|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bản tin năng lượng số 34/2024

Văn phòng Chính phủ mới đây có Thông báo số 412/TB-VPCP về kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi.

Tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi

Theo đó, Thường trực Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương khẩn trương rà soát tổng thể các nguồn điện trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII theo hướng chuyển điện nền từ điện than sang điện khí, ưu tiên sản xuất trong nước để tăng trưởng điện đạt từ 12 - 15%/năm, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh, đời sống nhân dân, nhất là cam kết với nhà đầu tư nước ngoài trên tinh thần đã cam kết là nhất định thực hiện.

Bên cạnh đó, Thường trực Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương tập trung cao độ, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương liên quan, nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam rà soát các vướng mắc pháp lý trong triển khai dự án điện, khẩn trương hoàn thiện dự án Luật Điện lực (sửa đổi) theo hướng những nội dung đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh là đúng, có hiệu quả từ Luật Điện lực trước đây cũng như đã được quy định tại các nghị định, thông tư, cần nghiên cứu để bổ sung, sửa đổi, cập nhật trong dự thảo luật lần này. Những nội dung chưa rõ, còn nhiều biến số thì nghiên cứu theo hướng quy định các nguyên tắc trong luật và giao Chính phủ quy định cụ thể như vấn đề giá cả, tiêu chuẩn kỹ thuật...

Tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi

Thường trực Chính phủ lưu ý, cần nghiên cứu, sửa đổi các luật theo hướng tăng cường phân cấp phân quyền tối đa, vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó giải quyết; bố trí, phân bổ nguồn lực hợp lý; quy định trách nhiệm và thiết kế công cụ để tăng cường kiểm tra giám sát. Cần nghiên cứu để phân cấp cho các Bộ, địa phương quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, Chính phủ thực hiện việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc theo quy hoạch và sản phẩm đầu ra.

Đối với các dự án đã được cấp phép, yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện theo đúng cam kết, trường hợp không thực hiện theo đúng cam kết, đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiên quyết thu hồi giấy phép theo đúng quy định của pháp luật.

Về đề án thí điểm điện gió ngoài khơi, Bộ Chính trị đã có chủ trương cho thí điểm sản xuất, xuất khẩu điện gió ngoài khơi tại Kết luật số 76-KL/TW ngày 24/4/2024 về tình hình thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và một số định hướng cho giai đoạn mới. Do đó, Thường trực Chính phủ đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thành Sơn xem xét giao ngay cho các đơn vị để triển khai. Đối với các vướng mắc pháp lý như quy định về sản lượng, chuyển giá, đề nghị nghiên cứu bổ sung vào các dự án luật.

Tập đoàn Hàn Quốc xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị điện gió tại Long An

Mới đây, tại Long An, Đồng Tâm Group (DTG) và Tập đoàn CS Wind (CS WIND) của Hàn Quốc ký kết thỏa thuận hợp tác cho thuê lại đất đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị điện gió quy mô lớn với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 200 triệu USD.

CS WIND đã cung cấp hơn 13.000 tháp gió cho các nhà sản xuất tuabin gió hàng đầu thế giới như Vestas, Siemens-Gamesa, GE và Goldwind… khẳng định vị thế trong ngành năng lượng tái tạo toàn cầu.

Sau quá trình tìm hiểu nghiên cứu chuyên sâu, CS WIND quyết định hợp tác chặt chẽ với Đồng Tâm Group để đặt nhà máy trong khu công nghiệp Đông Nam Á Long An thuộc cụm dự án cảng quốc tế Long An 1.935 ha do Đồng Tâm làm chủ đầu tư trên địa bàn huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

Lễ ký kết thỏa thuận

Theo thỏa thuận hợp tác, Đồng Tâm Group và các đơn vị thành viên sẽ cho CS WIND Việt Nam thuê lại 50ha đất công nghiệp, dịch vụ công nghiệp để xây dựng nhà máy chuyên sản xuất, lắp ráp các thiết bị tháp gió ngoài khơi, trên bờ và các sản phẩm điện gió như cọc đơn, thiết bị chuyển tiếp để cung cấp cho thị trường toàn cầu.

Nhà máy có công suất hoạt động lên đến hàng chục nghìn đơn vị mỗi năm, cung ứng thiết bị siêu trường, siêu trọng từ 500 đến 4.000 tấn trên mỗi thiết bị. Toàn bộ sản phẩm giai đoạn đầu sẽ được chủ đầu tư xuất - nhập thông qua cảng quốc tế Long An, ước tính sản lượng 150.000 - 200.000 tấn mỗi năm.

Theo CS WIND và Đồng Tâm Group, cơ sở tại Long An được cho là nhà máy có công suất sản xuất thiết bị điện gió lớn nhất thế giới tính đến thời điểm lập dự án. Dự án được kỳ vọng đóng góp vào nỗ lực nội địa hóa chuỗi cung ứng điện gió của Việt Nam cũng như góp phần phát triển năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Công ty con của Samsung hợp tác với doanh nghiệp Việt phát triển điện mặt trời mái nhà

Công ty CP đầu tư CME Solar Investment (CME) và Vista Global thuộc Samsung C&T đã công bố chương trình hợp tác thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam.

Chương trình hợp tác đánh dấu một cột mốc quan trọng, nhấn mạnh cam kết của hai bên về tính bền vững và quản lý môi trường, đóng góp tích cực vào cam kết chung của Việt Nam nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cũng như các nỗ lực toàn cầu nhằm chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo.

Liên doanh CME-Vista đặt mục tiêu kết hợp chuyên môn, nguồn lực và công nghệ để thúc đẩy phát triển các dự án năng lượng mặt trời tại Việt Nam cũng như đẩy nhanh việc áp dụng những giải pháp năng lượng sạch trên toàn quốc.

Ảnh minh họa

Trước đó, tại hội nghị xúc tiến đầu tư vì sự phát triển tăng trưởng xanh TPHCM, đại diện Công ty Samsung đã bày tỏ mong muốn hợp tác với thành phố phát triển điện mặt trời mái nhà, hướng đến phát triển khu công nghệ cao TPHCM thành khu công nghiệp Net Zero (phát thải ròng bằng 0) đầu tiên.

Ngân Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết