngụy mà ông thu được.
Ông ngồi lì trong hầm hì hụi đẽo cái cần đàn, gọt cái miệng mũ cho phẳng, khéo lựa miếng tôn giấy làm mặt đàn, căng thêm 3 cái dây cước. Đơn giản thế mà khi gảy thử đàn kêu “tưng tửng” ra vần ra điệu mới tài. Tại hội diễn của tỉnh, “nghệ sĩ” Văn Minh vừa đàn vừa hát ca khúc “Tiến về Sài Gòn”. Anh em phấn khích, reo hò vỗ tay ầm ĩ. Ai cũng thắc mắc, không hiểu chiếc đàn tự tạo của Văn Minh nên gọi là “giống” đàn gì. Đàn vừa có bầu, có 3 cái dây và cái cần dài hao hao giống đàn nhị. Khi ông Minh cúi chào, giơ lên rồi quay ngược cái đàn thì mọi người mới biết tác phẩm được chế từ mũ cối của lính ngụy. Tất cả được một trận cười no bụng. Vì nét đặc sắc ấy mà tiết mục của đơn vị ông ẵm luôn giải nhất.
Cống hiến cho ngành Dầu khí
Hòa bình lập lại, ông Minh rời cuộc chiến với rất nhiều kỷ niệm và dự định, tự nhủ với bản thân mình phải làm gì đó để cống hiến cho nhân dân, cho đất nước. Năm 1977, ông được cho đi ôn tập văn hóa để thi vào Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Việt Bắc. Với vốn kiến thức cơ bản vững vàng, ông thi đỗ với số điểm cao và được cử đi học chuyên ngành Khai thác dầu mỏ của Đại học Dầu - Hóa Bacu, nước Cộng hòa Azerbaijan (Liên Xô trước đây). Ông lại tiếp tục đi học cho đến năm 1978 thì được cử sang thành phố dầu khí Bacu, Liên Xô để học đại học chuyên ngành khai thác dầu. Lúc này, với ông, dầu khí vẫn là điều hết sức mới mẻ, chỉ hiểu đơn thuần dầu khí mang lại sự phát triển cho nhân loại. Càng học, càng say mê, càng hiểu về vai trò quan trọng của dầu khí.
Tốt nghiệp đại học với tấm bằng đỏ, ông về nước và đã trở thành cán bộ của Phòng Kỹ thuật - Xí nghiệp Khai thác khí Tiền Hải Thái Bình thuộc Công ty Dầu khí I (Tổng cục Dầu khí Việt Nam). Tại đây, ông là chủ biên của công trình thiết kế “Phương án khai thác mỏ Tiền Hải C”. Kể sao hết những gian nan của việc thiết kế công trình đầy ý nghĩa ấy. Yêu cầu đặt ra là công trình phải khoa học, chính xác, an toàn, hiệu suất cao. Thế nhưng, ngày ấy trong điều kiện đất nước còn khó khăn, tất cả các tính toán đều được thực hiện bằng tay, rất căng thẳng. Sau 6 tháng miệt mài, ông và các cộng sự đã hoàn thành được công trình nhiều ý nghĩa ấy. Đây là mỏ khí đầu tiên của Việt Nam, cũng do người Việt Nam tự lực tính toán và thiết kế phương án khai thác. Công trình đã bước đầu thể hiện được sự tự chủ về công nghệ của ngành Dầu khí Việt Nam.
Trong suốt quá trình là “người dầu khí” đến nay, ông Nguyễn Văn Minh đã tham gia vào nhiều đề án khai thác dầu khí trên khắp đất nước. Ông luôn tâm niệm rằng: “Dầu khí là tài sản quý hiếm của quốc gia. Khai thác đi một thùng dầu là đất nước nghèo đi một thùng dầu. Phải làm sao khai thác và sử dụng có hiệu quả nhất nguồn tài nguyên quý hiếm đó…”. Chính vì nhận thức và trách nhiệm đó với đất nước, ông Minh luôn say sưa quên ăn, quên ngủ với các công trình nghiên cứu và cũng sẵn sàng hợp tác công bằng với các đối tác để có thể bảo vệ lợi ích cao nhất cho đất nước.
Có một kỷ niệm đáng nhớ, đó là vào năm 1987, khi đó ông Minh với tư cách chủ biên, ông đã cùng các đồng nghiệp bảo vệ thành công “Phương án khai thác mỏ Tiền Hải C” - một “Kế hoạch phát triển mỏ” dầu khí đầu tiên ở Việt Nam. Hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, được cấp trên tin tưởng, ông tiếp tục được giao nhiệm vụ nghiên cứu công tác thăm dò khai thác dầu khí. Năm 2000, phòng của ông nhận báo cáo gấp, đất tự dưng bốc cháy, gây thiệt hại tại thôn Thanh Nội (huyện Vũ Thư, Thái Bình). Người dân trong vùng vô cùng hoang mang, còn đồn thổi thêm những yếu tố mang tính chất mê tín dị đoan. Lúc này tỉnh Thái Bình chữa cháy nhưng lượng khí cháy bốc lên ngày một lớn. Lãnh đạo tỉnh đã phải điện khẩn cho lãnh đạo Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (tiền thân của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) đề nghị ứng cứu khẩn cấp.
Nhiệm vụ được giao cho Phòng Thăm dò Khai thác làm chủ trì. Ông Minh cùng nhóm chuyên gia địa chất, khoan, an toàn và bảo vệ môi trường tức tốc xuống hiện trường nắm bắt tình hình và hướng dẫn an toàn cho nhân dân. Ông chỉ huy anh em tạo một mũi khoan 40m nằm xiên với vị trí của “giếng lửa” và sử dụng bột barit (một loại dung dịch nặng) vận chuyển từ Gia Lâm, Hà Nội bằng cả chục xe tải hạng nặng để xử lý. Liên tiếp trong 2 ngày vất vả khắc phục sự cố, cuối cùng dòng khí được điều chỉnh, thành công này của ông và các đồng nghiệp đã ứng cứu dân làng kịp thời và rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm.
Sau này ông và đồng nghiệp chứng kiến và tham gia vào hàng trăm mũi khoan quan trọng của đất nước. Mỗi mũi khoan thăm dò ở một miền đất ông và các đồng nghiệp coi đó là một “mặt trận”, mà ở đó những “con người dầu khí” phải chắt chiu công sức, nghiên cứu tìm tòi, đánh đổi mồ hôi kể cả xương máu trong công cuộc tìm lửa phục vụ cho đất nước. Với bản lĩnh của người lính, ở bất kỳ cương vị nào ông cũng hăng hái tham gia, học hỏi kiến thức góp phần cùng anh em hoàn thành nhiệm vụ. Ông nói, giọng vui vui: “Lúc đó, dầu khí ở Việt Nam còn là tiềm năng, chưa rõ tương lai thế nào. Nhưng là lính, thi đậu đại học lại được đi học nước ngoài là hạnh phúc lắm rồi, không dám mơ gì nữa, nên học ngành gì cũng thích”.
Trạm xử lý đầu tiên của mỏ khí Tiền Hải C được xây dựng trên nền Giếng 61 thuộc xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình |
Đóng góp tâm sức cho công trình nghiên cứu quan trọng
Khi đã trở thành một trong những chuyên gia hàng đầu trong ngành Dầu khí trong lĩnh vực thăm dò, khai thác, ông đã tham gia vào công trình nghiên cứu tập thể “Tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong đá móng Granitoit trước đệ tam Bể Cửu Long thềm lục địa Việt Nam”. Công trình này là tâm sức của bao thế hệ người dầu khí Việt Nam để có thể hiểu rõ về các mỏ dầu của Tổ quốc, từ đó đề ra các phương án khai thác hiệu quả. Công trình nghiên cứu này đang được đề nghị xét Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Có thể hiểu nôm na rằng, đặc trưng của địa chất dầu khí ở Việt Nam khác xa so với phần lớn các nước trên thế giới. Trên thế giới, trong đá móng chỉ có khoảng 3% lượng dầu, nhưng tỷ lệ này ở các mỏ dầu tại Việt Nam là 80%. Chính vì tính đặc thù, “không giống ai” đó, đòi hỏi phương án, công nghệ, quy trình khai thác các mỏ dầu của Việt Nam cũng “chẳng giống ai”. Trong khi, việc khai thác dầu trong đá móng trên thế giới chưa có nghiên cứu, chưa có tiền lệ. Không chịu đầu hàng, các kỹ sư dầu khí Việt Nam đã đi đầu trong việc nghiên cứu ra một công nghệ mới để có thể khai thác hiệu quả dầu trong đá móng Granitoit. Đây chính là nghiên cứu quyết định sự thành công của ngành Dầu khí Việt Nam.
Thời kỳ giữ cương vị Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, nhiệm vụ chính của ông Minh là “đầu tàu” để động viên, cổ vũ phát huy, lan tỏa truyền thống, hình ảnh đẹp của người lính trên mặt trận làm kinh tế, gương mẫu mọi mặt trong công tác và sinh hoạt, nâng cao năng suất lao động cùng với đơn vị hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Với những đóng góp của mình, ông Chủ tịch “Cựu chiến binh Dầu khí” đã được tặng nhiều huân huy chương, danh hiệu, bằng khen, phần thưởng cao quý như: 2 Huân chương Lao động hạng Nhì và hạng Ba; Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huy chương Chiến sĩ vẻ vang. Ông cũng một trong những cán bộ tiêu biểu của ngành Dầu khí Việt Nam trong chặng đường hơn 60 năm qua. Sau này dù đã nghỉ hưu, song TS. Nguyễn Văn Minh vẫn dành trọn sự tâm huyết, say mê công tác tư vấn, phản biện, nghiên cứu khoa học tại Hội Dầu khí Việt Nam cũng như tham gia các hoạt động của Hội Cựu chiến binh để truyền cảm hứng đến lớp trẻ kế cận.
Mạnh Kiên