|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Diễn đàn năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ 3) - Phát triển hạ tầng điện khí và điện gió

Tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (35 Hùng Vương, Hà Nội), Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam vừa tổ chức thành công Diễn đàn năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ Ba) với chủ đề: “Phát triển hạ tầng điện khí và điện gió tại Việt Nam”. BBT tổng hợp một số nội dung chính của Diễn đàn dưới đây để bạn đọc tham khảo.

 

Diễn đàn năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ 3) - Hạ tầng điện khí và điện gió
Ông Nguyễn Tái Sơn - Thường trực Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu tham dự Diễn đàn năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ Ba).

Diễn đàn lần này chia sẻ các cơ hội phát triển, những vấn đề nổi cộm, các thiết bị, công nghệ tiên tiến phù hợp, nêu bật giải pháp giải quyết vướng mắc, bất cập để tiếp tục phát triển điện khí và điện gió của Việt Nam trong thời gian sắp tới.

Diễn đàn năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ 3) - Hạ tầng điện khí và điện gió
Chủ tịch đoàn Diễn đàn năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ Ba).

Trong lời khai mạc, ông Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã nêu vấn đề biến đổi khí hậu và những cam kết của Việt Nam trong giảm nhẹ biến đổi khí hậu tại COP26. Để phát triển kinh tế biển theo định hướng của Đảng và Nhà nước, cần thiết phải phát triển điện khí và điện gió tại Việt Nam như nhu cầu tất yếu để vừa phát triển nguồn năng lượng đáp ứng nhu cầu sử dụng điện đang tăng nhanh, vừa đảm bảo chuyển dịch năng lượng theo hướng giảm phát thải khí nhà kính, tiến tới phát thải ròng bằng “0”.

Diễn đàn năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ 3) - Hạ tầng điện khí và điện gió
Ông Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Mô tả tình hình phát triển điện lực Việt Nam, ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết: Quy mô nguồn điện của Việt Nam năm 2020 tăng gần 2 lần so với năm 2015, đứng thứ 2 trong các nước ASEAN và thứ 23 thế giới. Tính đến cuối năm 2022, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống đạt khoảng 77.800 MW, điện thương phẩm đạt 242,3 tỷ kWh. Năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) phát triển mạnh, từng bước góp phần vào việc giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và tăng tính chủ động trong việc cung cấp điện.

Diễn đàn năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ 3) - Phát triển hạ tầng điện khí và điện gió
Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Bộ Công Thương).

Một số tồn tại trong phát triển điện lực được Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo nêu ra như: Mất cân bằng cung, cầu tạo sức ép lên lưới truyền tải, các nguồn điện lớn chậm tiến độ kéo dài gây thiếu nguồn chạy nền cho hệ thống điện; nguồn điện than vẫn chiếm tỷ lệ lớn; giá điện chưa đủ hấp dẫn để thu hút đầu tư cũng như thúc đẩy tiết kiệm điện. Do đó, cần các biện pháp thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án điện.

Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra định hướng thực hiện Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Các định hướng đó chính là đường lối cho Quy hoạch điện VIII.

Diễn đàn năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ 3) - Phát triển hạ tầng điện khí và điện gió
Ông Cáp Tuấn Anh - Phó Trưởng ban Ban Chiến lược (Tập đoàn Điện lực Việt Nam).

Một số nguyên tắc đã được đặt ra cho việc phát triển nguồn điện, làm đầu vào cho Quy hoạch điện, đó là: Không phát triển nhiệt điện than sau 2030, không phát triển nguồn điện dùng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sau 2035, đẩy mạnh phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo. Các nguồn điện gió và điện khí đã được cơ cấu, tính toán hợp lý trong dự thảo Quy hoạch điện VIII. Khi Quy hoạch được phê duyệt, EVN cam kết thực hiện nghiêm túc chương trình phát triển nguồn điện đến 2030.

Ông Tuấn cũng cho biết: EVN - như một doanh nghiệp nhà nước, chỉ có thể mua điện ở mức giá hợp lý trong khi các nhà đầu tư yêu cầu giá cao. Do đó, cần có các quy định pháp luật rõ ràng để đáp ứng nguyên tắc hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro của các bên tham gia mua, bán điện.

