Khuyến công Nghệ An: Thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn
Những năm gần đây, hoạt động khuyến công tại tỉnh Nghệ An ngày càng đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp, các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Sáng ngày 9/12, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác khuyến công và trao Giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia lần thứ IV, năm 2021. Tham dự tại điểm cầu Nghệ An có ông Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Phạm Văn Hoá - Giám đốc Sở Công Thương và đại diện các huyện Quỳnh Lưu, Đô Lương và TP. Vinh.
Ông Phạm Văn Hoá - Giám đốc Sở Công Thương phát biểu tại điểm cầu Nghệ An |
Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kết nối giao thương, khôi phục làng nghề
Hoạt động khuyến công 2021 đã thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư vào đổi mới ứng dụng máy móc thiết bị công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm; đào tạo nguồn nhân lực, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm. Chương trình đã góp phần đẩy mạnh việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP; đồng thời, thúc đẩy phát triển các cụm công nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Các đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí địa phương đã và đang phát huy hiệu quả, kịp thời giúp các DN, cơ sở công nghiệp nông thôn Nghệ An cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất, tối ưu hóa quy trình sản xuất. Đồng thời, khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên bản địa, tạo việc làm cho lao động địa phương, gia tăng giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong nước và thị trường xuất khẩu.
Trong năm 2021, từ quỹ khuyến công quốc gia, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Nghệ An đã hỗ trợ 1 đề án, với kinh phí 300 triệu đồng hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất vật liệu xây dựng cho Công ty CP Thương mại kính Việt Đức (tại Khu công nghiệp Vsip Nghệ An).
Từ quỹ khuyến công địa phương được tỉnh Nghệ An phê duyệt 4,5 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ 15 đề án máy móc thiết bị, tiên tiến, dây chuyền công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ 3 đề án tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề ngắn hạn; 5 đề án tổ chức tập huấn, hội thảo; tham quan, khảo sát, mở rộng thị trường, học tập kinh nghiệm trong nước; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng làng nghề cấp tỉnh, huyện…
Để phát huy hơn nữa hiệu quả, thời gian tới, trung tâm khuyến công tiếp tục huy động các nguồn tài chính cho hoạt động khuyến công, khuyến khích hỗ trợ cải tiến, đổi mới công nghệ vào sản xuất công nghiệp nông thôn, qua đó tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường.
Sản phẩm lồng đèn mây tre đan của Công ty TNHH Đức Phong (KCN- Nghi Phú- Nghệ An) nhiều năm liền được bình chọn là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia. |
Nhiều năm qua, tỉnh Nghệ An cũng đã dành nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trợ cho công nghiệp nông thôn (CNNT) phát triển trong đó có chương trình khuyến công. Những sản phẩm CNNT đã phát huy được thế mạnh địa phương về nguyên vật liệu, kỹ năng và kinh nghiệm của người lao động. Các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Tuy nhiên, quy mô các cơ sở sản xuất nhỏ, năng lực tiếp cận thị trường hạn chế, khả năng cạnh tranh còn thấp.
Phát biểu tại Hội nghị - điểm cầu Nghệ An, ông Phạm Văn Hoá - Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho rằng, khuyến công là một chương trình lớn của quốc gia, là một chương trình hết sức có ý nghĩa trong phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động nộng thôn. Tuy nhiên qua thưc hiện có một số hạn chế như, quy mô hỗ trợ còn rất nhỏ, trong năm 2021 trong nguồn khuyến công quốc gia hỗ trợ tính ra bình quân mỗi tỉnh chỉ có 1 tỷ đồng. Thêm đó, từ một số chính sách cụ thể, nhưng tạo ra sản phẩm lan toả còn hạn chế, nhiều chính sách không thay đổi dù đã 10 năm, nhiều chính sách chưa phù hợp, cơ chế quản lý, chỉ đạo còn chồng chéo dẫn đến thiếu đồng bộ.
Ông Phạm Văn Hoá cũng kiến nghị, Bộ Công Thương, Cục Công nghiệp địa phương nghiên cứu chương trình có quy mô chính sách phù hợp, như hỗ trợ trong chuyển đổi số, cơ chế quản lý nên đồng bộ và tập trung, hỗ trợ phát triển thị trường, phát triển hoạt động dịch vụ công… Riêng về yếu tố vùng miền, nên có quy hoạch vùng miền vì mỗi địa phương có quy mô dân số khác nhau, yêu cầu kinh phí khác nhau.
Thời gian tới, Nghệ An mong muốn nhận được sự ủng hộ từ phía Bộ, ngành liên quan, tập trung đẩy mạnh các hoạt động khuyến công và hướng chính sách ưu đãi đầu tư vào việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực quản lý, sức cạnh tranh bền vững. Bên cạnh đó, mỗi doanh nghiệp, mỗi nhà sản xuất phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng và phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, mang thương hiệu Việt để khẳng định uy tín trên thị trường thế giới.
Năm 2021, tỉnh Nghệ An có 4 sản phẩm được trao Giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia lần thứ IV |
Cùng với hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác khuyến công, Bộ Công Thương trao Giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia lần thứ IV. Trong năm 2021, 4 sản phẩm của Nghệ An được bình chọn là Đèn lồng DP 630 và DP 640 của Công ty TNHH Đức Phong; Tảo Spitulina Michio của Công ty CP Khoa học công nghệ tảo VN; máy bẻ đai thép tự động của Công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu; sản phẩm nước mắm 559 Quỳnh Lưu của Công ty CP Thuỷ sản Quỳnh Lưu.
Nhân dịp này, Bộ Công Thương đã tặng Bằng khen, ghi nhận thành tích xuất sắc về công tác khuyến công trong giai đoạn 2014-2020 cho 3 tập thể và cá nhân, Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Đô Lương; Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp; cá nhân có bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, chuyên viên Phòng quản lý công nghiệp Sở Công Thương Nghệ An.
Ông Nguyễn Xuân Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Nghệ An: Qua triển khai thực hiện, các cơ sở sản xuất đã hoạt động hiệu quả hơn, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tạo việc làm cho nhiều lao động, không ít trong số đó có sản phẩm được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Qua các năm, kinh phí cho các đề án khuyến công địa phương được nâng lên, năm 2016, nguồn kinh phí dành cho khuyến công địa phương là 4 tỷ đồng, năm 2021, riêng nguồn vốn từ quỹ địa phương đã tăng lên 4,5 tỷ đồng, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư nâng cấp máy móc, thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất. |
Hoàng Trinh