|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khai thác khoáng sản trái phép tại Nghệ An: Chính quyền kêu khó

Dù ngành chức năng đã xử lý quyết liệt thế nhưng tại Nghệ An, tình trạng khai thác khoáng sản không phép vẫn diễn ra tràn lan. Ngoài sự manh động, bất chấp của đối tượng còn do sự dung túng và những lỗ hổng trong quản lý nên nạn khai thác khoáng sản trái phép bùng phát trên diện rộng, gây bức xúc dư luận những ngày qua.

Khai thác khoáng sản trái phép trên diện rộng

Bất ngờ đột kích vào khu vực núi Phá Chủng vào ngày 13/7 vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với Phòng Cảnh sát cơ động bắt quả tang hàng chục đối tượng và phương tiện đang có hoạt động khai thác khoáng sản (đá trắng) trái phép quy mô lớn tại khu vực núi Phá Chủng, xóm Kèn, xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An.

Khai thác khoáng sản trái phép tại Nghệ An: Chính quyền kêu khó
Mỏ đá trắng tại núi Phá Chủng, xóm Kèn, xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An bị các đối tượng khai thác trái phép tan hoang

Tại thời điểm khiểm tra, lực lượng chức năng đã tạm giữ hàng loạt tang vật gồm 5 máy xúc đào, 1 ô tô tải, 4 máy cắt đá (máy cắt 2 dây), 2 máy làm hơi, 2 máy khoan đứng phục vụ cho hoạt động khai thác khoáng sản trái phép nói trên. Số lượng khoáng sản bị khai thác trái phép thu giữ tại hiện trường khoảng 800m3 đá trắng các loại, trị giá nhiều tỷ đồng. Ngoài ra, qua kiểm tra kho chứa hàng của chủ cơ sở này, lực lượng chức năng còn phát hiện thu giữ thêm gần 100m3 đá trắng các loại.

Sau khi củng cố hồ sơ, tài liệu chứng cứ, xác định các đối tượng thực hiện hành có dấu hiệu của tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” quy định tại Điều 227, Bộ luật Hình sự, ngày 16/7, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối tượng Trần Văn Bảy; ngày 21/7/2021, tiến hành tạm giữ hình sự đối tượng Đào Xuân Dương (SN 1986), trú tại xã Tam Hợp, Quỳ Hợp để phục vụ công tác điều tra.

Ngày 23/7, căn cứ vào kết quả điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã ra quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với Trần Văn Bảy về tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” theo Khoản 2, Điều 227 Bộ luật Hình sự.

Hay trước đó, đầu tháng 6/2019, tại khu vực đất lâm nghiệp giáp biên giới Việt – Lào tại xã Thanh Sơn (huyện Thanh Chương), lực lượng chức năng cũng đã phát hiện và bắt quả tang nhiều đối tượng đang tiến hành khai thác đá thạch anh trái phép với quy mô lớn. Tang vật thu giữ tại hiện trường là 2 chiếc máy múc dùng cho hoạt động khai thác và nhiều sản phẩm đá thạch anh đã được đào lên khỏi lòng đất chuẩn bị đưa đi khỏi hiện trường.

Tại xã Thanh Sơn, người dân cho rằng khu vực khai thác đá thạch anh trái phép nói trên đã diễn ra khá lâu, kéo dài đến cả năm trời, nhưng lực lượng chức năng từ xã đến huyện gần như không thấy xuất hiện để kiểm tra, xử lý theo quy định.

Việc khai thác trái phép khoáng sản làm thất thoát tài nguyên, tác động xấu đến môi trường, nguồn nước, làm sạt lở đất đai, vào mùa mưa lũ, các dòng chảy trong các núi đá bị đất đá vùi lấp, tắc nghẽn dòng chảy, gây ngập úng đầu nguồn. Bên cạnh đó còn tiềm ẩn và phát sinh nhiều tệ nạn xã hội như buôn bán, vận chuyển, sử dụng chất ma túy, nghiện ma túy; tai nạn lao động, tại nạn rủi ro, gây thất thu cho ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội.