Diễn đàn năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ 3) - Phát triển hạ tầng điện khí và điện gió
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Thường trực Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Thường trực Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam đóng góp tham luận nhấn mạnh chuyển dịch năng lượng và bảo vệ môi trường là con đường tất yếu đối với Việt Nam. Dự thảo Quy hoạch điện VIII là một quy hoạch được thiết kế mang đậm chất chuyển dịch năng lượng. Chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam đã diễn ra trong 5 năm vừa qua, đi trong lối đi hẹp của bộ ba bất khả thi: An ninh năng lượng, giá cả hợp lý và phát triển bền vững.

Việt Nam đang đối mặt cùng lúc vấn đề chuyển dịch năng lượng và an ninh cung ứng điện. Việc phát điện phụ thuộc vào nguồn năng lượng sơ cấp nhập khẩu ngày càng cao. Thị trường năng lượng điện cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, dẫn tới giá cả chưa theo đúng cơ chế thị trường. Nhưng đồng thời cũng xuất hiện những cơ hội như thỏa thuận JETP (Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng) với số tín dụng cam kết 15,5 tỷ USD cho chuyển dịch năng lượng công bằng.

Diễn đàn năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ 3) - Phát triển hạ tầng điện khí và điện gió
Ông Phạm Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương).

Ông Phạm Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết: Hiện nay, việc đàm phán hợp đồng mua điện (PPA) điện khí còn khó khăn do các nhà máy đều mong muốn tỷ lệ cam kết sản lượng điện hợp đồng cao từ 60% trở lên để có đủ khả năng vay vốn thực hiện dự án và ký hợp đồng mua khí dài hạn. Nhưng EVN chỉ thực hiện đàm phán sản lượng điện hợp đồng theo nhu cầu thực tế và giá điện của nhà máy trên thị trường điện. LNG là loại hình phát điện còn mới nên các quy định đang được xây dựng.

Đối với điện gió, cơ chế giá FIT là cơ chế giá điện hỗ trợ, được thiết kế để thúc đẩy đầu tư vào các dự án điện mặt trời, điện gió và được quy định trong khoảng thời gian nhất định. Vì vậy, sau khi cơ chế giá FIT hết hiệu lực, các dự án điện gió sẽ thực hiện theo quy định hiện hành.

Bộ Công Thương hiện nay đã thành lập tổ soạn thảo Thông tư quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện, cũng như thông tư sửa đổi Thông tư số 57/2020/TT-BCT.

Diễn đàn năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ 3) - Phát triển hạ tầng điện khí và điện gió
Ông Wei Nan Yew - Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương GE Power.

GE Vernova thấu hiểu sự khác biệt trong dịch chuyển năng lượng giữa các nước đã phát triển (nhóm OECD) và các nước đang phát triển. Đó là tiêu thụ điện của các nước đang phát triển sẽ vẫn tăng dù đã vượt qua tiêu thụ tại các nước OECD trong thập kỷ qua. Các nước đang phát triển có thể đạt được sự cắt giảm khí nhà kính bằng cách kết hợp giữa điện khí và điện năng lượng tái tạo.

Lựa chọn cơ cấu hợp lý các nguồn điện đa dạng luôn là biện pháp để có sự linh hoạt và an ninh trong cấp điện. GE cung cấp các giải pháp rộng từ tua bin khí, tua bin hơi nước, tua bin thủy điện, tua bin điện gió trên bờ, ngoài khơi, giải pháp lưới điện... đáp ứng mọi nhu cầu tăng trưởng phát điện và chuyển dịch năng lượng của một nước đang phát triển như Việt Nam.

Diễn đàn năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ 3) - Phát triển hạ tầng điện khí và điện gió
Ông Vũ Văn Lợi, Trưởng Ban Đầu tư - Xây dựng (Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam).

Từ phía nhà đầu tư vào điện khí LNG đã thực sự bắt tay vào thi công, đại diện Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) đã trình bày những khó khăn khi triển khai nhà máy điện sử dụng khí LNG tại Việt Nam.

Nhà máy điện sử dụng LNG có vai trò đảm bảo cung cấp điện nền thay thế điện than, đồng thời hỗ trợ hệ thống vận hành ổn định, tin cậy khi tỷ trọng năng lượng tái tạo ngày càng tăng. Giá LNG sau khủng hoảng sẽ về mức bình thường và có tính cạnh tranh với các nguồn khác. Tua bin LNG sẵn sàng đốt kèm hydrogen nếu giá hydrogen trở nên cạnh tranh.

