|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

EVNNPC nghiệm thu 3 đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ

Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) vừa nghiệm thu 3 đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ.

Dưới sự chủ trì của ông Vũ Anh Phương, Phó Tổng giám đốc đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Khoa học Công nghệ của Tổng công ty Điện lực miền Bắc, EVNNPC vừa tổ chức nghiệm thu 3 đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ.

3 đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ được nghiệm thu trong đợt này bao gồm: nghiên cứu ứng dụng công nghệ đo PD Online để chuẩn đoán tình trạng vận hành của cáp lực do Giám đốc Công ty Điện lực Hưng Yên Lương Minh Thanh làm chủ nhiệm đề tài; đánh giá ngưỡng chịu đựng dòng sét của đường dây 110kV và các giải pháp giảm suất sự cố đường dây phù hợp theo điện trở nối đất chân cột điện do ông Vũ Anh Phương, Phó Tổng giám đốc EVNNPC chủ nhiệm đề tài, đơn vị thực hiện NPSC; chương trình quản lý lưới điện NEMO do ông Đỗ Văn Thiện, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Nam Định chủ nhiệm đề tài. 

Cụ thể, đề tài nghiên cứu ứng dụng công nghệ đo PD online để chuẩn đoán tình trạng vận hành của cáp lực được thực hiện trong vòng 12 tháng, bao gồm 6 nội dung gồm: nghiên cứu cơ sở lý thuyết về PD, giả lập mô hình nghiên cứu (online, offline), xây dựng quy định lắp đặt tiếp địa cổ cáp để áp dụng kiểm tra PD online và quy định lắp đặt đầu cáp trung thế không để xảy ra hiện tượng phóng điện cục bộ do lắp đặt sai, xây dựng quy trình đo PD online, áp dụng thử nghiệm tại hiện trường, xây dựng bảng chỉ tiêu đánh giá sửa chữa, thay thế cáp lực theo CBM. 

Đại diện nhóm tác giả trình bày đề tài nghiên cứu ứng dụng công nghệ đo PD Online để chuẩn đoán tình trạng vận hành của cáp lực

Để hoàn thiện đề tài, nhóm tác giả đã khảo sát hiện trạng công tác lắp đặt, tiếp địa, kiểm tra, thí nghiệm hệ thống cáp lực trung thế của Công ty Điện lực Hưng Yên và Công ty Điện lực Hà Nam. Đây là những đơn vị điển hình có khối lượng cáp lực trung thế lớn, đã từng xảy ra nhiều sự cố cáp lực trung thế những năm trước đây.

Đề tài đánh giá ngưỡng chịu đựng dòng sét của đường dây 110kV và các giải pháp giảm suất sự cố đường dây phù hợp theo điện trở nối đất chân cột điện bao gồm các nội dung: mô phỏng để phân tích và đánh giá ngưỡng chịu đựng dòng điện sét, đánh giá suất sự cố của đường dây được mô phỏng so với suất sự cố được giao và nghiên cứu phương pháp giảm suất sự cố cho đường dây với các dải điện trở nối đất. Nhóm tác giả đã thực hiện đề tài trong vòng 12 tháng. 

Đề tài chương trình quản lý lưới điện NEMO có 4 nội dung gồm: nghiên cứu phương pháp luận tính toán tổn thất điện năng, xác định các giải pháp tính toán tổn thất điện năng đối với lưới điện thực tế, xác định phương pháp phân tích lưới điện trong quản lý vận hành; xây dựng các modun của phần mềm quản lý lưới điện NEMO; đóng gói, thử nghiệm trên lưới điện trung áp của Tổng công ty Điện lực miền Bắc; báo cáo tổng kết. Thời gian thực hiện đề tài là 8 tháng. 

Theo đánh giá của Hội đồng Khoa học Công nghệ EVNNPC, cả 3 đề tài này đều có tính mới và nếu được áp dụng trên lưới điện EVNNPC sẽ mang lại nhiều ích lợi quan trọng. 

Với đề tài số 1, nhóm tác giả đã nghiên cứu, tổng hợp được những hiểu biết chuyên sâu về hiện tượng phóng điện cục bộ; cấu tạo và tác dụng của cáp lực trung thế, đầu cáp, hộp nối; đánh giá được những nguyên nhân gây ra tình trạng sự cố cáp trung thế trên hệ thống điện mà trước đây không nhìn nhận được đầy đủ để có biện pháp khắc phục. Từ đó đưa ra các khuyến cáo lựa chọn thiết bị PD online phù hợp với công tác kiểm tra của các đơn vị, giúp kiểm soát tình trạng thi công, lắp đặt, kiểm tra kỹ thuật, giảm sự cố cáp trung thế… 

Đề tài số 2 là đánh giá ngưỡng chịu đựng dòng sét của đường dây 110kV và các giải pháp giảm suất sự cố đường dây phù hợp theo điện trở nối đất chân cột điện cũng có tính thực tiễn cao và ý nghĩa quan trọng đối với Tổng công ty. Bởi nếu giảm được các sự cố do sét gây ra cũng đồng nghĩa với việc giảm mạnh các vụ sự cố, giúp giảm tổn thất điện năng và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện. 

Đối với đề tài số 3 là chương trình quản lý lưới điện NEMO đã giải quyết được các nội dung như xây dựng phương pháp luận để tính toán tổn thất điện năng dựa trên dữ liệu P(kW), Q(kVAr) và điện áp U(kV) khai thác từ các hệ thống đo xa TBA chuyên dùng, công cộng, trạm đo đếm, trạm trung gian, các nguồn thủy điện, mặt trời mái nhà… Bên cạnh đó, đề tài giải quyết được các bài toán từ thực tế các khu vực chưa có dữ liệu đo xa hoặc dữ liệu đo xa không thu thập được. Trong quá trình triển khai đề tài, đã áp dụng tính toán cho lưới điện trung áp tại 27 tỉnh, thành trong Tổng công ty Điện lực miền Bắc, kết quả tính toán được khai thác để ứng dụng trong công tác quản lý vận hành lưới điện trung thế, ứng dụng trong đầu tư, cải tạo lưới điện…

Tại buổi nghiệm thu, Phó Tổng giám đốc EVNNPC Vũ Anh Phương đánh giá cao tầm quan trọng, ý nghĩa và tính thực tiễn của 3 đề tài, đồng thời yêu cầu các nhóm tác giả sớm bổ sung ý kiến đóng góp của Hội đồng Khoa học Công nghệ EVNNPC, thành viên phản biện để hoàn thiện đề tài, sớm ứng dụng đề tài rộng rãi nhằm mang lại hiệu quả trong quá trình vận hành lưới điện của Tổng công ty.

Phương Anh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết