Cần tăng cường tài trợ quốc tế khẩn cấp cho thích ứng biến đổi khí hậu
Sau cảnh báo từ Ủy ban liên Chính phủ của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (IPCC), nhiều nhà lãnh đạo đã kêu gọi cần có thêm kinh phí và ý chí chính trị để giúp cộng đồng thích nghi với thời tiết khắc nghiệt cùng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trước khi Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu Liên Hợp Quốc (COP26) diễn ra vào tháng 11/2021.
Theo phân tích của nhóm các nhà nghiên cứu từ các trường đại học tại Mỹ và châu Âu, thiệt hại kinh tế do biến đổi khí hậu tiếp diễn vào cuối thế kỷ này có thể cao gấp 6 lần so với ước tính trước đây.
Cụ thể, khi tính đến các tác động của biến đổi khí hậu đối với tăng trưởng kinh tế, GDP toàn cầu có thể thấp hơn 37% vào năm 2100 so với khi không có tác động của hiện tượng ấm lên toàn cầu. Nếu không tính đến những thiệt hại lâu dài (như các dự đoán trước đó) thì GDP sẽ chỉ thấp hơn khoảng 6%, điều này có nghĩa là các tác động lên tăng trưởng có thể làm gia tăng tổn thất kinh tế do biến đổi khí hậu lên gấp 6 lần dự đoán.
Các tác giả đã tính toán ảnh hưởng của những thay đổi này dựa trên chi phí xã hội cho phát thải - một thước đo thiệt hại kinh tế do phát thải khí nhà kính. Phân tích cho thấy, thiệt hại kinh tế từ việc thải ra 1 tấn carbon dioxide có thể lên đến hơn 3.000 USD. Trong khi hiện nay các Chính phủ vẫn chưa có nhận thức đúng đắn và chưa có mức thu phù hợp. Ví dụ như Chính phủ Mỹ đang sử dụng mức chi phí xã hội do phát thải CO2 vào khoảng 51 USD/tấn để đánh giá chi phí và lợi ích của các dự án liên quan đến phát thải khí nhà kính; hệ thống giao dịch khí thải của Liên minh châu Âu bao gồm các ngành năng lượng, sản xuất, vận tải hàng không gần đây đã có mức giá lần đầu tiên vượt quá 61 Euro/tấn.
Biến đổi khí hậu gây thiệt hại lớn đến nền kinh tế
Tại cuộc đối thoại ở Rotterdam (Hà Lan) do Trung tâm Thích ứng toàn cầu tổ chức, hơn 50 bộ trưởng và người đứng đầu các tổ chức khí hậu, ngân hàng phát triển nhận định, Hội nghị COP26 nên nhìn nhận việc thích ứng với biến đổi khí hậu là vấn đề cấp bách.
Theo đó, COP26 sẽ không thành công nếu không đưa các nỗ lực thúc đẩy việc thích ứng với biến đổi khí hậu trở thành vấn đề ưu tiên như việc cắt giảm lượng khí thải carbon.
Cụ thể, sự thích ứng (bao gồm việc xây dựng hệ thống phòng, chống lũ lụt cao hơn, việc trồng thêm nhiều cây chịu hạn và tái định cư các cộng đồng ven biển) đã không nhận được nhiều sự quan tâm về nguồn lực, mức độ hành động. Vì vậy, các cộng đồng trên toàn thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp về khí hậu đang diễn ra nhanh hơn dự đoán.
Tại cuộc họp, đại diện của các quốc gia châu Phi, quốc đảo nhỏ đang phát triển và quốc gia dễ bị tổn thương về khí hậu khác cho biết, trong khi đang phải “vật lộn” với đại dịch Covid-19 thì họ cũng phải đương đầu với lũ lụt, hạn hán và mưa bão nghiêm trọng bất thường, gây cản trở những thành quả phát triển mà phải rất khó khăn mới đạt được, thậm chí khiến người dân phải sống trong các khu ổ chuột ở thành phố hoặc phải tị nạn vì không thể tồn tại.
Ông Patrick Verkooijen, Giám đốc điều hành Trung tâm Thích ứng toàn cầu đánh giá, hàng triệu sinh mạng và sự an toàn của các cộng đồng trên toàn cầu đang bị đe dọa.
Nỗ lực thúc đẩy việc thích ứng với biến đổi khí hậu
Trong buổi làm việc, các quan chức cấp cao cũng kêu gọi tăng cường tài trợ quốc tế khẩn cấp nhằm hỗ trợ cho các nỗ lực thích ứng ở các quốc gia nghèo hơn, vốn thiếu kinh phí từ lâu.
Theo bà Amina J. Mohammed, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, chỉ có khoảng 1/5 nguồn tài chính khí hậu được dành cho các nỗ lực thích ứng khí hậu và chỉ là một phần nhỏ trong số 70 tỷ USD mà các nước đang phát triển ước tính cần có để đối phó với tác động của nóng lên toàn cầu.
Các quốc gia giàu hơn đang chịu áp lực phải dành 50% tài chính khí hậu của họ cho các kế hoạch thích ứng. Tuy vậy, con số mà họ thực sự chi ra sau hơn một thập kỷ qua vẫn ở mức thấp so với cam kết.
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết, IMF đang thảo luận với các nước thành viên về việc chuyển một số khoản tiền mà họ nhận được từ việc phân bổ quyền rút vốn đặc biệt gần đây vào Quỹ tín thác phục hồi và bền vững để hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương tiến hành hoạt động cải cách thiết yếu nhằm đối phó với tác động của biến đổi khí hậu.
Ngọc Mai (T/H)