Tuy nhiên, đầu tư phát triển điện LNG gặp nhiều khó khăn. Đầu tiên là giải phóng mặt bằng và bàn giao đất kéo dài. Sau đó là vướng về thẩm định thiết kế phòng cháy chữa cháy phải có mới đủ điều kiện thẩm định thiết kế kỹ thuật. Nhưng để thẩm định phòng cháy chữa cháy thì hồ sơ phải tương đương với giai đoạn thiết kế bản vẽ thi công.

Mặt khác, đến nay chưa có khung giá phát điện cho nhà máy điện LNG. Đàm phán PPA đã 2 năm vẫn chưa xong. Qc không đàm phán được. Thời điểm xác định khối lượng LNG trên thị trường quốc tế là vào tháng 8 trong khi sản lượng điện phát vào năm sau lại xác định vào tháng 12, gây khó khăn cho đàm phán mua LNG với giá hợp lý. Chưa có cơ chế khuyến khích điện LNG đóng góp cho ổn định lưới điện.

Diễn đàn năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ 3) - Phát triển hạ tầng điện khí và điện gió
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Trưởng Ban Điện và Năng lượng tái tạo (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam).

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó trưởng Ban Điện và Năng lượng Tái tạo (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN): PVN có những lợi thế rõ rệt trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng điện gió. Các công ty dầu khí trên thế giới đều nắm bắt xu hướng chuyển dịch năng lượng khá nhanh. Kinh nghiệm triển khai các dự án dầu khí ngoài khơi, sự hiệp lực với điện gió ngoài khơi (ĐGNK) sẽ đóng góp rất lớn cho các nhà phát triển ĐGNK. Những tên tuổi lớn trong công nghiệp ĐGNK đều đến từ các tập đoàn dầu khí trên thế giới. PVN đã ký kết biên bản ghi nhớ với một số công ty để nghiên cứu cơ hội phát triển ĐGNK.

Với hệ thống hạ tầng, bến cảng, nhà xưởng, kho bãi, thiết bị vận chuyển/nâng hạ/thi công đầy đủ, PVN và các đơn vị thành viên luôn được các khách hàng tin tưởng lựa chọn, giao tổng thầu EPC/EPCI cho các dự án ngoài khơi và cả trên bờ.

PVN hiện đang sở hữu các căn cứ thi công chế tạo công trình dầu khí tại Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Thanh Hóa với trang thiết bị hiện đại. Các thành viên PVN có đội tàu dịch vụ gần 100 chiếc, đa dạng về công suất và chủng loại như tàu cẩu 1200/600 tấn, tàu kéo, xà lan vận chuyển, tàu định vị động học DP... Cùng với nguồn lực tài chính lớn, PVN có thể thu xếp vốn cho các dự án đầu tư vào nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo.

Hiện tại, Vietsovpetro đã trúng thầu và đang thực hiện công việc khảo sát địa chất, môi trường cho dự án điện gió Lagan, PTSC ký kết hợp đồng đo gió, sóng và dòng chảy cho dự án Thăng Long Wind...

Diễn đàn năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ 3) - Phát triển hạ tầng điện khí và điện gió
Bà Anita H. Holgersen - Giám đốc Phát triển Thị trường Cấp cao và Trưởng Đại diện Equinor tại Việt Nam.

Phát biểu online, bà Anita H. Holgersen - Giám đốc Phát triển Thị trường Cấp cao và Trưởng Đại diện Equinor tại Việt Nam cho biết: Equinor đến từ Na Uy, vốn là công ty dầu khí, chia sẻ kinh nghiệm từ các dự án trên toàn thế giới. Equinor mong muốn Việt Nam thúc đẩy quá trình phát triển điện gió ngoài khơi. Việt Nam có tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn, gần các trung tâm phụ tải, đã được lập kế hoạch trong dự thảo Quy hoạch điện VIII. Chính phủ Việt Nam đã cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Qua các dự án trên toàn thế giới, Equinor nhận định doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Ngoài tua bin, máy phát, buồng phát, vỏ buồng máy phải nhập khẩu thì những phần còn lại như trụ điện, lắp đặt móng, nối cáp cặp bờ, trạm điện, công tác xây lắp có thể do các công ty Việt Nam đảm nhận.

