Hiểm họa từ hàng lậu và hàng giả vẫn gia tăng, ảnh hưởng đến người tiêu dùng Việt
Hàng lậu, hàng giả vẫn đang là mối đe dọa ngày càng tăng, gây ảnh hưởng đến quyền sở hữu trí tuệ của thương hiệu và người tiêu dùng. Vì vậy, việc thắt chặt chế tài, quy định xử phạt là thực sự cấp bách để đảm bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Hàng giả, hàng nhái còn phổ biến
Thông tin được đưa ra tại hội thảo về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả với chủ đề: “Hàng giả, hàng nhập lậu và gian lận thương mại: Thực trạng và giải pháp” diễn ra mới đây. Hội thảo do JTI Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.
Thống kê từ Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho thấy, trong 9 tháng của năm 2021, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý hơn 100.000 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 7.500 tỷ đồng, khởi tố 1.615 vụ việc với 2.148 đối tượng. Đáng nói, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường không chỉ gây ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng, sức khoẻ, tài sản của người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, doanh thu của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính…
Ông Nguyễn Đăng Sinh - Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam - chia sẻ tại hội thảo |
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Sinh - Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam - cho biết, các doanh nghiệp đang bức xức về sự xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, xuất hiện nhiều hàng nhái thương hiệu và Quốc hội cũng đang sửa đổi luật để hoàn thiện các quy định về quyền sở hữu trí tuệ.
Là doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả trên thị trường, ông Hứa Quang Vinh - Trưởng ban thị trường hàng giả Công ty CP Nhựa Tiền Phong - khẳng định: Hàng giả, hàng nhái không chỉ là vấn đề nhức nhối với nhựa Tiền Phong mà còn là vấn đề nghiêm trọng với hệ thống phân phối cũng như người tiêu dùng. “Trên thị trường, các sản phẩm làm giả, nhái chủ yếu tập trung vào ống nhựa PVC, phụ tùng nhựa PPR và có mẫu mã giống hệt sản phẩm của chúng tôi, khiến người tiêu dùng khó nhận biết”, ông Vinh cho biết thêm.
Trong lĩnh vực thuốc lá, ông Nguyễn Triết - Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam - nhận định, tình hình buôn lậu thuốc lá tại Việt Nam còn rất nhiều, vì giá rẻ, trốn thuế nên tương đối cạnh tranh với các sản phẩm trong nước. Nếu chúng ta cương quyết, tập trung chống lại các sản phẩm thuốc lá lậu thì người tiêu dùng sẽ dễ dàng chấp nhận chuyển qua thuốc lá hợp pháp và sẽ làm tăng doanh thu của Nhà nước.
Bà Julian - Quản lý chống buôn lậu thuốc lá của Công ty Nhật Bản JTI - thông tin về tình hình hàng lậu, hàng giả ảnh hưởng tới doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng |
“Thuốc lá lậu, thuốc lá giả đang là mối đe dọa ngày càng tăng, gây ảnh hưởng đến quyền sở hữu trí tuệ của thương hiệu và người tiêu dùng. Việc thắt chặt chế tài và quy định là thực sự cấp bách và cần thiết nhằm đảm bảo lợi ích chính đáng của người tiêu dùng”, bà Julian - Quản lý chống buôn lậu thuốc lá của Công ty Nhật Bản JTI - chia sẻ.
Cần có chế tài mạnh hơn
Trước vấn nạn hàng lậu, hàng giả, các doanh nghiệp đề xuất: Quá trình hoàn thiện chính sách, các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng cần xem xét nâng chế tài xử lý đối với các vi phạm, tránh để các đối tượng vi phạm lợi dụng kẽ hở của pháp luật. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần xây dựng các quy định rõ ràng về vi phạm quyền nhãn hiệu, tránh để doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó bảo vệ thương hiệu, mất thời gian và tiền bạc trong quá trình đấu tranh phòng, chống, hàng giả, hàng lậu.
Bà Đỗ Thị Minh Thủy - Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia |
Về vấn đề này, bà Đỗ Thị Minh Thủy - Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia - cho biết, việc hoàn thiện quy định pháp luật là điều kiện kiên quyết hàng đầu. Chúng ta phải rà soát, chỉnh sửa, thay đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Quan trọng là các quy định liên quan đến xuất xứ hàng hòa, cụ thể là “made in Vietnam”. “Chúng ta còn lúng túng và chưa đưa ra được hướng dẫn chi tiết và chưa xử lý được. Vì vậy, Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cũng đang tiếp tục chuẩn bị làm việc với các cơ quan chức năng để sớm có khung sườn để hoạt động”, bà Thủy nói.
Cùng với sự hoàn thiện về chính sách, bản thân các doanh nghiệp cho biết đã có một số biện pháp chủ động để chống hàng giả, hàng lậu như đầu tư thay đổi chữ in tạo sự khác biệt giữa sản phẩm thật và giả; xây dựng các ký tự mã hóa để thuận tiện cho việc kiểm soát, phát hiện sản phẩm giả hiệu quả. Bên cạnh đó, tăng cường công tác khảo sát thị trường nhằm phát hiện, ngăn ngừa sản phẩm giả thâm nhập hệ thống phân phối; đồng thời liên hệ với quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế để thông tin kịp thời về các sản phẩm giả trên thị trường nhằm tìm kiếm hỗ trợ về mặt pháp lý, xử lý hàng giả.
Hội thảo về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả có tham dự của lãnh đạo các cơ quan quản lý, các chuyên gia, các hiệp hội, doanh nghiệp như: Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia; VCCI; Tổng cục Quản lý thị trường; Tổng cục Hải quan; Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam; Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cùng các doanh nghiệp sản xuất bia, rượu và xuất nhập khẩu hàng hóa. Thông qua buổi hội thảo, đơn vị tổ chức mong muốn kết nối tiếng nói của các doanh nghiệp với các cơ quan quản lý trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả để bảo vệ người tiêu dùng và ngân sách nhà nước. |
Mai Ca