EVNNPT giải quyết vướng mắc mặt bằng dự án đường dây 220kV Nậm Sum – Nông Cống
Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) vừa làm việc với 2 huyện của tỉnh Nghệ An về mặt bằng dự án đường dây 220kV Nậm Sum – Nông Cống.
Dự án đường dây 220kV Nậm Sum – Nông Cống là dự án rất quan trọng với mục tiêu tăng cường nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn cho hệ thống điện quốc gia, đặc biệt là đảm bảo điện cho miền Bắc từ mùa khô năm 2024.
Xác định được tầm quan trọng của dự án, trong thời gian qua, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) cùng Ban quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (NPMB) đã luôn nỗ lực bám sát chính quyền và người dân địa phương để tuyên truyền, vận động nhằm tạo được sự ủng hộ cho dự án.
Vừa qua, ông Lê Văn Cường, Phó Trưởng ban Quản lý xây dựng (EVNNPT) và đoàn công tác đã đến làm việc với lãnh đạo UBND huyện Quế Phong và Quỳ Hợp của tỉnh Nghệ An. Đây là 2 địa phương có khối lượng đường dây đi qua lớn và còn nhiều vướng mắc mặt bằng của dự án.
Đoạn tuyến đường dây 220kV Nậm Sum – Nông Cống qua địa bàn tỉnh Nghệ An có chiều dài 77,81km, gồm 174 vị trí móng cột và 52 khoảng néo.
Tại huyện Quỳ Châu có 72 vị trí móng cột. Phần chân móng cột còn 6 vị trí móng hiện nay UBND huyện chưa phê duyệt phương án bồi thường do các hộ dân chưa ký biên bản kết thúc công khai phương án bồi thường.
Phần hành lang tuyến còn 1 hộ dân chưa thực hiện kiểm kê. Chưa phê duyệt phương án bồi thường và hỗ trợ đối với 18 hộ dân đã kiểm kê, lập và niêm yết công khai. 5 hộ dân có tài sản là cây cối hoa màu trong hành lang an toàn chưa thống nhất, không đồng ý với phương án bồi thường. Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện đã đối thoại với các hộ, tuy nhiên các hộ dân vẫn chưa thống nhất.
Bên cạnh đó, về việc hỗ trợ các hộ gia đình có nhà nằm dưới hành lang an toàn của dự án hiện làm bằng vật liệu dễ cháy, chưa đáp ứng điều kiện tồn tại trong hành lang an toàn, hiện chưa có chính sách cụ thể.
Công trường thi công đường dây 220kV Nậm Sum – Nông Cống đoạn trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện còn nhiều vướng mắc về mặt bằng
Tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Quỳ Châu, đại diện EVNNPT kiến nghị UBND huyện Quỳ Châu, Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng của huyện tổ chức đối thoại với các hộ dân, tuyên truyền, vận động các hộ dân hiểu, đồng thuận chính sách của Nhà nước từ đó sớm phê duyệt phương án bồi thường đối với các hộ dân có đất và tài sản tại 7 vị trí móng còn lại trong tháng 9/2023. Đồng thời sớm thực hiện kiểm kê tài sản cho 1 hộ dân; phê duyệt phương án bồi thường đối với 18 hộ dân đã niêm yết công khai và có giải pháp tháo gỡ vướng mắc đối với 5 hộ dân trong hành lang an toàn chưa thống nhất với phương án bồi thường đã lập.
Huyện Quế Phong có 102 vị trí móng cột. Phần chân móng cột hiện còn 16 vị trí móng (với 16 hộ dân) chưa ký biên bản kết thúc công khai phương án với lý do đơn giá bồi thường thấp và đề nghị áp đơn giá theo số cây thực tế chứ không áp giá theo mật độ như quy định của UBND tỉnh Nghệ An. Riêng vị trí 99 chưa được Hội đồng thẩm định giá đất thẩm tra, trình phê duyệt nên chưa có đơn giá để áp và công khai.
Phần hành lang tuyến chưa kiểm kê, lập và công khai phương án 8 hộ gia đình. Hiện còn 72 hộ chưa ký biên bản kết thúc công khai phương án cũng với lý do đơn giá bồi thường thấp, đề nghị áp giá theo số lượng cây, không áp giá theo mật độ như quy định của UBND tỉnh Nghệ An. Chính sách hỗ trợ các hộ gia đình có nhà nằm dưới hành lang an toàn của dự án hiện làm bằng vật liệu dễ cháy, chưa đáp ứng điều kiện tồn tại trong hành lang an toàn.
Tại buổi làm việc, EVNNPT kiến nghị UBND huyện Quế Phong, Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng của huyện tổ chức đối thoại với các hộ dân, tuyên truyền, vận động các hộ dân hiểu, đồng thuận chính sách của Nhà nước từ đó sớm phê duyệt phương án bồi thường đối với các hộ dân có đất và tài sản tại 16 vị trí móng cột còn lại. Đối với các hộ dân có đất, tài sản bị ảnh hưởng bởi hành lang an toàn, đề nghị lãnh đạo UBND huyện Quế Phong chủ trì đối thoại với 72 hộ dân, tuyên truyền, vận động các hộ dân chưa đồng thuận với chính để phê duyệt phương án trong tháng 9/2023. Đồng thời, UBND huyện Quế Phong sớm phê duyệt đơn giá đất cụ thể đối với một số vị trí phải điều chỉnh thiết kế.
Cũng tại các buổi làm việc với các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, đại diện EVNNPT đã đề nghị UBND các huyện áp dụng Điểm a - Khoản 2 - Điều 18 của Nghị định 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014; Khoản 13 – Điều 1 của Nghị định 51/2020/NĐ-CP để sớm kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An ban hành chính sách, bồi thường, hỗ trợ khác đối với các nhà, công trình làm bằng vật liệu dễ cháy để các hộ gia đình tự cải tạo nhà sang loại vật liệu không cháy nhằm đáp ứng đủ điều kiện tồn tại trong hành lang an toàn lưới điện.
Về những kiến nghị của EVNNPT và NPMB, đại diện lãnh đạo các huyện Quỳ Châu và Quế Phong sẽ lập kế hoạch, có chỉ đạo cụ thể các cơ quan liên quan để gỡ những vướng mắc nhằm sớm hoàn thành dự án đáp ứng mục tiêu góp phần đảm bảo điện cho miền Bắc.
Thu Hiền