Theo bà Anita H. Holgersen: Nếu hợp đồng mua bán điện PPA được đảm bảo, các dự án điện gió ngoài khơi có thể tiếp cận được các nguồn vốn quốc tế lãi suất thấp.

Diễn đàn năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ 3) - Phát triển hạ tầng điện khí và điện gió
Tiến sĩ Dư Văn Toán - Trưởng phòng Khoa học Biển và Biến đổi khí hậu, Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Tiến sĩ Dư Văn Toán - Trưởng phòng Khoa học Biển và Biến đổi khí hậu, Viện Nghiên cứu biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đưa ra bức tranh hết sức lạc quan cho tương lai điện gió Việt Nam. Số dự án đăng ký trong cả nước đã có công suất đặt hơn 162 GW. Việt Nam cần tiến hành nghiên cứu đánh giá tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi ở quy mô quốc gia. Các nghiên cứu quốc tế cho những con số khác nhau. Nghiên cứu của Việt Nam cần cụ thể hơn, có thể do Bộ Tài nguyên và Môi trường hay Bộ Công Thương tiến hành.

Cần phải lưu ý đến tác động môi trường của các công trình điện gió. Các tua bin gió sẽ lấy một phần động năng của luồng không khí chuyển động, làm giảm vận tốc của gió. Nếu tốc độ gió trung bình giảm đi thì luồng không khí chuyển động đó sẽ bị nóng hơn vào mùa hè và lạnh hơn về mùa đông. Độ ồn và tần số rung trong nước biển khi lắp đặt có thể ảnh hưởng đến sự sinh sống của sinh vận biển, cá voi và cá heo. Cánh quạt quay có thể làm chết chim, nhưng tỷ lệ rất thấp.

Diễn đàn năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ 3) - Phát triển hạ tầng điện khí và điện gió
Ông Nguyễn Hải Phú - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn Xây dựng Điện 2.

Trong lĩnh vực tư vấn phát triển dự án năng lượng tái tạo và điện khí, ông Nguyễn Hải Phú - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn Xây dựng Điện 2 (PECC2) giới thiệu vị trí của mình trên thị trường mới này. PECC2 đảm nhận việc khảo sát, lập quy hoạch, thiết kế, giảm sát thi công, nhận hợp đồng EPC, chế tạo thiết bị cơ khí, bảo trì và sửa chữa thiết bị, quản lý nhà máy điện...

Điện gió ngoài khơi đang gặp nhiều vướng mắc, một trong số đó là chưa có quy hoạch không gian biển. Về đầu tư điện khí, PECC2 tư vấn các nhà máy điện LNG cần có quy mô công suất đủ lớn để tối ưu hóa chi phí, nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế, tài chính dự án. Cảng nhập khẩu LNG phải đáp ứng tàu LNG trọng tải trên 150.000 m3.

Diễn đàn năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ 3) - Phát triển hạ tầng điện khí và điện gió
Đại biểu phát biểu ý kiến.

Diễn đàn đã dành thời gian cho các đại biểu khác phát biểu ý kiến thảo luận. Một nhà đầu tư rất băn khoăn khi giá điện hiện nay không thỏa mãn được yêu cầu của nhà đầu tư vào năng lượng tái tạo. Quy chế đấu thầu điện gió còn chưa rõ ràng thì nhà đầu tư bỏ tiền ra khảo sát liệu có được đảm bảo sẽ được phát triển dự án không? Nếu đấu thầu chỉ có một nhà đầu tư tham gia thì tình hình sẽ ra sao?

Diễn đàn năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ 3) - Hạ tầng điện khí và điện gió
Trên 200 đại biểu tham dự Diễn đàn năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ Ba) với chủ đề: “Phát triển hạ tầng điện khí và điện gió tại Việt Nam”.

Kết luận và bế mạc Diễn đàn này, ông Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khẳng định: Các tham luận tại Diễn đàn đã nêu vướng mắc về quy định pháp luật, cũng như các rào cản, thách thức trong triển khai phát triển hạ tầng nguồn điện khí LNG và điện gió, cho thấy còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ trong thời gian tới. Bên cạnh việc chậm trễ có Quy hoạch Điện VIII, làm đình trệ nhiều dự án điện, một số khó khăn đã được nêu ra.

