Bản tin năng lượng số 31/2024
Các quốc gia thành viên APEC mong muốn tiếp tục đạt được tiến bộ trong chuyển đổi năng lượng và hướng tới một khu vực APEC phát thải ít carbon hơn.
Chuyển đổi năng lượng, hướng tới một khu vực APEC phát thải ít carbon hơn
Theo thông tin từ Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), trong hai ngày 15 – 16/8, tại thành phố Lima, Peru, đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long dẫn đầu tham dự Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng APEC lần thứ 14 (EMM 14) diễn ra dưới sự chủ trì của ông Rómulo Mucho Mamani, Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Peru.
Với chủ đề “Trao quyền. Bao trùm. Tăng trưởng”, ưu tiên của Hội nghị EMM 14 năm nay là tăng trưởng bền vững để phát triển tự cường. Thông qua đó, các thành viên APEC mong muốn tiếp tục đạt được tiến bộ trong chuyển đổi năng lượng và hướng tới một khu vực APEC phát thải ít carbon hơn. Đây cũng là ưu tiên của Việt Nam trong bối cảnh nước ta đang thực thi cam kết đưa phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050.
Tại phiên khai mạc, các Bộ trưởng đã lắng nghe các báo cáo của Chủ tịch SOM APEC 2024, Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC, Chủ tịch Nhóm công tác Năng lượng APEC (EWG), Trung tâm Nghiên cứu năng lượng châu Á – Thái Bình Dương (APERC), Trung tâm Năng lượng bền vững APEC (APSEC) và Chủ tịch Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC). Theo Chương trình nghị sự, các Bộ trưởng đã tập trung thảo luận 3 vấn đề năng lượng trong khu vực: thúc đẩy chuyển đổi năng lượng trong khu vực APEC; tầm quan trọng của tiếp cận năng lượng trong thúc đẩy tăng trưởng bền vững; chính sách và hành động cho phát triển hydrogen tại các nền kinh tế APEC nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Ảnh minh họa
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long chia sẻ: Về phát triển hydrogen, tháng 2 năm nay, Việt Nam ban hành Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc ban hành Chiến lược năng lượng phát triển hydrogen có ý nghĩa rất quan trọng, mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng Việt Nam theo hướng xanh, sạch và bền vững. Là một thành viên tích cực của Diễn đàn APEC, Việt Nam sẵn sàng tăng cường hợp tác với các thành viên APEC trong triển khai các hoạt động hợp tác, chương trình xây dựng và nâng cao năng lực về năng lượng.
Hội nghị EMM kết thúc thành công với việc các Bộ trưởng thông qua Tuyên bố chung và hai phụ lục về Hướng dẫn chính sách APEC cho xây dựng, thực thi khuôn khổ chính sách hydrogen carbon thấp và Sáng kiến chuyển đổi năng lượng công bằng (JETI).
Rà soát, tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm ngành năng lượng
Tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa chủ trì phiên họp thứ 3 của Ban chỉ đạo nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao cam kết của các địa phương hoàn thành giải phóng mặt bằng, bàn giao cho chủ đầu tư thực hiện các hạng mục, công trình liên quan đến dự án nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 và lưới điện giải tỏa công suất.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, các địa phương phối hợp với Bộ Công an, cơ quan liên quan rà soát các dự án điện mặt trời được nêu trong kết luận của Thanh tra Chính phủ và chuyển sang cơ quan điều tra. Phân loại những dự án không có dấu hiệu vi phạm, sai phạm mang tính hình sự, có thể khắc phục được theo kết luận thanh tra, kiểm tra... và đáp ứng được các tiêu chí về an toàn hệ thống, công nghệ truyền tải, hiệu quả kinh tế để đưa vào khai thác.
Nghiên cứu, triển khai Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi
Đối với những dự án nhiệt điện khí đang gặp vướng mắc về cơ chế để xác định sản lượng điện hợp đồng (QC), giá mua điện... Phó Thủ tướng đề nghị các tập đoàn, doanh nghiệp chủ động tham gia cùng với Bộ Công Thương để hoàn thiện việc sửa đổi, ban hành các thông tư liên quan; chuẩn bị hồ sơ báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách cho các dự án điện khí.
Về Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi, Phó Thủ tướng yêu cầu phải có dự án, mô hình cụ thể (xuất khẩu toàn bộ, sản xuất nhiên liệu xanh (hydro, amoniac), phát lên lưới điện quốc gia), phương thức triển khai (doanh nghiệp trong nước, liên doanh với nước ngoài) từ đó xác định "bài toán" đặt ra cần giải quyết về hành lang pháp lý, điều tra khảo sát, quy hoạch... để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là có thể triển khai đồng bộ, tổng thể.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng giao các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp cùng các địa phương rà soát, báo cáo cụ thể số lượng dự án nguồn điện bị chậm tiến độ, làm rõ "những dự án nào xử lý được, những dự án nào chưa xử lý được", kiến nghị cấp thẩm quyền hướng xử lý theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu, xây dựng đề án bảo đảm chủ động bù đắp công suất cho các dự án nguồn điện bị chậm tiến độ so với Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII với những giải pháp, cơ chế quyết định đầu tư các dự án nguồn điện mới, huy động thêm nguồn điện khác: thủy điện, điện mặt trời, điện mặt trời mái nhà, hệ thống lưu trữ điện từ điện mặt trời...
Tỉnh Đồng Nai đôn đốc triển khai dự án điện rác tại xã Vĩnh Tân
Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã làm việc với các đơn vị liên quan về dự án nhà máy xử lý rác sinh hoạt phát điện tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.
Đây là dự án được triển khai theo phương thức đối tác công tư - PPP. Tháng 9/2022, HĐND Đồng Nai thông qua chủ trương đầu tư dự án điện rác Vĩnh Tân. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 2.300 tỷ đồng gồm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 có công suất xử lý 800 tấn/ngày, phát điện 20 MW, giai đoạn 2 nâng công suất lên 1.200 tấn/ngày, phát điện đạt 30 MW.
Triển khai thực hiện các dự án điện rác nhằm cung cấp nguồn năng lượng sạch, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường
Tại cuộc họp, ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh, dự án nhà máy xử lý rác sinh hoạt phát điện tại xã Vĩnh Tân là dự án lớn, có ý nghĩa nhiều mặt, đặc biệt là trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Do đó, tỉnh Đồng Nai muốn sớm triển khai dự án.
Đến nay, dù đã được HĐND tỉnh Đồng Nai thông qua gần 2 năm nhưng dự án vẫn chưa hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi, chưa lựa chọn được nhà đầu tư. Trách nhiệm này thuộc về Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, huyện Vĩnh Cửu và Công ty CP LE DELTA (chủ đầu tư dự án).
Ông Võ Văn Phi yêu cầu chủ đầu tư nghiêm túc, có trách nhiệm lập hồ sơ thuyết minh công nghệ trình hội đồng thẩm định khoa học công nghệ của tỉnh. Sau khi có hồ sơ khoa học công nghệ thì trình lại báo cáo đánh giá tác động môi trường lên Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo: Trong tháng 9/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai có trách nhiệm tư vấn, hỗ trợ chủ đầu tư hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án. Huyện Vĩnh Cửu cần bố trí nguồn ngân sách địa phương hoàn chỉnh việc lập quy hoạch chi tiết 1/500 vào tháng 9 tới.
Ngân Hà