Bản tin năng lượng số 29/2021
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký ban hành Nghị quyết số 83/NQ-CP của Chính phủ thống nhất phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện (đợt 4) cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 theo đề xuất của Bộ Công Thương.
Chính phủ đồng ý hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện (đợt 4) cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19
Cụ thể, Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục và quy định pháp luật, bảo đảm chặt chẽ, đúng đối tượng, không để trục lợi chính sách; chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung, số liệu báo cáo và đề xuất.
Theo đề xuất của Bộ Công Thương, hỗ trợ giảm tiền điện cho khách hàng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt như sau:
Đối tượng hỗ trợ giảm tiền điện là các khách hàng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các quận, huyện, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố tại thời điểm ngày 30/7/2021 đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.
Về mức hỗ trợ giảm giá điện, giảm 15% tiền điện (trước thuế VAT) trên hóa đơn tiền điện cho các khách hàng sử dụng đến 200 kWh/tháng; giảm 10% tiền điện (trước thuế VAT) trên hóa đơn tiền điện cho các khách hàng sử dụng trên 200 kWh/tháng.
Thời gian hỗ trợ giảm tiền điện cho khách sử dụng điện là 2 tháng tại các kỳ hóa đơn tháng 8 và kỳ hoá đơn tháng 9 năm 2021.
Danh sách các địa phương được giảm tiền điện do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cung cấp cho các đơn vị điện lực.
Chính phủ chấp thuận hỗ trợ giảm tiền điện cho khách hàng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 (đợt 4) theo đề xuất của Bộ Công Thương
Theo ước tính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong đợt 4 số tiền hỗ trợ giảm giá điện cho khách hàng sử dụng điện mục đích sinh hoạt là khoảng 2.500 tỷ đồng (chưa bao gồm thuế VAT).
Bên cạnh đó, hỗ trợ giảm tiền điện cho các cơ sở cách ly y tế tập trung phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 có thu một phần chi phí của người cách ly.
Cụ thể, đối tượng là các cơ sở cách ly y tế tập trung phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian có người đang thực hiện cách ly y tế đáp ứng các điều kiện sau:
Doanh trại quân đội, trường của quân đội, cơ sở khác đang được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chọn làm nơi cách ly y tế tập trung phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 không thu chi phí hoặc có thu một số khoản chi phí của người phải cách ly quy định tại điểm b khoản 3, điểm b khoản 4, điểm b khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 8/2/2021 của Chính phủ.
Mua điện trực tiếp từ Tổng công ty Điện lực/Công ty Điện lực thuộc EVN và các đơn vị bán lẻ điện khác.
Mức hỗ trợ: giảm 100% tiền điện cho các đối tượng nêu trên.
Thời gian hỗ trợ giảm tiền điện 7 tháng kể từ kỳ hóa đơn tiền điện tháng 6 năm 2021 đến kỳ hóa đơn tiền điện tháng 12 năm 2021.
Danh sách các cơ sở phục vụ phòng chống dịch COVID-19 được giảm tiền điện do Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an,
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cung cấp cho các đơn vị điện lực.
Các đối tượng được giảm giá điện, giảm tiền điện khác tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 55/NQ-CP ngày 2/6/2021 của Chính phủ.
Chia sẻ bài học và kinh nghiệm chuyển đổi số trong ngành điện
Từ 29 - 31/7, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức hội thảo quốc tế “Hành trình chuyển đổi số - Bài học và kinh nghiệm” theo hình thức trực tuyến.
Hội thảo có sự tham dự của hơn 300 đại biểu đại diện cho ngành điện các nước ASEAN và đại diện các đơn vị trực thuộc EVN. Đây là cơ hội để các đại biểu cùng nhau chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm để rút ngắn và đi nhanh hơn trong hành trình chuyển đổi số.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN nhấn mạnh, kỷ nguyên số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới cùng với tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đã tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp phải nhanh chóng đổi mới toàn diện và sâu sắc trong mọi lĩnh vực theo hướng tự động hóa, áp dụng công nghệ số.
EVN đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025
Thời gian qua, ngành điện Việt Nam cũng chứng kiến nhiều sự thay đổi lớn, ảnh hưởng cơ bản đến hoạt động sản xuất và kinh doanh. "Các nhà máy điện, các trạm điện trước đây phải có người trực tiếp vận hành, nay phần lớn có thể điều khiển từ xa, tiết kiệm nhiều nhân lực và nâng cao độ khả dụng của hệ thống điện. Giao dịch với khách hàng trước đây do những giao dịch viên ngành điện đến gặp gỡ trực tiếp, nay mọi dịch vụ được cung cấp sẵn trên các nền tảng giao dịch trực tuyến để khách hàng tự trải nghiệm, tự thực hiện", ông Võ Quang Lâm chia sẻ.
Năm 2021, EVN lựa chọn chủ đề năm là “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực quốc gia Việt Nam”, hướng tới mục tiêu xây dựng EVN trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025, trong đó chuyển đổi số cơ bản hoàn thành trong năm 2022. Những hội thảo quốc tế về chuyển đổi số như dịp này giúp EVN và ngành điện các nước ASEAN có cơ hội học hỏi, chia sẻ những câu chuyện thành công, bài học rút ra để ngành điện mỗi quốc gia có thể rút kinh nghiệm, từ đó xây dựng thành công lộ trình chuyển đổi số cho riêng mình.
Hội thảo “Hành trình chuyển đổi số - Bài học và kinh nghiệm” bao gồm nhiều tham luận về những giải pháp/đề án cụ thể về triển khai chuyển đổi số trong các lĩnh vực quản trị, kinh doanh và dịch vụ khách hàng, quản lý kỹ thuật, vận hành và bảo dưỡng, đầu tư xây dựng... của ngành điện các nước ASEAN. Một số tham luận đáng chú ý là: Những xu hướng lớn ảnh hưởng đến ngành năng lượng; Hành trình chuyển đổi số của EVN; Chiến lược đấu thầu điện gió và tối ưu hóa; Phân tích dữ liệu và nhân sự số: phương pháp tiếp cận thực tế để triển khai thành công; Hợp lý hóa quy trình kinh doanh và tăng doanh thu; Triển khai IOT với máy biến áp sử dụng bộ chỉnh áp có tải trong lưới phân phối...
Hoàn thành hơn 90% dự án đốt rác phát điện Sóc Sơn
Hiện tại, dự án đốt rác phát điện Sóc Sơn (Hà Nội) đã được hoàn thành hơn 90% khối lượng công việc, sẵn sàng tiếp nhận rác dần dần từ giữa tháng 8/2021.
Dự án đốt rác phát điện Sóc Sơn nằm trong khu liên hợp xử lý chất thải rắn Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội). Dự án được UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương từ năm 2017, tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng. Khi hoạt động, nhà máy dự kiến sẽ xử lý hơn 2/3 số rác của toàn TP Hà Nội.
Nhà máy điện rác Sóc Sơn sẽ tiếp nhận rác dần dần từ giữa tháng 8/2021
Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn được chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 được vận hành vào cuối tháng 5/2021; giai đoạn 2 được vận hành từ cuối tháng 8/2021; giai đoạn 3 dự kiến được vận hành vào cuối tháng 9/2021. Hiện tại, dự án đã được hoàn thành hơn 90% khối lượng công việc, sẵn sàng tiếp nhận rác dần dần từ giữa tháng 8/2021.
Theo đại diện chủ đầu tư, hiện tại, trừ khu vực xử lý tro xỉ , phần xây dựng của nhà máy đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn lại một số công tác cuối như: quét một phần tường bao bên ngoài, công tác nền và hoàn thiện. Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ dự án, dưới sự chỉ đạo của Sở Xây dựng TP Hà Nội, chủ đầu tư đã tổ chức giới thiệu quy trình tiếp nhận rác vào nhà máy và quy định các về loại rác thải đối với 17 đơn vị thu gom, vận chuyển rác. Hiện tại đã thực hiện xong với 14/17 đơn vị.
Theo tính toán của chủ đầu tư, khi đưa vào vận hành 2 lò hơi trong giai đoạn 1 của dự án thì có thể xử lý được khoảng 2.000 tấn rác/ngày đêm; sau 3 giai đoạn, có thể đưa 5 lò hơi vào vận hành sẽ xử lý được khoảng 5.000 tấn rác/ngày đêm, góp phần giải quyết vấn đề cấp bách về rác thải cho TP Hà Nội.
Ngân Hà