Chính quyền kêu khó

Trên thực tế, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép đã diễn ra từ rất lâu, Chính phủ phải vào cuộc chỉ đạo quyết liệt các địa phương ngăn chặn vấn nạn này, song đến nay nó vẫn tiếp diễn. Dư luận đang hoài nghi liệu có lợi ích nhóm, sự bảo kê cho loại tội phạm này, bởi lâu nay luôn có sự mập mờ trong quy hoạch, cấp phép khai thác khoáng sản.

Khai thác khoáng sản trái phép tại Nghệ An: Chính quyền kêu khó
Lực lượng công an đang bảo vệ hiện trường với hàng loạt máy móc, thiết bị dùng để khai thác đá trái phép với hơn 800m3 đá khối tại hiện trường

Đặc biệt, đạo đức và trách nhiệm xã hội của một số cán bộ, công chức làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa được nâng cao; động lực đấu tranh với những sai phạm trong việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường trong ngành còn hạn chế...

Có thể thấy, với các hoạt động khai thác khoáng sản phải mất nhiều thời gian để tập kết máy móc phương tiện, mở đường, bóc tầng, vận chuyển… do đó nếu có thì chắc chắn khu dân cư, chính quyền cơ sở phải biết, chứ không thể nói là không biết. Đối với các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, ngoài trách nhiệm của lực lượng Công an, thì vai trò của chính quyền địa phương các cấp là vô cùng to lớn. Quản lý, bám nắm địa bàn là trách nhiệm của địa phương, vì vậy nếu để xảy ra các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, thì trách nhiệm đầu tiên phải là chính quyền cấp xã sau đó mới đến các cơ quan chức năng liên quan.

Trên thực tế, trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương, nhưng các đối tượng vẫn tranh thủ cơ hội “đào” khoáng sản từ lòng đất lên bằng nhiều cách, nhiều trò. Còn về phía chính quyền địa phương chỉ đến khi các lực lượng chức năng vào cuộc, lập biên bản xử lý, thu giữ phương tiện, hoặc khi các cơ quan báo chí phản ánh thì mới “ngã ngửa”. Nhiều nguyên nhân được đưa ra, như “không biết”, “chưa nắm rõ tình hình”, hoặc “đổ trách nhiệm” cho cấp… rồi đầy đủ các lý do như chính quyền cơ sở không có nhiều chế tài, thiếu nhân lực nên chỉ dám lập biên bản và báo cáo cấp trên… Tình trạng trên khiến dư luận đặt câu hỏi, liệu có việc thông đồng, ăn chia giữa những người đang có chức trách trong công tác quản lý khoáng sản với “khoáng tặc”?

Để ngăn chặn tận gốc tình trạng khai thác khoáng sản trái phép như hiện nay, thì cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ, bịt “lỗ hổng” về chính sách, pháp luật, về phân cấp, quy trách nhiệm trong quản lý tài nguyên, khoáng sản, để những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền trong quản lý khoáng sản phải thực sự vào cuộc, không tiếp tay cho “khoáng tặc”. Những nơi để xảy ra vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản với quy mô lớn, gây hậu quả nghiêm trọng, cần phải khởi tố các đối tượng vi phạm, trong đó không thể bỏ qua những cán bộ lãnh đạo các cấp và cán bộ chuyên trách liên đới theo quy định của pháp luật.

Theo số liệu từ UBND huyện Quỳ Hợp, trên địa bàn toàn huyện đã có 121 điểm mỏ khoáng sản được cấp phép khai thác. Đến thời điểm hiện nay đã có 57 điểm mỏ hết hạn khai thác, còn khoảng trên 60 điểm mỏ còn hạn và mới được cấp phép khai thác; có 176 xưởng chế biến khoáng sản; có 158 doanh nghiệp hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản. Vào cuối tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 1950 về việc đóng cửa mỏ khoáng sản đối với 10 khu vực mỏ tại các xã, Châu Quang, Thọ Hợp, Liên Hợp, Châu Lộc, Yên Hợp trên địa bàn huyện Quỳ Hợp.

Hoàng Trinh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết