|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Báo chí cần chuyên nghiệp hơn và sát với thực tiễn hơn

Trước yêu cầu phải đổi mới trong kỷ nguyên chuyển đổi số, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu báo chí cần nhanh hơn, nhạy hơn, chính xác hơn, chuyên nghiệp hơn và sát với thực tiễn hơn.

Ngày 31/1, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp báo Nhân Dân tổ chức Hội nghị giao ban báo chí đầu xuân Quý Mão 2023.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, giao ban báo chí không chỉ là một hoạt động truyền thống hàng năm mà còn là cơ chế hết sức quan trọng để các cơ quan báo chí đồng hành cùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước thông qua các định hướng được đưa ra tại hội nghị.

Trước yêu cầu phải đổi mới trong kỷ nguyên chuyển đổi số, Phó Thủ tướng yêu cầu báo chí cần nhanh hơn, nhạy hơn, chính xác hơn, chuyên nghiệp hơn và sát với thực tiễn hơn. Các cơ quan báo chí không chỉ đưa tin phản ánh đơn thuần mà cần xây dựng đội ngũ có tính chuyên nghiệp, là những nhà lý luận, nhà ngoại giao, nhà kinh tế, nhà công nghệ và nhà chuyển đổi số.

Hội nghị giao ban báo chí đầu xuân Quý Mão 2023

Nhấn mạnh đã đến lúc cơ chế thị trường là cơ chế chi phối, Phó Thủ tướng cho rằng, hoạt động báo chí cũng phải theo cơ chế thị trường. Các cơ quan báo chí cần nhận thức rõ vai trò quan trọng của mình, ngày càng phải xây dựng được những tác phẩm, ấn phẩm đa phương tiện để trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với những nhà quản lý cũng như mỗi người dân.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà bày tỏ mong muốn, bên cạnh việc phản ánh về thông tin, các cơ quan báo chí có thể khái quát, đưa ra vấn đề, từ đó đề xuất để Chính phủ có những phản ứng kịp thời về mặt chính sách.

Theo Phó Thủ tướng, năm 2023 là một năm hết sức quan trọng, trong đó Quốc hội và Chính phủ có nhiệm vụ chung là xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là sự kiện pháp lý trọng tâm của Quốc hội, là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước.

Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan báo chí cần tổ chức lắng nghe, lấy ý kiến nhân dân về dự án luật và phản hồi ý kiến của nhân dân một cách hiệu quả, chính xác, để có thể xây dựng được một đạo luật mang tính kinh tế, chính trị, xã hội, đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân, trở thành nền tảng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tại buổi giao ban, các đại biểu cũng đã nghe đại diện Vụ Báo chí - Xuất Bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) và đại diện Bộ Ngoại giao thông tin về tình hình xuất bản báo chí dịp Tết Quý Mão 2023 cũng như hoạt động đối ngoại của đất nước trong thời gian tới.

Đăng Thái


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết