Giá dầu hôm nay (4/3): Tăng nhẹ trong phiên giao dịch đầu tuần
Giá dầu thế giới hôm nay (4/3) tăng nhẹ trong phiên giao dịch đầu tuần khi các thành viên thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) đã đồng ý gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 2,2 triệu thùng mỗi ngày trong quý II/2024.
Ảnh minh họa |
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 4/3/2024 theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchange, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4/2024 ở mức 80,24 USD/thùng, tăng 0,27 USD trong phiên và tăng 0,43 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 3/3.
Giá dầu Brent giao tháng 5/2024 đứng ở mức 83,84 USD/thùng, tăng 0,29 USD trong phiên và tăng 0,55 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 3/3.
Giá dầu thế giới hôm nay (4/3) tăng nhẹ trong phiên giao dịch đầu tuần khi các thành viên thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) do Ả Rập Xê-út và Nga dẫn đầu đã đồng ý gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 2,2 triệu thùng mỗi ngày trong quý II/2024, từ đó hỗ trợ thêm cho thị trường dầu trong bối cảnh lo ngại về tăng trưởng toàn cầu và sản lượng dầu tăng bên ngoài nhóm.
Ả Rập Xê-út cho biết sẽ gia hạn mức cắt giảm tự nguyện 1 triệu thùng mỗi ngày cho đến cuối tháng 6, khiến sản lượng của họ ở mức khoảng 9 triệu thùng/ngày.
Nga sẽ cắt giảm sản lượng và xuất khẩu dầu thêm 471.000 thùng/ngày trong quý II/2024. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak đã đưa ra số liệu mới cho thấy việc cắt giảm sản lượng sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng tăng.
Giá dầu cũng đã được hỗ trợ vào năm 2024 từ căng thẳng địa chính trị gia tăng và các cuộc tấn công của nhóm Houthi nhằm vào hoạt động vận tải biển ở Biển Đỏ. Trong khi OPEC+ được nhiều người kỳ vọng sẽ duy trì việc cắt giảm sản lượng, thông báo của Nga có thể đẩy giá dầu lên cao hơn nữa.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết: “Nếu việc cắt giảm của Nga được thực hiện đầy đủ, các thùng dầu bổ sung sẽ bị loại khỏi thị trường. Vì vậy, đó là một động thái bất ngờ không ai mong đợi và có thể nâng giá dầu”.
Các thành viên OPEC+ đã thông báo cắt giảm sản lượng riêng lẻ vào Chủ Nhật (3/3), sau đó OPEC đã đưa ra tuyên bố xác nhận tổng sản lượng cắt giảm của cả nhóm là 2,2 triệu thùng/ngày. Hãng thông tấn nhà nước của Ả Rập Xê-út thông tin việc cắt giảm sẽ được đảo ngược dần dần, tùy theo điều kiện thị trường.
Tamas Varga của công ty môi giới dầu mỏ PVM cho biết: “Việc gia hạn đã được dự đoán trước nhưng việc kéo dài đến cuối quý II/2024 có thể là một điều bất ngờ. Thị trường dự kiến sẽ mở cửa mạnh mẽ hơn trước thông tin này".
Trong quý II, Iraq sẽ gia hạn mức cắt giảm sản lượng 220.000 thùng/ngày, UAE sẽ giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng 163.000 thùng/ngày và Kuwait sẽ duy trì mức cắt giảm sản lượng 135.000 thùng/ngày. Algeria cũng cho biết họ sẽ cắt giảm 51.000 thùng/ngày và Oman 42.000 thùng/ngày.
Kazakhstan cho biết họ sẽ gia hạn mức cắt giảm tự nguyện 82.000 thùng/ngày trong quý II.
OPEC+ đã thực hiện một loạt động thái cắt giảm sản lượng kể từ cuối năm 2022 để hỗ trợ thị trường trong bối cảnh sản lượng dầu tăng từ Mỹ và các nhà sản xuất không phải thành viên thuộc nhóm OPEC, đồng thời lo ngại về nhu cầu nhiên liệu khi các nền kinh tế lớn vật lộn với lãi suất cao.
Theo tính toán của Reuters, tổng mức cắt giảm cam kết của OPEC+ kể từ năm 2022 ở mức khoảng 5,86 triệu thùng dầu/ngày, tương đương khoảng 5,7% nhu cầu hàng ngày của thế giới.
Các nguồn tin nói với Reuters vào tuần trước rằng OPEC+ sẽ xem xét gia hạn đợt cắt giảm sản lượng mới nhất sang quý 2, với một nguồn tin nói rằng điều đó "có thể xảy ra".
Triển vọng nhu cầu dầu là không chắc chắn trong năm nay. OPEC dự kiến sẽ có một năm tăng trưởng nhu cầu tương đối mạnh ở mức 2,25 triệu thùng/ngày, dẫn đầu là châu Á, trong khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự kiến mức tăng trưởng chậm hơn nhiều là 1,22 triệu thùng/ngày.
Trong một cơn gió ngược nữa đối với OPEC+, IEA cũng dự kiến nguồn cung dầu sẽ tăng lên mức cao kỷ lục khoảng 103,8 triệu thùng/ngày trong năm nay, gần như hoàn toàn do các nhà sản xuất ngoài OPEC+, bao gồm Hoa Kỳ, Brazil và Guyana thúc đẩy.
Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu hôm nay được niêm yết phổ biến như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 22.752 đồng/lít; giá xăng RON 95-III không cao hơn 23.929 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 20.773 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 20.785 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 15.959 đồng/kg.
Minh Đức