Bộ Công Thương tiếp tục báo cáo về các nội dung của Quy hoạch điện VIII
Bộ Công Thương vừa có văn bản số 4329/BCT-ĐL ngày 25/7/2022 báo cáo Thường trực Chính phủ về các nội dung của Quy hoạch điện VIII.
Loại bỏ các dự án điện than không còn phù hợp
Theo đó, Bộ Công Thương xin ý kiến Thường trực Chính phủ việc loại bỏ các dự án điện than không còn phù hợp nhằm đáp ứng cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Cụ thể, Bộ đã rà soát các dự án điện than, điện khí đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh đến nay không đưa vào dự thảo Quy hoạch điện VIII (theo yêu cầu thực hiện các cam kết tại COP26). Trong tổng công suất 14.120 MW nhiệt điện than không đưa vào Quy hoạch điện VIII có 8.420 MW do các tập đoàn nhà nước được giao làm chủ đầu tư gồm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam được giao 3.600 MW (Quảng Trạch II, Tân Phước I và Tân Phước II), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được giao 1.980 MW (Long Phú III), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam được giao 2.840 MW (Cẩm Phả III, Hải Phòng III và Quỳnh Lập I); dự án đầu tư theo hình thức BOT là 4.500 MW (Quỳnh Lập II, Vũng Áng 3, Long Phú II) và chưa giao nhà đầu tư 1.200 MW (Quảng Ninh III).
Đề xuất loại bỏ các dự án điện than không còn phù hợp nhằm đáp ứng cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26
Trong quá trình rà soát, đánh giá những vấn đề pháp lý khi không xem xét phát triển các dự án điện than nêu trên, Bộ Công Thương thấy rằng đối với các dự án do các tập đoàn nhà nước được giao làm chủ đầu tư, rủi ro pháp lý là không có, các chi phí phát triển dự án do các tập đoàn đã bỏ ra không lớn và cơ bản sẽ được xử lý theo quy định.
Riêng đối với 3 dự án đầu tư theo hình thức BOT, chủ đầu tư các dự án Vũng Áng 3, Long Phú II đã có văn bản xin rút khỏi dự án và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý để các chủ đầu tư dừng phát triển dự án.
Dự án BOT Quỳnh Lập II mới được Thủ tướng Chính phủ giao Công ty Posco Energy nghiên cứu, phát triển dự án Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập II, công suất 2x600 MW theo hình thức BOT tại văn bản số 623/TTg-CN ngày 4/5/2017 nhưng chưa chính thức giao Công ty Posco Energy làm chủ đầu tư. Hiện nay, Công ty Posco Energy đã có nhiều văn bản xác nhận không nghiên cứu phát triển dự án Quỳnh Lập II sử dụng than mà đề xuất chuyển đổi nhiên liệu sang sử dụng khí LNG và nâng công suất dự án. Hiện nay, trong Quy hoạch điện VIII, khu vực Quỳnh Lập được xem xét phát triển 1 dự án LNG Quỳnh Lập giai đoạn 2026 - 2030. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay Luật PPP đã có hiệu lực nên nếu dự án được phát triển theo hình thức BOT và việc Công ty Posco Energy có được làm chủ đầu tư dự án tiếp hay không cần phải căn cứ vào các quy định của Luật PPP và các nghị định hướng dẫn.
Các dự án điện khí gồm dự án tuabin khí hỗn hợp Kiên Giang I và II, quy mô công suất 2x750 MW, do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là chủ đầu tư, dự kiến vận hành giai đoạn 2021 - 2022. Hiện nay chi phí do PVN bỏ ra để phát triển các dự án này khoảng 1 tỷ đồng. Các dự án này không được xem xét trong dự thảo Quy hoạch điện VIII đến năm 2030 do không xác định được nguồn nhiên liệu. Các chi phí cho chuẩn bị đầu tư PVN có trách nhiệm xử lý theo quy định.
Bộ Công Thương cho biết: “Về việc không đưa các dự án nhiệt điện than, khí nêu trên vào Quy hoạch điện VIII phù hợp với đề nghị của các địa phương, kiến nghị của các chủ đầu tư. Do đó, cơ bản không có rủi ro về mặt pháp lý. Một số chi phí của các tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước đã bỏ ra để khảo sát, chuẩn bị đầu tư dự án, các tập đoàn có trách nhiệm xử lý theo quy định”.
Đề xuất tiếp tục cho phép triển khai, đưa vào vận hành hơn 2.400 MW điện mặt trời
Về các dự án điện mặt trời, Bộ Công Thương đề xuất tiếp tục cho phép triển khai để đưa vào vận hành trong giai đoạn đến năm 2030 các dự án/phần dự án đã được quy hoạch, đã được chấp thuận nhà đầu tư nhưng chưa vận hành với tổng công suất khoảng 2.428,42 MW. Việc đẩy lùi các dự án này ra sau năm 2030 sẽ gặp phải những rủi ro về mặt pháp lý và kinh phí đền bù cho các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, các dự án này cần phải tuyệt đối tuân thủ theo đúng các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, bám sát khả năng hấp thụ của hệ thống điện quốc gia và khả năng giải tỏa công suất của lưới điện; tuân thủ theo đúng cơ chế giá điện tại thời điểm đưa vào vận hành, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả dự án theo cơ chế được duyệt. Sau này, nếu các cơ quan thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm thì sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng thậm chí rút giấy phép đầu tư, đình chỉ dự án theo các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.
Bộ Công Thương đề xuất tiếp tục cho phép triển khai để đưa vào vận hành trong giai đoạn đến năm 2030 các dự án/phần dự án điện mặt trời đã được quy hoạch, đã được chấp thuận nhà đầu tư nhưng chưa vận hành với tổng công suất khoảng 2.428,42 MW
Theo Bộ Công Thương, trong trường hợp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận các dự án này được tiếp tục triển khai trong giai đoạn đến năm 2030, tổng công suất nguồn điện của hệ thống năm 2030 khoảng 133.878,5 MW đối với phương án cơ sở và khoảng 148.358,5 MW đối với phương án phụ tải cao phục vụ điều hành.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đề xuất giãn tiến độ các dự án điện mặt trời đã được quy hoạch nhưng chưa được chấp thuận nhà đầu tư với tổng công suất 4.136,25 MW (đã được Bộ Công Thương báo cáo tại văn bản số 3787/BCT-ĐL ngày 4/7/2022) sang giai đoạn sau năm 2030. Định kỳ hàng năm thực hiện rà soát, tính toán khả năng hấp thụ của hệ thống điện quốc gia và khả năng giải tỏa công suất cục bộ, vận hành an toàn kinh tế của hệ thống. Trường hợp cần thiết xem xét báo cáo Chính phủ cho phép đẩy lên giai đoạn trước năm 2030 nếu các nguồn khác chậm tiến độ để đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tranh thủ mức giá ngày càng rẻ của điện mặt trời.
Lan Anh