Cụ thể, đối với điện khí LNG:

1/ Thiếu kinh nghiệm đàm phán, ký kết nhập khẩu LNG.

2/ Chưa có khung biểu giá điện khí LNG, tỷ lệ bao tiêu và cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện.

3/ Thiếu các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về thiết kế, xây dựng, vận chuyển và vận hành, bảo trì kho cảng nhập khẩu LNG, cũng như về an toàn trong hoạt động vận chuyển, bốc dỡ, lưu trữ nhiên liệu LNG.

4/ Điện khí LNG là dạng chuỗi nhiên liệu, gồm nhiều mắt xích liên kết, trong đó khâu cảng và kho tồn trữ rất quan trọng, đòi hỏi các yêu cầu kỹ thuật khắt khe.

5/ Chia nhỏ quy mô các địa điểm điện khí LNG sẽ làm giảm hiệu quả dự án.

Đối với điện gió:

1/ Chưa có Quy hoạch không gian biển để triển khai điện gió ngoài khơi.

2/ Chưa có quy trình cấp phép khảo sát biển phục vụ dự án điện gió ngoài khơi.

3/ Chưa ban hành cơ chế đấu thầu chọn nhà đầu tư.

4/ Vận chuyển thiết bị gặp khó khăn về giao thông, đường sá.

5/ Giải phóng mặt bằng khó khăn.

6/ Lưới truyền tải điện đồng bộ điện gió ngoài khơi có nhiều rủi ro khi thực hiện.

7/ Hàm lượng nội địa hóa thiết bị còn thấp.

Các thảo luận, trao đổi trong Diễn đàn đã phân tích thêm về cơ hội và các thách thức khi phát triển các nguồn điện khí LNG và điện gió, nhất là điện gió ngoài khơi; đề xuất các chính sách, cơ chế của Nhà nước và giải pháp phù hợp.

Tuy nhiên, theo ông Tạ Đình Thi: Cũng cần lưu ý với điện khí LNG còn thách thức tiếp theo là từng bước sẽ ‘chuyển đổi nhiên liệu’. Theo Quy hoạch điện VIII, giai đoạn những năm từ 2035 - 2050 sẽ có nhiều nhà máy cần đốt trộn khí đốt và khí hydro, tiến tới hoàn toàn dùng nhiên liệu hydro vào năm 2050, rất có thể khi đó có một số nhà máy chưa hết đời sống kinh tế.

Mặt khác, với công nghệ nhiên liệu hydro, ngay cả các nước phát triển cũng đang ở mức sản xuất thử nghiệm, còn chưa thương mại rộng rãi trong tương lai gần, giá thành còn cao.

Đối với điện gió, nhất là điện gió ngoài khơi cần lưu ý các thách thức khi khu vực tiềm năng gió tốt thường nằm xa các trung tâm phụ tải, đòi hỏi đường dây truyền tải điện dài, tăng chi phí cho dự án, rủi ro không đồng bộ với dự án.

Các giải pháp tháo gỡ cũng cần phải từ cả hai phía: Cả Nhà nước, cũng như các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu kỹ khi chuẩn bị đầu tư về các quy định dự án trong quy hoạch, địa điểm phù hợp, mức độ thuận lợi khi cần thiết có hạ tầng lưới điện truyền tải, khả năng tài chính, nguồn vốn vay, khả năng huy động nguồn lực về công nghệ, thiết bị... để tránh các rủi ro phát sinh.

Ngoài ra, tiềm năng điện gió ngoài khơi rất lớn, nên Việt Nam cần quan tâm xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư thúc đẩy sản xuất trong nước chuỗi sản xuất - cung ứng thiết bị nhằm phục vụ các dự án điện gió ngoài khơi và xuất khẩu trong khu vực…

Ông Tạ Đình Thi cũng cho biết: Các bài tham luận và thảo luận tại Diễn đàn là căn cứ khoa học để đóng góp ý kiến cho báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội với các đề nghị điều chỉnh các chính sách, pháp luật trong tương lai cho phát triển năng lượng nói chung, điện gió và điện khí nói riêng./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết